Đừng tạo thêm áp lực cho người thầy

22/09/2018 - 12:00

PNO - Sáng nay, cô L.N.H. đến trường với nét mặt nặng nề cùng đôi mắt thâm quầng mệt mỏi.

Dung tao them ap luc cho nguoi thay
Hình minh họa.

Chẳng là sau khai giảng được mươi ngày thì lớp cô có một học trò vắng học mà cô không nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía gia đình. Điện thoại không liên lạc được, đến nhà học trò thì cửa khóa. Điều này khiến cô H. lo lắng và thông báo sự việc với hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng chỉ đạo cô nhanh chóng đi tìm, để động viên học sinh đi học trở lại. Nếu không được thì khuyên phụ huynh rút hồ sơ. Sự nôn nóng của hiệu trưởng khiến cô H. càng cuống lên.

Lớp học vẫn phải đảm bảo ngày hai buổi. Rồi cô còn phải dạy kèm để kiếm thêm thu nhập. Nên cô H. chỉ có thể tranh thủ buổi tối, sau giờ dạy thêm để đi tìm học trò. Đến nơi, cửa nhà vẫn khóa. Cô H. phải lân la hỏi han mới tìm đến nhà người dì ruột của học trò. Người dì đứng trong nhà vọng ra: “Nhà nó đi trốn nợ rồi”. 

Trên đường về, cô H. rối bời: phải chi em học sinh rút học bạ thì đỡ biết mấy, coi như chuyển trường, không ảnh hưởng đến sĩ số lớp. Đằng này đi học không chịu đi, hồ sơ cũng không chịu rút, lấy gì cuối năm đánh giá, xếp loại? “Lớp tiên tiến phải duy trì 100% sĩ số. Nhưng nửa chừng học sinh đi học lại thì càng khổ hơn. Không theo kịp bài vở, cuối năm ở lại lớp thì càng tai hại”, cô H. phiền não. Và đôi mắt thâm quầng là hậu quả của nhiều đêm thao thức vì đứa học trò bỏ lớp. 

Ngày nào cũng ngóng tin học trò, cô H. tự hỏi: lý tưởng cao đẹp của nghề giáo mà cả một thời tuổi trẻ cô H. và bao đồng nghiệp ấp ủ, chắt chiu, giờ đâu cả rồi? Hai chữ “cao quý” của nghề ở đâu không thấy, cô chỉ thấy tủi thân khi “trăm dâu đổ lên đầu tằm”.

Trò nghỉ học thì cô đi tìm là đúng rồi, nhưng vấn đề ở đây là cô bị áp lực bởi việc “lớp tiên tiến”, sợ học sinh bỏ học lâu sẽ học yếu ở lại lớp… Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ căn bệnh thành tích. Những tiêu chuẩn đánh giá vô nghĩa, cứng nhắc, đã biến giáo viên - người thầy thành thợ dạy. Rồi chuyện thu tiền, “đòi tiền” phụ huynh dưới các hình thức “vận động quyên góp”...

Bao nhiêu công việc ngoài chuyên môn bủa vây, còn tâm sức đâu để giáo viên cập nhật kiến thức, đầu tư cho bài giảng? 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng - giảng viên Khoa Tâm lý Trường đại học Sư phạm TP.HCM - từng chia sẻ trong một buổi trò chuyện về vị trí của người thầy ngày nay khi nhiều giáo viên tự nhận mình là “Ô-sin”, là “thợ dạy”: “Đã là thầy thì không phải là thợ. Đừng đến lớp với vai trò người thợ trong khi xã hội lại khoác cho mình tấm áo người thầy. Chính người giáo viên phải nhìn ra được công việc của mình là thiêng liêng, phải xem mình là giới trí thức để hành động và sáng tạo…”.

Thế nhưng, làm sao họ chuyên tâm làm thầy khi cơ chế giáo dục của chúng ta đã lấy đi sự tôn nghiêm đích thực của người thầy? 

Nguyệt Minh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI