Đừng tri ân kiểu... thời vụ!

17/11/2017 - 10:20

PNO - Vì nghề giáo ngày nay đã quá mong manh, xin đừng tri ân người thầy bằng hình thức phô trương, bằng lòng biết ơn kiểu... thời vụ.

Một giảng viên đại học đã thẳng thắn đề nghị không nhận hoa, quà ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Dù là bất kỳ người nào tặng, giảng viên trẻ này đều xin phép từ chối. Thay vào đó, ông đề nghị, nếu người tặng có lòng, hãy dùng số tiền đó góp vào quỹ học bổng hỗ trợ cho những bạn sinh viên khó khăn; ông sẽ rất biết ơn.

Ông nói, không phải ông cố tình làm ra vẻ thanh cao, vì thực tế ông đã dành phần lớn thời gian để làm việc ở trường, với sinh viên, không còn thời gian nghĩ đến việc hưởng thụ nên không muốn lãng phí.  

Dung tri an kieu... thoi vu!
Món quà tri ân lớn nhất của người thầy là "sản phẩm" của họ phải nên vóc nên hình - Ảnh: P.Huy

Ngày lễ của người làm nghề giáo năm nay, Trường Đại học Sài Gòn đồng thời đón một ngày kỷ niệm lớn - 45 ngày thành lập trường Sư phạm cấp II miền Nam Việt Nam (nay là Đại học Sài Gòn). Thiệp mời trường gửi đến các cựu sinh viên, đối tác… cũng đề nghị thẳng: trường không nhận hoa chúc mừng. Nếu quý khách có nhã ý tặng, xin chuyển thành hiện kim. Số tiền này dùng để đóng góp cho đồng bào bị lũ lụt.

Đề nghị “đổi hoa lấy tiền” tưởng chừng khiếm nhã nhưng thật sự thể hiện tấm lòng của lãnh đạo ngôi trường vốn là cái nôi của ngành sư phạm miền Nam.

Còn rất nhiều những nhà giáo, trường học “nói không” với hoa, quà nhân ngày lễ của ngành giáo dục mà chúng tôi không thể kể. Với những nhà giáo chân chính, món quà tri ân lớn nhất chính là mỗi một “sản phẩm” qua bàn tay “nhào nặn” của họ phải nên vóc nên hình.

Sự thành công của người thầy nằm ở nhân cách, trí tuệ và cuộc đời của mỗi người học trò của họ. Cái nghiệp của người làm thầy chưa bao giờ phải chờ đến một dịp lễ lạt nào đó để được tôn vinh, tri ân. Những cuộc tôn vinh rầm rộ theo... thời vụ hoàn toàn chỉ là chuyện hình thức. Người thầy không cần những điều đó.

Có lần, một nhà giáo nói với tôi, cứ đến ngày 20/11 là người người cấp tập “phong thánh” cho thầy cô giáo bằng những câu khẩu hiệu sáo rỗng, những lời văn hoa bay bổng. Nhưng, thầy cô giáo cũng là người, đừng bắt họ phải làm thánh rồi không cho họ được quyền sống như người thường.

Rõ ràng, hết ngày 20/11, những người  thầy lại trở về với những gì bình thường nhất, không còn như người thầy của ngày lễ. Và khi đó, mọi người lại lạnh lùng quay lưng để các thầy cô giáo vất vả bươn chải theo cơm áo gạo tiền. Nghề giáo trở thành một nghề... đáng sợ mà người giỏi ngại vào, người ham kiếm tiền tìm cách né tránh. Nghề giáo hóa ra là một nghề rủi ro còn cao hơn cả việc tham gia giao thông trên đường, dạy hết buổi về đến nhà mới dám thở ra nhẹ nhõm.

“Nếu bạn không làm thầy thuốc và thầy dạy học thì cuộc đời bạn sẽ ít bị soi hơn, con cái bạn sẽ được sống đầy đủ hơn”, một người bạn làm nghề giáo chua chát. Cũng vì nghề giáo ngày nay đã quá mong manh, xin đừng tri ân người thầy bằng hình thức phô trương, bằng lòng biết ơn kiểu... thời vụ. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI