PNO - Sau khi nghe hoạt chất chloroquine hoặc hydroxychloroquine có trong thuốc điều trị sốt rét đang được thử nghiệm để chữa bệnh COVID-19, người dân lại ùn ùn đi gom hàng.
Gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin thuốc chloroquine có thể chữa trị được bệnh COVID-19, hoặc có thể sử dụng thuốc liều mạnh để kích thích cơ thể sốt cao, tạo kháng thể nhằm tránh lây nhiễm COVID-19. Sau khi hướng dẫn sử dụng thuốc, người dùng mạng xã hội còn khẳng định thuốc chloroquine đã được FDA - Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ sử dụng để điều trị COVID-19 tại Mỹ. Nguy hiểm là nhiều người đã tin vào điều này, đổ xô mua chloroquine dự trữ, khiến nhiều nhà thuốc tây bối rối, bởi đây là thuốc bán theo toa, có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, một số nhà thuốc lại tranh thủ bán thuốc này với giá cao.
Khoe trên mạng xã hội, bà N.T.K. (ở Q.5, TP.HCM) vui mừng: “Đi bốn, năm nhà thuốc mới mua được hũ thuốc này, giá 350.000 đồng. Nhà có 5 người, hũ 200 viên chắc là đủ”. Bà K. không tỏ ra sợ hãi khi tự mua thuốc uống: “Trên mạng, người ta chỉ kỹ lắm và uống vài ba viên không thể chết được. Tôi còn định nếu dư sẽ cho hàng xóm cùng uống để ngừa COVID-19. Bây giờ, thuốc này khó mua, đi đâu cũng không có”. Thử tìm ở các nhà thuốc, chúng tôi ghi nhận, các nhà thuốc trên đường Bắc Hải, Q.10, TP.HCM đều có nhiều khách tới hỏi mua thuốc trị sốt rét. Chỉ trong 20 phút, số lượng người vào hỏi mua chloroquine tại nhà thuốc T.T. lên đến cả chục người, nhưng đều ra về tay không.
Chủ một tiệm thuốc xin giấu tên chia sẻ: đây là thuốc bán theo toa, đang là mùa nắng nên tiệm chưa đem hàng về nhiều, chỉ có vài chục hũ nhưng đã bán hết từ hai ngày trước. Còn ở tiệm thuốc tại đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM, người bán cho rằng không thiếu thuốc nhưng muốn mua phải chấp nhận giá cao, như: thuốc chloroquine 250mg giá 250.000 đồng/hũ 200 viên; hũ 50 viên giá 120.000 đồng; chloroquine 100mg, hộp ba vỉ, mỗi vỉ 10 viên giá 750.000 đồng/hộp… cao gấp đôi, gấp ba so với giá gốc.
Khi chúng tôi chất vấn, đây là thuốc trị sốt rét chứ đâu phải thuốc chữa COVID-19, chủ một quầy thuốc liền cập nhật thông tin: “Nghe nói FDA của Mỹ cũng dùng thuốc này để điều trị, còn tác dụng thì… lên mạng xem sẽ rõ”. Tiếp tục bị hỏi vì sao đây là thuốc kê đơn, người mua không có toa thuốc của bác sĩ mà chị vẫn mời chào, người bán im lặng, vội gom thuốc lại, không bán.
Dùng thuốc Hydroxychloroquine chữa COVID-19 có thể chết người
Thuốc trị sốt rét đang bị lầm tưởng có thể trị COVID-19
Bác sĩ Nguyễn Thành Lãm, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, giải thích: hydroxychloroquine là dẫn xuất của chloroquine và ít độc hơn, nhưng cả hai đều là thuốc điều trị sốt rét và một số bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, phát ban đa dạng do ánh sáng. Tuy nhiên, người dân không nên mua thuốc về trữ để trị bệnh COVID-19.
Bởi, thứ nhất có thể trữ nhầm loại thuốc sốt rét. Bệnh sốt rét do nhiều loại ký sinh trùng khác nhau gây ra, trong đó loại thuốc chứa hoạt chất chloroquine và quinine (dân gian gọi là ký ninh) là hai loại thuốc khác xa nhau và chỉ có chloroquine đang được thử nghiệm. Vì vậy, nếu uống nhầm thuốc không những không trị được bệnh mà còn tiền mất tật mang.
