Đừng tiếp tay cho những kẻ xả rác

03/07/2024 - 06:31

PNO - Việc người xem tìm vui qua những clip vô thưởng vô phạt, thậm chí độc hại đang vô tình góp phần nuôi dưỡng thị hiếu tầm thường, sa đà vào thói quen xem “rác” văn hóa.

Những nội dung phản cảm đang tràn ngập trên TikTok - Ảnh: Hữu Chánh\ LĐO
Những nội dung phản cảm đang tràn ngập trên TikTok - Ảnh: Hữu Chánh/LĐO

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó yêu cầu “không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục hay tung tin giả, sai sự thật…”.

Thế nhưng, trong nhiều năm qua, những video, clip phản cảm, xâm phạm đời tư người khác vẫn xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội và thu hút lượt view cao; nhiều tiktoker, facebooker, youtuber vẫn lộng hành, coi thường pháp luật, bất chấp đạo đức để chạy theo view, thu nhập bất chính.

Việc một số tiktoker, facebooker, youtuber nhanh chóng nổi danh, trở thành thần tượng, thành người dẫn dắt dư luận, người có ảnh hưởng… càng dễ gây ảo tưởng về sức mạnh của sự nổi tiếng trên mạng xã hội. Khi chủ sở hữu các kênh đua nhau làm clip câu view thì không gian mạng thực sự náo loạn với vô số nội dung nhảm nhí, thậm chí là độc hại.

Nhan nhản trên mạng xã hội mỗi ngày là những tin tức “bốc phốt”, giật gân từ chuyện tình cảm, đời tư người nổi tiếng đến những clip chủ đề “tiểu tam, đánh ghen”, có cả những clip tự biên tự diễn, khai thác những khía cạnh nhạy cảm, dung tục. Nhưng những clip như vậy lại có rất nhiều người xem. Sự nở rộ của những clip dạng này trên các nền tảng mạng xã hội chính là nhờ vào sự tiếp tay vô thức của một bộ phận người dùng.

Việc người xem tìm vui qua những clip vô thưởng vô phạt, thậm chí độc hại đang vô tình góp phần nuôi dưỡng thị hiếu tầm thường, sa đà vào thói quen xem “rác” văn hóa. Người xem chỉ thỏa mãn sự tò mò vô bổ, còn chủ nhân của những clip rác thì được lợi lớn như kiếm được nhiều tiền, đạt được những nút vàng, nút bạc mà các nền tảng mạng xã hội cấp cho.

Không phủ nhận rằng, có rất nhiều chủ kênh YouTube, TikTok, Facebook sáng tạo những nội dung rất hay, bổ ích và giàu ý nghĩa cho cộng đồng. Nhưng bên cạnh đó, có một bộ phận bất chấp đạo đức để làm ra các “phế phẩm” chỉ nhằm câu view. Lại có một bộ phận người dùng thích “hóng drama” khiến mạng xã hội ngày càng gia tăng những kênh, clip thiếu nhân văn, phản cảm. Điều này gây hệ lụy lâu dài, tác động đến nhận thức, thói quen, xu hướng hành vi và văn hóa của người dùng mạng xã hội, nhất là người trẻ.

Năm 2023, cơ quan chức năng đã chỉ ra những nội dung vi phạm của TikTok tại Việt Nam đồng thời thanh kiểm tra, yêu cầu TikTok phải có giải pháp kiểm duyệt nội dung, ngăn chặn những nội dung vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục… Phía TikTok đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, chủ động tăng công cụ, nhân lực để kiểm duyệt nội dung, nhưng không thể kiểm soát triệt để.

Trong khi chờ sự kiểm soát, quản lý hiệu quả từ cơ quan chức năng cũng như các công ty vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng mạng xã hội, công chúng chính là bộ lọc cần thiết.

Sự hiếu kỳ của người dùng đã và đang góp phần giúp cho các “nhà sáng tạo nội dung” kiếm tiền từ clip rác. Khi nhận thức được điều này, cộng đồng mạng sẽ không tự biến mình thành khán giả của “rác phẩm”, không để mình bị lợi dụng hình ảnh quay, đăng lên mạng xã hội.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu