Đừng tự bôi bẩn mình trên mạng

17/08/2024 - 16:47

PNO - Nhìn những gì bạn tham gia, thể hiện trên mạng xã hội, người ta sẽ biết bạn là người như thế nào.

Thời của mạng xã hội (MXH), người ta sở hữu vài nick ảo, đóng nhiều vai trên mạng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không phải ai có thâm niên làm "công dân mạng" cũng biết cách tham gia MXH sao cho văn minh, lành mạnh, để lại ấn tượng đẹp đẽ. Không ít người đã tự bôi bẩn mình trên MXH mà không hề hay biết. Thử điểm lại xem bạn có bao giờ rơi vào các tình huống dưới đây không:

Một nhóm anti-fan của tân hoa hậu hoà bình có đến 26.000 thành viên (ảnh chụp màn hình)
Một nhóm anti-fan của tân hoa hậu hoà bình có đến 26.000 thành viên (ảnh chụp màn hình)

1.Nói bậy, cợt nhã trên các nhóm "đen"

Không ít lần, tôi bắt gặp anh bạn làm giáo viên (cấp ba) của mình đang bình luận cợt nhả trong một nhóm dành cho tuổi trung niên và những nhóm chỉ nhìn qua cái tên đã thấy thô tục. Hẳn trong lúc vô tư đùa cợt dưới những chủ đề chỉ dành cho người thiếu nghiêm túc, anh không hề hay biết nhất cử nhất động của anh trên mạng đều có thể bị bắt gặp bởi người quen hay các phụ huynh, học trò của anh.

Dù Facebook có chức năng không cho người khác biết bạn đang xem gì, tương tác với trang, nhóm gì trên đó nhưng trái đất vốn tròn và nhỏ, bạn chỉ có thể ngăn chặn những người mà bạn quen, biết. Khi cho rằng mình đã an toàn khỏi những "camera" quen thuộc, bạn vẫn có khả năng bị bắt gặp bởi những người bạn không thể ngờ tới khi tự do thể hiện mình trong các trang, nhóm kín (private) lẫn công khai (public).

2. Đăng ảnh gợi cảm

Đối tượng hay mắc phải "lỗi" này đa phần là phụ nữ bất kể tuổi tác, và thường là phụ nữ đẹp (hoặc tự cho là mình đẹp). Họ chỉ đơn giản "chia sẻ" vẻ đẹp nhan sắc, hình thể để đổi lấy những lời khen ngợi hay những lượt thích, bình luận tích cực.

Không chỉ trở nên "có vấn đề về hạnh kiểm, tư cách đạo đức", những hình ảnh gợi cảm của họ dễ trở thành "mồi" ngon cho những kẻ biến thái, bệnh hoạn hay những trang web đen. Chưa kể, những người đẹp thật không sao, nhiều người không đẹp còn bị lên án, mang "tội" tra tấn người khác bằng những bức ảnh phản cảm khi ảo tưởng rằng mình đẹp, hấp dẫn.

3. Bài xích quan hệ đồng tính

Dưới những bài đăng về chuyện tình cảm của những cặp đồng tính (nhất là trong giới nghệ sĩ), không khó bắt gặp những bình luận tọc mạch mấy chuyện tế nhị như quan hệ tình dục, phẫu thuật chuyển giới và chỉ trích kiểu quan hệ đồng giới. Khi một số nước trên thế giới đã công nhận hôn nhân, tình dục đồng giới, những lời chỉ trích, miệt thị chỉ cho thấy sự thiển cận, thiếu văn minh và hiểu biết của những tư tưởng ấu trĩ, hẹp hòi.

Những bình luận khiếm nhã về quan hệ đồng giới của một cặp đôi trong showbiz (ảnh chụp màn hình)
Những bình luận khiếm nhã về quan hệ đồng giới của một cặp đôi trong showbiz (ảnh chụp màn hình)

4. Anti-fan

Bất cứ ai cũng có thể trở thành anti-fan và dễ dàng bị lôi kéo vào cuộc chiến bảo vệ idol của mình dù trước đó họ chẳng thần tượng hoặc đứng về phe nào cả. Từ chuyện siêu mẫu Hoàng Thùy bị loại khỏi ghế giám khảo Miss Universe Vietnam 2024 và tiếp sau đó là Võ Lê Quế Anh đăng quang hoa hậu Miss Grand Vietnam 2024, nhiều người tự cho mình quyền bảo vệ chính nghĩa, đòi lại công bằng cho những người thua cuộc bằng cách lập ra những nhóm phản đối (anti-fan).

Không chỉ tân hoa hậu bị ném đá tơi tả, một siêu mẫu nổi tiếng cũng bị các anti-fan gọi bằng những biệt danh mang tính sát thương như "Thanh xà", "rắn độc", "phù thủy" vì bị cho là chơi xấu, chèn ép người khác trong khi chẳng ai biết được sự thật, đúng - sai.

5. Bệnh ái kỷ (vĩ cuồng)

Thoạt nghe qua, những người yêu bản thân mình quá mức chẳng có gì sai. Nhưng những người mắc bệnh ái kỷ (thường là những người đẹp, giàu có hoặc những người đạt được một số thành tựu nhất định trong xã hội) luôn tự cho mình là đúng, là nhất, là trung tâm của vũ trụ.

Họ không chấp nhận những ý kiến trái chiều và luôn thẳng tay "trừng trị" những ai phản bác lại các luận điểm của họ bằng cách huỷ kết bạn hoặc chặn vĩnh viễn, trên mạng lẫn ngoài đời thực. Từ một người xinh đẹp, giỏi giang, thành đạt, những người này trở nên xấu xí trước đám đông khi họ luôn kiêu ngạo và xem thường người khác.

6. Đá xéo

Nhiều người chọn cách chửi chó mắng mèo, đá xéo người khác trên MXH vì những mâu thuẫn cá nhân hoặc dìm hàng người khác để nâng mình lên. Kiểu này thường thấy ở những người buôn bán nhỏ lẻ, cạnh tranh không lành mạnh, những người muốn nổi tiếng nhờ tai tiếng hoặc những vụ ghen tuông với người thứ ba. Mà thường, khi cầm bùn ném người khác, người ném là người bị vấy bẩn trước tiên.

7. Khoe mẽ

Từ khoe của, khoe bằng cấp, chức vị đến khoe chồng giỏi, con ngoan, khoe tài lẻ... dễ khiến chủ thể trở nên lố bịch vì rất khó phân định giữa "chia sẻ" (cho vui là chính) với việc khoe khoang, thiếu khiêm tốn.

Nhiều người cho rằng MXH là ảo, nhưng tính sát thương từ lời nói, bình luận của những kẻ xấu xí là hoàn toàn thật. Những "lời nói đọi máu" có khi ảnh hưởng đến cuộc sống, tinh thần của người nghe mãi về sau kể cả khi những phát ngôn mang tính "khẩu nghiệp" trên mạng đã bị xóa.

Có thể nói: nhìn những gì bạn tham gia, thể hiện trên MXH, người ta sẽ biết bạn là người như thế nào. Nhận xét này hẳn không sai. Có khi nào bạn tự bôi bẩn mình bằng những điều "kỵ" ở trên? Còn kiểu chơi MXH xấu xí nào khác mà bạn nghĩ chúng ta nên tránh?

Vĩnh Thuỵ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI