1.
Sáng loay hoay chuẩn bị đi làm, thấy cuộc gọi nhỡ của ba, bụng bảo dạ: chắc ba bấm nhầm. Từ từ rảnh gọi lại cũng được, ngày nào ba cũng gọi và quanh đi quẩn lại chỉ mấy câu hỏi: “Con ăn cơm chưa, có đi làm không?”.
Hòa vào dòng người nơi đèn đỏ, tôi đưa mắt nhìn bé gái nhỏ nép sát vào lưng, cả hai tay cho vào túi áo khoác của người đàn ông phía trước, giọng nói trong vắt: “Lạnh quá ba ơi!”. Không dưng có cái gì cuộn lên trong dạ. Con bé tôi của một ngày đã xa cũng từng biết bao lần như thế.
|
Ảnh minh họa |
Tôi chợt như thấy rất rõ cảnh ba dậy thật sớm, từ lúc ngọn đèn đường trước cổng nhà còn chưa kịp tắt, chỉ thưa thớt vài tiếng xe của những bạn hàng chạy vụt qua vội vã cho kịp phiên chợ. Ba sẽ đi nấu ấm nước, pha trà, ngồi một mình chờ trời sáng.
Ba ngồi đó, không đánh thức mẹ, nhìn người ta đi chợ, nhìn trẻ con ôm cặp sách đến trường. Và thể nào khi uống cùng mẹ tách trà, hai người cũng sẽ nói với nhau về con và cháu - ngày nào cũng thế. Thể nào cũng sẽ nghe cả hai gần như cùng lúc buông câu: “Mới đây mà…!”. Ánh mắt vẫn như đang neo đậu về những năm tháng nào đó, khi chị em chúng tôi cũng nhỏ xíu, mang lủng lẳng chiếc cặp trên vai vào mỗi sớm mai…
Câu nói chậm rãi, luôn bỏ lửng ấy tôi đã nghe nhiều lần. Ngày xưa nghe ông bà nội, ông bà ngoại nói khi giỗ tết hay hè chị em tôi về quê chơi. Sau này nghe ba mẹ, các bác, cậu, dì nói. Thậm chí giờ, tôi đã nghe bạn bè mình, có đứa nhìn theo bóng lưng mỗi ngày một lạ của con mà thốt ra câu ấy…
“Mới đây” là bao lâu nhỉ? Con người ta có khi chỉ cần sống một ngày cũng đủ niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau cho một đời. Cả quãng đường dài đi theo, ngóng vọng, thở cả bằng nhịp thở của con. Ngắn lắm sao, nhẹ nhàng lắm sao mà “mới” nhỉ? Có cái gì ngỡ ngàng, tiếc nuối, cả hoài nhớ vui vẻ trong câu nói đó phải không?
2.
Tôi lại nghĩ đến nghề làm cha mẹ. Cái nghề không ai dạy, không học được ở đâu, bởi lẽ có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, có hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào.
Chỉ cần có một đứa trẻ lọt lòng là tự khắc có hai con người mang cả tim óc mình ra để tự học. Chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ người ta học cái gì tận tụy, miệt mài, vui tươi và hạnh phúc cho bằng học nghề ấy!
Rồi ngàn năm trước cho đến vạn năm sau chắc cũng không thay đổi, hai con người ấy cứ tình nguyện cột chặt trái tim mình vào mỗi bước chân của con. Nhất là khi bóng xế, không gian sống chỉ còn quẩn quanh trong khoảnh sân nhỏ xíu, bước chân cả ngày cũng chỉ từ nhà bếp ra phòng khách rồi vào phòng ngủ.
Tất cả suy nghĩ, quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ hướng vào con. Đợi nó mỗi ngày, mong nó mỗi ngày, thắc thỏm cầu bình an cho nó mỗi ngày…
Các con, như một đặc ân tốt đẹp mà nhân loại được sở hữu, đa phần đều yêu thương cha mẹ của mình. Thế nhưng, cuộc đời như dòng sông đang chảy, sóng sau cuộn sóng trước, không có khoảnh khắc nào dừng lại. Thương cha mẹ là thương lắm nhưng biết bao thứ đang xẻ chia trái tim, thời gian, tâm trí của người trẻ và cuốn họ đi.
