Lập kế hoạch cuộc đời

Đừng trút gánh nặng lên vai con

16/12/2024 - 12:49

PNO - Chú giao hết tài sản cho anh Bình, dặn anh muốn chia cho các em thế nào tuỳ ý. Vô tình, chú đặt gánh nặng lên anh Bình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh bạn tôi luôn nghĩ tài sản vợ chồng anh làm ra sẽ để lại cho con, nên kế hoạch tuổi già của vợ chồng anh, đặt hết trách nhiệm lên con. Sau một vài biến cố, anh nhận ra đã sai lầm khi kỳ vọng vào con quá nhiều.

Con anh tan sở là hẹn hò với bạn gái hoặc đi nhậu với bạn bè. Vợ anh đổ bệnh lúc anh đi công tác. Anh gọi con, nhắc nó về sớm chở mẹ đi bác sĩ. Con thoái thác đang bận việc. Anh đau lòng ở chỗ, con anh hờ hững với người nhà nhưng nhiệt tình với người ngoài.

Ngày 8/3, ngày 20/10… con miệt mài gửi quà ra miền Trung tặng mẹ của bạn gái. Anh tự an ủi rằng, tuổi trẻ nào cũng vậy, yêu đương là phải chăm chút cho tình yêu. Còn mẹ cha vẫn ở đó, không cần lấy lòng hay nhiệt tình chăm sóc. Nhưng sau lần bị tai nạn, anh mới thôi tự lừa dối mình về sự vô tình của con.

Bữa đó trên đường đi làm, anh bị tai nạn. Bác sĩ đề nghị chụp MRI. Trước khi vào phòng chụp, anh bỗng dưng sợ chết. Anh nhắn cho con: “Ba đang ở bệnh viện, chuẩn bị chụp MRI”. Anh mong chờ con sẽ nhắn gửi yêu thương để anh có thêm nghị lực đối mặt với bất trắc. Con anh nhắn lại: “Vậy ba chụp đi nha, con đang dở việc”.

Lúc đó nước mắt anh lặng lẽ chảy. Sao con không hỏi ba bệnh gì? Ba có sao không?...

Sau đợt bệnh, anh bàn với vợ từ nay sẽ tích cóp phòng khi đau ốm. Anh đúc kết rằng: tuổi già nhiều bệnh tật, tự chủ lấy tài chính là tự chủ một nửa số phận. Đừng tiêu xài hết cho con rồi biến mình thành kẻ ăn mày tình thương của chính con mình.

Tuổi già cần tự chủ tài chính để nhẹ gánh cho con cái (ảnh minh hoạ)
Tuổi già cần tự chủ tài chính để nhẹ gánh cho con cái (ảnh minh hoạ)

Lập kế hoạch cuộc đời là việc ai cũng biết, nhưng làm được hay không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, quan niệm và cả việc… từ chối lập kế hoạch.

Anh Bình, con trai lớn của chú thím Năm rất khá giả. 3 đứa em anh Bình vào đại học, vợ chồng anh đều lo đủ suốt 4 năm. Thím Năm bị tai biến, anh đưa thím lên thành phố chạy chữa. Thím nằm liệt giường 6 năm rồi mới mất. Chú Năm nhận ra, chỉ có anh Bình tận tâm báo hiếu nên dự tính cho anh Bình 2 phần tài sản, phần còn lại chia đều 3 đứa con.

Chú mới bàn vậy thôi, đám con đã bất mãn. Cũng vì sợ các con tranh chấp nên chú Năm lần lữa không phân chia tài sản, chỉ dặn giao hết cho anh Bình, anh muốn chia cho các em thế nào tuỳ ý, nếu chú đau ốm hoặc mất đi, anh Bình sẽ thu xếp.

Vô tình, quyết định của chú đặt gánh nặng lên vai anh Bình. Chú Năm bị gãy cổ xương đùi, ca mổ sau đó thất bại nên chú phải chịu cảnh đau đớn tới cuối đời. Các em anh Bình cho rằng anh chịu trách nhiệm nuôi dưỡng cha nên chỉ tới thăm cho có lệ. Sau khi chú Năm mất, các em anh Bình tranh giành tài sản dẫn đến bất hoà.

Người già nên lập kế hoạch cho tương lai của mình. Việc phân chia tài sản ra sao, đau ốm chi phí từ đâu, tang lễ tổ chức thế nào... nên vạch ra cụ thể để tránh việc con cái tỵ nạnh hoặc tranh giành, gây bất hoà. Tài sản làm ra, có thể bán đi để tuổi già không phải lo thiếu trước hụt sau, khi đau ốm cũng không làm phiền con cái. Vì suy cho cùng, khi rời cõi tạm, có ai mang theo được gì!

Dân gian có câu rất hay: “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Tự mỗi người làm tốt trách nhiệm và nghĩa vụ là đủ, phần còn lại của con, hãy để con tự chịu trách nhiệm. Kế hoạch về một tuổi già thong dong có mấy người làm được, cũng vì quá thương, cũng vì đã quen hy sinh và cam chịu.

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI