Diễn đàn “Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0”

Đừng thỏa hiệp với lối ứng xử kém văn hóa nơi công cộng

04/12/2023 - 08:09

PNO - Bên cạnh những giá trị tốt đẹp của người Việt như tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng, lao động chăm chỉ, tinh thần tương thân, tương ái... thì một bộ phận không nhỏ người Việt vẫn còn những thói quen ảnh hưởng xấu đến bộ mặt xã hội, văn hóa quốc gia.

Nhiêu khê xây dựng văn hóa xếp hàng

Có rất nhiều hoạt động luôn cần được thực hiện theo thứ tự ở nơi công cộng như dừng xe chờ đèn đỏ, chờ thực hiện các dịch vụ, mua hàng, gửi xe… Nơi nào đông người nhưng không có phát số thứ tự thì mọi người cần xếp hàng, chờ đến lượt. Chuyện tưởng là lẽ đương nhiên lại là thứ “xa xỉ” ở nhiều nơi công cộng tại Việt Nam. Cảnh những cá nhân tìm cách chen ngang có thể thấy từ nơi xếp hàng làm thủ tục ở sân bay, xếp hàng tính tiền ở siêu thị, chờ đến lượt gửi xe… đến việc phóng xe lên vỉa hè, lao xe vào làn đường khẩn cấp trên cao tốc... Thậm chí, người ta còn giành nhau cả vị trí chụp hình khi đi du lịch. Nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho hành vi chen ngang như sợ trễ giờ, có nhiều việc phải giải quyết gấp… Nhưng tất cả chỉ là bao biện. 

Xếp hàng có thể xem là một trong những thước đo ý thức công dân về văn hóa ứng xử nơi công cộng. Thời bao cấp, khi còn phải mua hàng bằng tem phiếu, mua gạo bằng sổ lương thực, người dân đã có thói quen xếp hàng trật tự, chờ đến lượt. Tiếc rằng khi kinh tế phát triển, đời sống khấm khá hơn thì thói quen tốt đẹp đó dần biến mất.

Hình ảnh đẹp của các bạn trẻ TPHCM khi chờ vào xem đêm nhạc của Phương Mỹ Chi tại Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) vào tối 24/9 - ẢNH: THÀNH LÂM
Hình ảnh đẹp của các bạn trẻ TPHCM khi chờ vào xem đêm nhạc của Phương Mỹ Chi tại Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) vào tối 24/9 - ẢNH: THÀNH LÂM

Trao đổi với truyền thông, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Mạnh Hà - giảng viên Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - từng phát biểu: "Văn hóa xếp hàng phản ánh ý thức trách nhiệm xã hội của mỗi công dân khi tham gia hoạt động của cộng đồng. Những người đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng sẽ luôn tìm cơ hội đạt được lợi ích cá nhân. Sự ích kỷ này dần ăn sâu vào hành vi, trở thành văn hóa ứng xử xấu trong xã hội mà chúng ta đang đề cao sự văn minh đô thị".

Nhìn rộng hơn, văn hóa xếp hàng kém không đơn thuần chỉ là sự ích kỷ. Xếp hàng là một hành vi văn hóa, là lối ứng xử văn minh, đồng thời cũng thể hiện ý thức tôn trọng người khác. Xếp hàng là cách thể hiện quyền cá nhân qua việc chờ đến lượt, không phân biệt vị trí xã hội, tuổi tác (ngoại trừ những trường hợp ưu tiên như người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai…). Vì thế, xếp hàng cũng thể hiện sự công bằng xã hội.

Hình ảnh người dân Nhật Bản xếp hàng trật tự chờ nhận cứu trợ sau thảm họa động đất đã khiến thế giới ngạc nhiên và nể phục

Xếp hàng là một nội dung quan trọng trong giáo dục ở Nhật Bản. Trẻ em Nhật Bản được dạy xếp hàng là một quy định và là đạo đức công cộng cần tuân thủ. Trong gia đình, trẻ cũng được trang bị ý thức phải xếp hàng theo thứ tự và nghiêm túc. Vì thế, việc xếp hàng đã trở thành thói quen tự nhiên, lớn lên cùng sự phát triển của trẻ nhỏ.

Nhật Bản quan niệm xếp hàng là một biểu hiện của sự bình đẳng. Chen ngang bị coi là hành vi xấu và không được phép. Hơn nữa, mọi người trong khi xếp hàng cần phải có thái độ vui vẻ, hòa nhã.

 

“Sạch nhà bẩn ngõ”

Câu chuyện “muôn năm cũ” là những núi rác xuất hiện ở nơi công cộng sau các chương trình lễ hội, liên hoan, biểu diễn nghệ thuật ngoài trời… Ngay ở trung tâm Hà Nội, thử dạo quanh khu vực phố đi bộ trên đường Tràng Tiền trong những ngày cuối tuần, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy chạnh lòng với hình ảnh các công nhân vệ sinh loay hoay dọn dẹp, thu gom rác thải. Nhưng cứ xong đầu này thì đầu kia lại có rác. Rất nhiều gốc cây trên vỉa hè bị biến thành thùng rác công cộng của những người tham gia các hoạt động văn hóa trên phố đi bộ. Đáng nói hơn, ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng của một bộ phận giới trẻ cực kỳ kém. Bằng chứng là ở nhiều điểm diễn ra các hoạt động dành cho giới trẻ như nơi tổ chức biểu diễn ca nhạc, các điểm dã ngoại ngoài trời… luôn đầy rác.

