Dùng trứng đà điểu chế tạo thuốc

12/03/2017 - 09:00

PNO - Tại sao lại là trứng đà điểu mà không phải trứng gà, trứng vịt...?

Nhóm nhà khoa học Mỹ thuộc tổ chức OstriGen khẳng định khả năng tạo ra loại thuốc chứa các kháng thể giúp tiêu diệt vi khuẩn Clostridium difficile (C. difficile) từ trứng đà điểu. Loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

Trong tự nhiên, đà điểu là một trong những loài chim tồn tại lâu đời nhất trên trái đất, có lẽ bởi vì hệ thống miễn dịch của chúng cực kỳ tốt.

Đà điểu mái sản sinh kháng thể cho nhiều loại vi khuẩn và vi rút. Những kháng thể này dễ dàng được thu hoạch với số lượng lớn từ quả trứng khổng lồ của chúng.

Dung trung da dieu che tao thuoc
Quả trứng khổng lồ của đà điểu mang theo rất nhiều kháng thể hữu ích cho con người

Không giống như các tế bào tương tự sản xuất bởi các động vật khác, kháng thể từ đà điểu đủ vững chắc để tồn tại trong môi trường có tính axit cao như dạ dày của con người.

Điều này nghĩa là chúng đi qua hệ tiêu hóa một cách an toàn, đồng thời săn lùng các vi khuẩn có hại trên đường di chuyển.

C. difficile, một loại vi khuẩn sống trong ruột, hầu như không nguy hiểm đối với người khỏe mạnh.

Dung trung da dieu che tao thuoc
 

Tuy nhiên, khi sự cân bằng bình thường của vi khuẩn đường ruột bị xáo trộn, nó có thể gây tiêu chảy, xuất huyết dạ dày, sốt và chuột rút. Nguyên nhân thường gặp nhất là do điều trị bằng kháng sinh dài ngày.

Bên cạnh đó, C. difficile dễ dàng ảnh hưởng những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ như sau đợt hóa trị liệu.

Trong những trường hợp xấu nhất, nó có thể kích hoạt tình trạng viêm phúc mạc, một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm trong ổ bụng. Quá trình chữa bệnh đòi hỏi sử dụng kháng sinh mạnh hoặc thuốc đặc trị.

Dung trung da dieu che tao thuoc
C. difficile là nguyên nhân thường gặp gây viêm đại tràng màng giả, từ đó có thể dẫn đến viêm phúc mạc nguy hiểm

Vì vậy, uống dung dịch chứa kháng thể từ đà điểu dường như là lựa chọn tối ưu hơn.

Các nhà khoa học tạo ra kháng thể cần thiết bằng cách tiêm vào cơ thể đà điểu mái một số vi khuẩn C. difficile bất hoạt, qua đó kích thích hệ thống miễn dịch của chim tự sản xuất các tế bào chống lại vi khuẩn.

Loại thuốc từ trứng đà điểu dự kiến đi vào sử dụng đại trà trong vòng từ ba đến năm năm tới, nếu các cuộc thử nghiệm kiểm định đều thành công.

Nhiều công trình khoa học trước đây cũng thể hiện khả năng kháng bệnh kỳ diệu từ trứng đà điểu.

Chẳng hạn, một nghiên cứ năm 2012 tại Brazil cho thấy kháng thể từ trứng đà điểu có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Staphylococcus aureus và E. coli

Còn ở Mozambique, trứng đà điểu được chế biến thành món ăn ngọt giúp trị bệnh tả cho trẻ em.

Ngọc Hạ (Theo South America Times, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI