Dùng tính mạng con lèo lái hôn nhân

19/02/2022 - 16:06

PNO - Chị muốn quên quá khứ đau buồn, quên những trận đòn rách da tóe máu để bao dung mẹ chị, khi bà đã vào tuổi gần đất xa trời.

 

Thông tin về người cha ở Quảng Nam ném con gái 5 tuổi xuống sông chỉ vì gọi mà vợ không bắt máy, nghi vợ có người khác và đã trút giận lên con, khiến ai cũng bàng hoàng. Người cha ấy hành động trong tình trạng không bị tâm thần, không dùng chất kích thích. Có thể cơn ghen làm anh ta mù quáng.

Trong thực tế cuộc sống, có nhiều người lợi dụng con trẻ như một thứ vũ khí để lèo lái hôn nhân, để đạt mục đích nào đó mà quên mất những tổn thương và hậu quả lâu dài mà đứa trẻ phải chịu.

Mọi trẻ thơ đều cần vòng tay yêu thương của ba mẹ (Ảnh minh họa)
Mọi trẻ thơ đều cần vòng tay yêu thương của ba mẹ (Ảnh minh họa)

Chị họ tôi muộn chồng, gần 40 tuổi chị mới kết hôn. Liền sau đó là quá trình chạy chữa hiếm muộn của vợ chồng chị. Chị tiêu gần hết số tiền dành dụm mới sinh được một bé gái xinh như thiên thần. Hạnh phúc đang tròn đầy thì chồng chị mất việc. Rảnh rỗi sinh nông nổi, cả ngày anh chỉ ngồi quán cà phê rồi lân la đánh bài, cá độ.

Một mình chị gồng gánh chi tiêu của cả nhà nên đuối sức. Anh không chịu kiếm việc làm. Tiền nong thiếu hụt khiến vợ chồng chị lục đục không yên. Mệt mỏi, chị đề nghị ly hôn. Chồng chị trở mặt, đe doạ sẽ mang con đi biệt tích.

Đứa con là "tử huyệt", là sinh mạng của chị. Chị không thể mạo hiểm nên đành rút đơn, chấp nhận cả đời nuôi anh chồng lười biếng.

Tâm sự với tôi, chị kể rằng mỗi ngày đi làm về mệt muốn xỉu, nhưng chỉ cần thấy con gái yên ổn là chị mừng. Chị sợ nhất là thấy con biến mất như anh từng dọa.

“Chỉ cần con bình yên, đời chị sao cũng được”, lời chị nghe như có muối, mặn đắng nước mắt tủi buồn khiến tôi xót xa.

Anh đồng nghiệp của tôi có nỗi khổ khác. Anh rất thương con trai nhưng vì không tìm được tiếng nói chung với vợ nên anh đề nghị ly hôn. Vợ anh lạnh lùng nói ngày anh gửi đơn lên tòa cũng là ngày sẽ nhận xác hai mẹ con chị. Anh hoảng, dẹp bỏ chuyện ly hôn.

Những lúc anh về muộn hoặc đi nhậu, vợ anh mang con ra đánh rồi đưa điện thoại để con gọi ba về. Nghe tiếng con khóc thét trong điện thoại cùng tiếng roi quất chan chát, anh xót ruột, chạy nhanh về nhà. Anh nhờ nhà ngoại, bạn bè khuyên bảo, nhưng chị càng đánh con dữ hơn. Anh đành bó tay, chiều theo mọi yêu cầu của chị.

Thấy kiểu “quản chồng” này hiệu quả, chị càng phát huy. Chị đòi mua này mua kia mà anh không đáp ứng, chị liền kiếm chuyện đánh con. Thấy anh nói chuyện thân mật với đồng nghiệp nữ, chị cũng đánh con…

Anh nghĩ chị có vấn đề về tâm lý nên đề nghị chị đi khám. Chị phản đối quyết liệt, nói anh vu khống, tạo dựng âm mưu để bỏ chị.

Cuộc sống của anh nặng nề không khác gì địa ngục nhưng không có cách gì gỡ ra. Chỉ tội con trai anh, thằng bé sống trong bầu không khí vẩn đục nên cảm xúc vui buồn thất thường. 

Tôi nhớ mấy năm trước một tờ báo tổ chức cuộc thi “Chuyện đời tự kể”. Có tác giả gửi đến câu chuyện của chính mình. Ba mẹ chị ly hôn, mẹ nuôi hai anh em chị. Mỗi lần mẹ chị không vui, bà lôi chị ra đánh, chỉ vì “nhìn cái mặt mày hệt thằng cha mày là tao căm thù”.

Bà đánh chị bằng bất cứ thứ gì có trong tay. Bà từng đập vào đầu chị bằng khúc cây có đinh, máu xối xả như mưa. Chị 13 tuổi, những cơn mưa đòn roi vẫn chưa chấm dứt. Bà đánh chán chê rồi cạo đầu chị, lột quần áo rồi đuổi ra đường…. Tôi rùng mình, chảy nước mắt theo từng con chữ chị viết.

Chị vào tuổi trung niên, đã làm mẹ nhưng những trận đòn năm xưa vẫn ám ảnh. Chị thốt lên đầy đau đớn: “Ước gì có thuốc nào cho tôi uống để quên”. Chị muốn quên quá khứ đau buồn, quên những trận đòn rách da tóe máu để có thể bao dung mẹ chị, khi bà đã ở tuổi gần đất xa trời. Nhưng làm gì có thuốc nào giúp chị quên. Những chuyện càng muốn quên thường sẽ càng nhớ…

Nhiều người xót xa khuyên chị nên điều trị tâm lý, học thiền… Hy vọng rồi chị sẽ học được cách buông xuống để những ngày còn lại được nhẹ nhàng...

Sinh một đứa con ra đời với bao yêu thương, hy vọng. Trẻ nhỏ mong manh, yếu đuối, ngây thơ, không có khả năng phản kháng... Nếu ba mẹ không cho con được mái ấm nhà êm thì cũng đừng vì bất cứ lý do gì làm tổn thương trẻ. Người lớn phải tự chịu trách nhiệm về mọi nguyên nhân và hậu quả của bản thân, đừng bắt con trẻ phải gánh lấy...

                                                                                                                                                                                                                                                                Phương Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI