Đừng tự biến mình thành đám đông tò mò, bắt chước

28/05/2024 - 18:49

PNO - Ngưỡng mộ rồi mù quáng bắt chước theo ít khi đúng, vì hành vi của người khác chưa chắc phù hợp với mình.

Gần đây, thông tin về chuyện tu tập của ông Lê Anh Tú (thường gọi là Sư Thích Minh Tuệ) được nhiều người quan tâm. Riêng tôi gọi ông là tu sĩ theo cái nghĩa là người đang tu tập như ông tự nhận. Về phương pháp tu tập của ông tôi không lạm bàn vì không đủ kiến thức để hiểu, bình luận. Điều tôi muốn nói ở đây là dù ông bước chân trần, ôm ruột nồi cơm điện đi từ Bắc vào Nam và ngược lại đã 6 năm qua, mà mãi đến bây giờ mới được (hay bị) người ta chú ý, dấy lên làn sóng người theo dõi và đi theo.

Hình ảnh đám đông đi theo Sư Thích Minh Tuệ gây ít nhiều ảnh hưởng giao thông trên đường - Ảnh: Facebook

Tôi thắc mắc, mỗi bước chân, mỗi hành động của ông, kể cả sinh hoạt đời thường đều bị nhiều người dõi theo, thậm chí bị quay video thì có ảnh hưởng đến việc tu tập của ông hay không? Nếu là tôi thì chắc chắn không thể chịu đựng nổi, có khi phát điên lên. Nhưng thôi, sự kiên nhẫn cam chịu của một tu sĩ khổ hạnh chắc là phải khác người thường.

Cái tôi muốn nói ở đây chính là sự tò mò của công chúng. Từng có câu chuyện châm biếm thế này: Có một người đang đi thì dừng lại nhìn lên bầu trời. Một người khác thấy vậy nhìn theo. Và rồi một đám đông cùng nhìn lên bầu trời. Họ hỏi nhau thấy gì không? Đám đông lập tức bàn luận xôn xao. Cho đến khi người đầu tiên cuối đầu tách ra khỏi đám đông thì được hỏi nhìn thấy gì? Câu trả lời: “Thấy gì đâu. Tôi bị chảy máu cam, ngước đầu nhìn lên để máu ngưng chảy. Hết chảy rồi thì tôi đi tiếp”.

Không hiếm những trường hợp đánh nhau hay tai nạn giao thông trên đường tạo nên một đám đông vây quanh đứng nhìn chỉ vì tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Cho đến khi lực lượng chức năng can thiệp họ mới chịu giải tán.

Thật ra tò mò không xấu. Nó chứng tỏ tính ham hiểu biết của con người. Chính từ tò mò mà bao nhiêu định luật khoa học được phát minh. Nhờ tò mò tìm hiểu bà con, láng giềng làm ăn ra sao mà các cách nuôi trồng mới, cây giống, con giống mới được phổ biến. Phong trào trồng thanh long, trồng sầu riêng, nuôi cá, nuôi tôm… phát triển cũng từ đó. Nhưng tò mò để rồi bắt chước mà mình không biết đang làm theo cái gì, lắm khi đưa đến bao sự thất bại nặng nề như phong trào nuôi cá trê phi, nuôi trăn hay nuôi ốc bươu vàng… trước đây.

Ngày nay với mạng xã hội phát triển, nhiều người lợi dụng sự tò mò của công chúng để câu view khi quay phim chụp ảnh đưa lên Tiktok, Youtube, Facebook... Bất chấp các hình ảnh, phim ảnh được họ ghi nhận làm ảnh hưởng đến cá nhân người được chụp ảnh, được quay phim. Tệ hơn nữa là việc làm đó kích thích nhiều người bắt chước để hình ảnh của mình được lên mạng xã hội.

Dù bản chất con người là tò mò, nhưng bản thân mỗi người phải biết tiết chế để đừng làm ảnh hưởng đến người khác, ảnh hưởng đến cộng đồng. Quan trọng hơn là trước khi bắt chước hành động của ai đó cần phải biết mình đang làm điều gì.

Mỗi người sinh ra đều là một bản chính nên đừng hành động như một bản sao. Hãy dụng trí suy xét vấn đề, nên làm gì và không nên làm gì trước khi thực hiện một sự việc. Đừng chỉ biết cắm đầu chạy theo số đông vừa không hợp với mình, vừa ảnh hưởng đến người khác và xã hội.

Nguyễn Thu Đăng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI