Mấy ngày nay, mạng xã hội (MXH) lại một phen ồn ào bởi những video clip của một người đẹp đăng đàn làm đủ trò: từ than khóc, kể lể, chửi bới đến "bóc phốt" người khác. Tôi không hiểu mục đích của cô ta là gì nhưng kết quả là cô ta bị Sở Văn hoá và Thông tin "tuýt còi" và có khả năng bị xử lý. Chưa kể hình ảnh đẹp đẽ trước kia của cô bị xấu đi một cách thảm hại.
Có người cho rằng cô gái ấy bị vấn đề về thần kinh nên thiếu kiểm soát. Nhưng dù lý do là gì thì việc thể hiện mình trên mạng cũng dễ đưa "chính chủ" vào tình huống tự bôi xấu mình hơn nếu họ "diễn" bằng cảm xúc bộc phát thay vì được đào tạo bài bản để xuất hiện trước đám đông.
Cẩn thận khi dùng mạng xã hội là lời nhắc không bao giờ thừa để đừng tự biến mình thành nạn nhân trên thế giới ảo (ảnh minh hoạ)
Trong lúc người người dùng MXH, thậm chí có người dùng đến vài tài khoản khác nhau, một số bạn bè tôi lại chọn nói không với MXH sau vài lần "dạo chơi" trên mạng. Với họ, MXH như một cái chợ bát nháo, mạnh ai nấy phát biểu rồi cãi nhau loạn xạ, chẳng ai nhường ai thành ra vô đó xong có khi lại mất các mối quan hệ mà người ta đã tạo dựng ở ngoài đời. Việc "sống trên mạng, thở với mạng" với họ là một thói quen vô bổ, mất thời gian mà đôi khi kết cục lãng xẹt.
Tôi hiểu ý nghĩa của sự "lãng xẹt" đó sau vài lần chứng kiến các cuộc tranh luận giữa "chủ thớt" là những người có chút tiếng tăm và những người bình luận bên dưới các bài đăng bày tỏ quan điểm. Buồn cười ở chỗ, họ - những người tự xem mình có chút thành tựu trong xã hội, bị người khác bất đồng ý kiến hay bày tỏ quan điểm trái ngược là nổi giận, nhẹ là họ phản bác lại bằng những từ ngữ gay gắt, nặng hơn là họ huỷ kết bạn hoặc chặn luôn. Trên mạng như thế thì ngoài đời thực dễ gì còn nhìn mặt nhau. Phải chăng họ tự mặc định rằng với chút tiếng tăm, thành công nhất định thì những gì họ phát biểu luôn đúng và đám đông ngoài kia không được trái ý mình?
Cư dân mạng còn chỉ trích những người hay "nói đạo lý" hoặc "nói được nhưng không làm được". Đó là vị chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình nhưng lại có cuộc sống hôn nhân không suông sẻ. Hoặc một chuyên gia thần số học có khả năng "cãi số", "điều chỉnh" vận mệnh của người khác nhưng lại không tránh được tai ương của gia đình. Hoặc những nhân vật chuyên dạy làm giàu nhưng nợ như chúa chổm... Thực ra, những người bị chỉ trích ở đây không có lỗi. Có điều, khi được (hay bị?) soi chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau của những người có nhân sinh quan không giống nhau, họ lại trở thành phiên bản lỗi của chính mình khi những điều họ nói ra có thể đúng hoặc áp dụng với người này được nhưng lại không khả dụng với người khác. MXH là một lăng kính mà khi soi vào, mỗi người đều có thể cho ra nhiều phiên bản khác nhau là vậy.
Dân chơi mạng hẳn chưa quên một phụ nữ nổi tiếng hiện đang bị giam sau thời gian gây náo loạn cõi mạng bằng những phát ngôn gây sốc. Công bằng mà nói, những thông tin vị này tiết lộ trên MXH không phải hoàn toàn vô ích, nhưng việc tự cho mình cái quyền "thay trời hành đạo" khiến bà bị lố dẫn đến sai phạm.
Người khôn ngoan xem MXH là nơi để học hỏi sau khi đã gạn đục khơi trong, giao tiếp chuẩn mực. Người biết nắm bắt cơ hội thì cho MXH là nơi kinh doanh, hái ra tiền thay vì tiêu tốn thời gian vô bổ. Còn người thích thể hiện cái tôi của mình dễ bị "hớ" vì để phô diễn nhan sắc thì sẽ có người đẹp hơn, để phô trương sự giàu có ắt có người giàu hơn, hoặc thích khoe mẽ thành tựu, sự thông thái thì xã hội hẳn không thiếu người tài giỏi, uyên bác hơn.
Để kiểm soát văn hoá ứng xử trên thế giới mạng, tránh hậu quả tiêu cực đến cộng đồng, pháp luật đã có nhiều hình thức chế tài tuỳ mức độ từ dân sự đến hình sự. Tuy nhiên, sự tự tiết chế của mỗi người là vô cùng cần thiết. Đừng để "ngậm quả đắng" mới nhận ra sự "lố" của mình âu cũng muộn rồi.