Đôi khi cũng chính là do sự an tâm có phần chủ quan rằng cha mẹ vẫn ở đó. Không cần vội, cứ từ từ hôm nay không gọi điện thì mai, không ngày mai thì ngày mốt. Chủ nhật này không về thăm ông bà thì Chủ nhật sau…
Mấy hôm trước, khi cô em đồng nghiệp nhắn, từng chữ cô viết tôi có cảm tưởng như từng giọt nước mắt rơi trên màn hình: “Mới đây mà hai năm rồi. Không còn ai nấu cơm cho ăn rồi đợi em về. Căn phòng và mọi thứ của ba vẫn y nguyên như ba chưa từng ra đi mãi mãi…”.
Tôi lặng người. Yêu thương nhau nên chăng đừng bao giờ trì hoãn? Nhất là với cha mẹ già, tựa những trái chuối chín cây, gió lay lúc nào ta làm sao biết được.
Những đứa con xa nhà, mưu sinh trên đất khách quê người, giật gấu vá vai với hàng trăm thứ chi phí, chắt chiu từng đồng cho một chuyến về quê thăm ba mẹ. Rồi không ít người nén lòng hứa hẹn “ít bữa nữa vậy”.
Về quê không thong thả tiền bạc ăn nói làm sao? Về quê mà mặt mũi dàu dàu sợ ông bà thêm lo. Rồi nếu có vui cũng chỉ là vui gượng. Thà đành giấu cất nhớ thương dù chỉ cần nghe mùi món ăn quê, thấy cọng rau đồng… là cay mắt, quay vội đi, tự nhủ lòng, mình không sao đâu.
Đó là nỗi niềm khó tránh khỏi của hầu hết những người làm con. Bởi lẽ, ước muốn mang đến sự an tâm, niềm tự hào cho cha mẹ là ước muốn chính đáng, là cách thức thể hiện đạo hiếu thiết thực.
3.
Thế nhưng, hành trình báo hiếu ấy không ngắn và không dễ dàng trong một sớm một chiều. Nó là chuyện của một đời. Được gặp cha mẹ vài hôm, được sống trong căn nhà mà chạm vào nơi nào cũng nghe mềm lòng thương nhớ, ăn cùng nhau những món đi theo mình suốt một thời thơ ấu… vẫn là điều quý giá và nên làm nhất bất cứ khi nào có thể.
Những khó khăn tất yếu trên đời rồi ắt sẽ qua, nhất là những khó khăn về tiền bạc. Ngày mai nào rồi cũng sẽ có ánh bình minh. Biết đâu chính tình thân ruột rà ấy sẽ thắp lên ngọn lửa yêu đời, sự quyết tâm, để bước chân mình đi qua mọi vướng vấp một cách nhẹ nhàng hơn.
Đối với bậc sinh thành, có món quà nào trên đời này quý giá hơn đứa con của họ? Có cái gì trên đời này có thể đánh đổi một đứa con đối với những người làm cha làm mẹ?
Tôi nhớ mình có anh bạn rất bận rộn luôn mang theo hai chiếc điện thoại. Ngồi cà phê với nhau, thấy tôi đưa mắt nhìn hai chiếc điện thoại anh để trên bàn, cười tỏ ý trêu chọc, anh nói: “Một cái điện thoại cho công việc, bạn bè và những mối quan hệ xã hội. Cái còn lại chỉ có số liên lạc của gia đình anh”.
Không hiểu sao lúc ấy, tự nhiên tôi buột miệng hỏi: “Nếu hai cái cùng reo anh sẽ bắt cái nào trước?”. Cho đến nhiều năm sau này, tôi vẫn không sao quên được câu trả lời của anh. “Anh sẽ bắt cái điện thoại gia đình anh. Vì anh không bao giờ muốn bỏ lỡ bất kỳ cuộc gọi nào của ba mẹ, anh chị em hay vợ và con anh!”.
Những yêu thương nhất định đừng bao giờ bỏ lỡ, nhất định phải kết nối bất cứ khi nào có thể! Nhất định không trì hoãn!
Triệu Vẽ