Tôi thường đi làm về sau 20g và hay thấy cảnh người chạy xe máy có dấu hiệu say xỉn nhưng không biết báo cho ai. Nếu đợi tai nạn xảy ra rồi báo cho cảnh sát giao thông thì đã muộn.
|
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông trong sáu tháng đầu năm 2022 có liên quan đến rượu, bia - Ảnh: Độc Lập/ TNO |
Có lần, tôi thử chạy theo một người đàn ông lớn tuổi có biểu hiện say rượu để quan sát. Mỗi khi dừng đèn đỏ, người này thường chống chân không vững, muốn ngã nhào. Nhưng nếu gọi cho cảnh sát giao thông thì không biết báo tin ra sao vì người này không phóng nhanh, vượt ẩu hay lạng lách, đánh võng trên đường. Vì thế, sau khi “rà” theo khoảng chừng 2km, tôi không đủ kiên nhẫn để theo tiếp.
Mới đây, dư luận bàn tán xôn xao khi lực lượng cảnh sát giao ở TPHCM tuyên truyền và vận động các chủ quán nhậu báo tin về các trường hợp say xỉn vẫn lái xe sau khi rời quán. Nhiều ý kiến cho rằng, việc này gây khó dễ cho cả chủ quán lẫn thực khách.
Một người quen của tôi là cảnh sát giao thông nói, mục đích của việc vận động trên là nhằm ngăn chặn các vụ tai nạn có thể xảy ra do người điều khiển phương tiện uống quá nhiều rượu, bia, mất khả năng kiểm soát. Còn nếu căn cứ theo quy định, bất cứ ai đã uống rượu, bia mà vẫn lái xe đều phạm luật. Song, trên thực tế, người vi phạm quá nhiều, cảnh sát giao thông không thể xử lý xuể.
Cách đây không lâu, có hai đoạn clip mà khi vừa đăng lên, liền khiến cộng đồng mạng sững sờ. Đó là cảnh ông Nguyễn Đức Thịnh - cán bộ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Giang - lái ô tô hiệu Audi sau khi đã uống rượu, bia, phóng như bay và tông vào xe máy khiến ba người trong một gia đình tử vong. Một đoạn clip khác quay cảnh chàng trai Nguyễn Hải Tân (20 tuổi, ở TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) với đôi mắt thẫn thờ đứng trước di ảnh cha, mẹ và em trai sau vụ tai nạn này.
Sau vụ tai nạn kinh hoàng trên, trong các cuộc nhậu, bạn bè tôi thường nhắc nhau không được lái xe về nhà. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, chuyện đâu lại vào đó: Hầu hết mọi người đều tự chạy xe máy về nhà dù đã uống khá nhiều bia.
Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, trung bình mỗi ngày, có đến 25 người chết do tai nạn giao thông. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông trong sáu tháng đầu năm 2022 có liên quan đến rượu, bia. Còn theo báo cáo toàn cầu về thực trạng an toàn giao thông năm 2018, tại Việt Nam, có tới 32% số vụ tai nạn giao thông ở nam giới và 20% số vụ tai nạn giao thông ở nữ giới có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia. Đặc biệt, 34% số ca tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam có liên quan đến việc uống rượu, bia.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm, thế giới có hơn 1,3 triệu người chết vì tai nạn giao thông. Quốc gia có tỷ lệ vụ tai nạn giao thông chết người liên quan đến rượu, bia và ma túy thấp nhất thế giới là ở Malaysia, 1%.
Mặc dù vậy, Malaysia vẫn chưa hài lòng với kết quả này. Hai năm nay, nước này tiếp tục cải cách quy định về giao thông nhằm làm giảm số vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia và ma túy. Theo đó, tất cả người lái xe bị phát hiện đang có rượu, bia hay ma túy trong người đều phải chịu án phạt tù. Vào tuần trước, Malaysia còn đưa thêm 18 luận điểm an toàn đã được các nước thảo luận tại cuộc họp cấp cao của Liên Hiệp Quốc vào luật giao thông.
Bên cạnh đó, Malaysia cũng tăng cường lực lượng tuần tra giao thông, đầu tư thiết bị theo dõi giao thông và giáo dục luật giao thông cho tất cả người tham gia giao thông, đặc biệt là giới trẻ.
Singapore cũng cải tổ luật giao thông mạnh mẽ từ năm 2019 với những tiêu chí khắt khe hơn cả Malaysia. Theo đó, người lái xe khi đang có cồn sẽ bị phạt tù hoặc phạt tiền từ 2.000-10.000 SGD (đô la Singapore) và phạt tù lên đến 12 tháng, cấm lái xe trong hai năm nếu vi phạm lần đầu. Nếu vi phạm lần thứ hai, người vi phạm sẽ bị phạt tù hai năm, bị phạt tiền 5.000-20.000 SGD và bị cấm lái xe trong 5 năm kể từ ngày ra tù.
Tại Việt Nam, từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực (năm 2019), mức xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông được nâng cao lên rất nhiều so với trước đây. Theo đó, mức phạt cao nhất đối với người lái ô tô vi phạm là 40 triệu đồng, lái xe máy là 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe đến 24 tháng. Không cần nói đến các nước phát triển, chỉ so với Malaysia và Singapore thì mức phạt của Việt Nam quá thấp, chưa đủ sức răn đe.
Dù số người chết do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ở Việt Nam luôn ở mức rất cao nhưng dư luận lại thường phản ứng với các quy định về tăng mức xử phạt đối với người vi phạm cũng như với các biện pháp nhằm kéo giảm thực trạng này.
Nếu bạn vẫn lái xe khi đã uống rượu, bia hoặc thờ ơ trước cảnh một người say xỉn chạy xe trên đường thì đừng mong chờ số vụ tai nạn giao thông sẽ giảm.
Nhật Minh