Thứ hai, dù trữ đúng loại thuốc chloroquine thì cũng không nên uống. Hiện nay, thuốc đang được thử nghiệm, còn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nên không thể tự ý mua về uống. Trong khi, khoảng cách giữa liều điều trị và liều độc không quá xa, do đó dễ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong nếu uống nhầm.
Chưa kể, thuốc có thể gây tác dụng phụ như: lắng đọng thuốc ở giác mạc nên có thể gặp các triệu chứng như rối loạn điều tiết, nhìn đôi, bệnh lý võng mạc có thể không hồi phục. Nguy cơ bất lợi này càng cao ở người trên 60 tuổi, người có tiền sử bệnh lý võng mạc và người suy gan, suy thận. Ngoài ra, người dùng có thể bị nôn, buồn nôn, tiêu chảy; mất ngủ, trầm cảm (mặc dù hiếm gặp, và chỉ gặp nếu dùng liều rất cao). Thuốc cũng có thể gây tan máu (thiếu G6PD), hạ bạch cầu.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ, sau khi có một số nghiên cứu của Trung Quốc, đặc biệt của Pháp cho thấy, thuốc hydroxychloroquine (HCQ) là thuốc chữa sốt rét, viêm khớp dạng thấp... có tác dụng nhất định trong điều trị COVID-19, dù chưa có nghiên cứu đủ mạnh để kiểm chứng an toàn và hiệu quả, thì thị trường thuốc sốt rét đang bị thổi phồng, người dân ai cũng muốn dự trữ để phòng bệnh.
Thực tế, Việt Nam có sẵn nguyên liệu và sản xuất thuốc HCQ là chuyện trong tầm tay, thuốc này đã nằm trong chương trình sốt rét. Hiện nay, đa số bệnh viện đều có thuốc này, nên không đáng lo ngại khi tình hình phòng chống dịch của chúng ta được thực hiện rất quyết liệt, khoa học, hiệu quả trong thời gian qua.
Đặc biệt, thuốc này tiềm ẩn nguy cơ tử vong do tác dụng phụ, nhất là ở người có bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim dẫn đến đột tử. Bên cạnh đó phải thận trọng khi dùng vì có thể làm nặng hơn bệnh nền như: vảy nến, porphyrine niệu, thiếu G6PD, và liều cao gây độc cho mắt (tổn thương võng mạc).
“Mới đây, chúng tôi đã ghi nhận một số trường hợp bị ngộ độc rất nguy kịch khi đến bệnh viện do uống hydroxychloroquine quá liều theo hướng dẫn trên mạng để phòng COVID-19”, bác sĩ Hải chia sẻ.
Chưa có thuốc nào được xác định, cấp phép để điều trị COVID-19
Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM: “Tính đến ngày 18/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vẫn chưa hề có một báo cáo nào khẳng định thuốc chloroquine có thể điều trị COVID-19.
Chloroquine chỉ là thuốc dự trù và đang nghiên cứu. Thực tế, từ khi khởi đầu dịch COVID-19, tôi cũng đã nghĩ đến thuốc này bởi cơ chế của thuốc là làm ức chế các ký sinh trùng, nhưng đây chỉ là suy luận của bản thân. Cho đến thời điểm này, chưa có một bằng chứng nào cho thấy thuốc chloroquine hiệu quả trong điều trị COVID-19. Các nước trên thế giới vẫn đang nghiên cứu”.
Theo bác sĩ Hùng, thuốc chloroquine là thuốc kê đơn, sử dụng không đúng cách hậu quả sẽ khó lường, bởi khi vào cơ thể, thuốc sẽ gây nhiễm độc tế bào. Lúc này, điều trị, phòng ngừa COVID-19 chưa thấy đâu, người uống đã đứng trước nguy cơ bị suy gan, suy thận rất cao. Thậm chí, người đang có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, huyết áp… có thể tử vong do tổn thương gan, thận cấp.