Bên cạnh đó, lối sống kiểu “sạch nhà, bẩn ngõ” của nhiều người Việt đang dần đến mức báo động đỏ. Cảnh dọn rửa nhà cửa, xe cộ rồi mặc kệ cho nước thải chảy lênh láng ở nơi công cộng hoặc cầm chổi quét rác đẩy thẳng ra ngõ… không phải hiếm thấy ở nhiều khu phố, cả ở nông thôn lẫn thành thị. Có một sự tréo ngoe là cứ chỗ nào có biển cấm đổ rác thì ở đó rác chất đống “cười ngạo nghễ” hoặc cạnh thùng rác công cộng là hàng chục túi rác vứt chỏng chơ.

Một bộ phận trẻ nhỏ hấp thụ lối ứng xử kém văn minh từ chính cha mẹ, chẳng hạn việc cha mẹ vứt rác không đúng chỗ, ở nơi công cộng. Không ít người lớn hướng dẫn con vứt rác ở đầu ngõ, cầu thang chung cư… thay vì phải bỏ rác đúng nơi quy định, chỉ vì điểm bỏ rác hơi xa nơi ở hoặc xe thu gom rác chỉ hoạt động theo khung giờ cố định. Đáng trách hơn, có những ông bố, bà mẹ thản nhiên cho con đi vệ sinh ở nơi công cộng như công viên, vỉa hè, thậm chí ngay trước hàng quán ở khu trung tâm thành phố.
Ý thức văn hóa kém còn thể hiện rất rõ ở nhà vệ sinh công cộng. Nhìn nhà vệ sinh công cộng ở bến tàu xe, điểm du lịch, bệnh viện… nhếch nhác, dơ bẩn đã ngán ngẩm; đến nhà vệ sinh của nhiều trường học, công sở cũng ngập ngụa nước thì thật khó chấp nhận. Xin đừng vội đổ lỗi cho nhân viên vệ sinh. Nhân viên có cẩn thận, chu đáo đến đâu mà người sử dụng thiếu ý thức thì nhà vệ sinh cũng khó mà sạch sẽ.

Với quan niệm của nhiều nước Á Đông, khi dọn sạch rác thì tâm hồn mình cũng sạch. Vì thế, họ luôn làm sạch tâm hồn từ những điều giản dị là giữ sạch môi trường sống của mình và cộng đồng.

Không phải người Việt nào cũng “xấu xí”, song những hành vi, ứng xử kém văn minh nơi công cộng vẫn thường xuyên xảy ra một phần do chúng ta dù khó chịu nhưng lại không có thái độ rõ ràng với chúng. Thái độ nhẫn nhịn hoặc tặc lưỡi cho qua đang dung túng cho những hành vi sai trái phát triển. Thái độ của cộng đồng với những hành vi sai trái là cách tác động có hiệu quả, đôi khi còn hơn cả luật pháp để điều chỉnh chúng. Chẳng hạn, trong thực tế, rất nhiều lần, khi người chen ngang bị phản đối, họ phải chấp nhận lùi về sau, xếp hàng theo thứ tự.

Một hành vi, lối ứng xử đẹp ở nơi công cộng còn có tác động lan tỏa đến những người xung quanh. Mỗi khi nhắc về hành vi đẹp, cộng đồng vẫn hay nhắc về câu chuyện ở nhà chờ xe buýt trên phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) vào tháng 11/2022. Khi thấy những tàn thuốc vương vãi dưới đất, một thanh niên đã cúi nhặt và gói các tàn thuốc vào một mẩu giấy. Nhìn thấy hành động của anh, một phụ nữ khác đã đưa anh chiếc túi nhỏ để đựng mẩu tàn thuốc. Sau đó, chị và nhiều hành khách đang chờ xe đã cùng nhau nhặt những mẩu đầu thuốc lá và rác ở nhà chờ xe buýt. Khi cộng đồng có nhiều hành động đẹp như thế, nếp sống văn minh, lối ứng xử có văn hóa ở nơi công cộng sẽ lan tỏa, dần đẩy lùi những hình ảnh không đẹp.

Nhiều chuyên gia văn hóa nhận định: mức phát triển của mỗi quốc gia một phần thông qua những hình ảnh, hành vi của cộng đồng nơi công cộng. Thay đổi về nhận thức, suy nghĩ, lối sống là quá trình lâu dài và cần có sự chung tay của toàn xã hội. Nhưng việc cần làm ngay và có thể góp phần mang lại hiệu quả nhanh hơn để xây dựng môi trường văn hóa, văn minh là sự quyết tâm không thỏa hiệp với những hành vi xấu xí.

Trương Hoàng Duy

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn

Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI