Đừng soi mói tiền quyên góp

17/09/2024 - 17:22

PNO - Bảng sao kê nhằm mục đích công khai minh bạch thu, chi chứ không dùng cho mục đích soi mói nhau.

Ngày xưa mỗi khi có những cơn bão, lũ người ta thường thấy học sinh, sinh viên ôm thùng lạc quyên đi dọc đường phố, đến các khu chợ để những người có lòng hảo tâm tự tay bỏ tiền vào thùng. Không phân biệt ai đóng góp nhiều hay ít tất cả đều được nhóm ôm thùng lạc quyên cúi đầu cảm tạ. Sau khi mở thùng tiền tổ chức kêu gọi đóng góp kiểm đếm mà không cần lập danh sách tên và số tiền đóng của từng người. Người cho tin người nhận và tin rằng tấm lòng của mình sẽ đến với đồng bào đang gặp nạn.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày nay hầu như không còn thấy chuyện ôm thùng đi khắp nơi nữa. Nếu có lòng mọi người có thể gửi tiền của mình vào số tài khoản của tổ chức thiện nguyện. Khi lập quỹ từ thiện thì chuyện công khai thu chi là chuyện nên và phải làm.

Quanh chuyện công khai tiền đóng góp có nhiều chuyện vui, buồn. Vui vì biết được có những số tiền bất ngờ nhận được từ những người tưởng chừng rất khó khăn về tài chánh. Buồn vì có nhiều người “nói vậy mà không phải vậy”. Bạn tôi từng nằm trong ban tổ chức một đêm văn nghệ kêu gọi đóng góp quỹ xóa đói giảm nghèo, có truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình địa phương. Anh bạn nói nhìn hàng chữ chạy ở dưới màn hình tivi thấy doanh nghiệp này cá nhân nọ cam kết đóng góp hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng, nhưng khi đến nơi để nhận tiền thì “trần ai khoai củ”. Có người hẹn lần, hẹn hồi, xin giảm số tiền đã hứa hoặc từ chối hẳn vì đủ thứ lý do. Họ nói lúc lên chương trình nghĩ rằng có tiền nhưng khi kiểm lại thì chưa có ngay hoặc không thể có. Có khi họ nói thẳng cam kết công khai như vậy chỉ để “làm mồi” thôi chứ đâu có tiền. Khổ cho ban tổ chức phải giải trình số chênh lệch giữa thông báo trên tivi và thực tế.

Nhiều ngày qua, bảng sao kê số tiền các cá nhân, đơn vị gửi về ủng hộ cứu trợ các nạn nhân cơn bão số 3 (Yagi) được cộng đồng mạng kiểm tra. Từ đó lộ ra những chuyện “phông bạt”, con số tiền gửi thực tế thua xa con số được đăng lên mạng của một vài người. Cộng đồng mạng cũng khen ngợi chuyện “có sao nói vậy” của nhiều nhân vật nổi tiếng. Chịu khó “check VAR” để kiểm tra nhằm “bóc phốt” những ai mang bệnh háo danh ảo. Kiểm tra và công khai chuyện “đăng lên một đường mà làm một nẻo” là chuyện nên làm để răn đe bất kỳ ai dùng chuyện thiện nguyện để tô điểm cho tấm lòng giả dối của mình. Tuy nhiên có lẽ cũng nên xem lại để mà không làm chuyện giống như soi mói những người nổi tiếng đã đóng bao nhiêu, nếu họ cứ âm thầm đóng góp không đăng lên để kể công.

Người ta thường nói “của ít lòng nhiều”, không ai đem so sánh số tiền đóng góp của người này với người nọ. Bởi vì tiền đóng góp được lấy ra từ thu nhập chính đáng của cá nhân, đơn vị, sử dụng bao nhiêu và cách nào là quyền tự do của người ta. Ít hay nhiều chỉ có tính tương đối không thể đánh giá ngay lúc này. Vậy thì cộng đồng mạng đăng lên những người của công chúng đã đóng góp bao nhiêu để làm gì?

Nếu không vì chống lại sự giả dối thì xin hãy để yên những tấm lòng hảo tâm, dù họ có là ai chăng nữa, được âm thầm đóng góp giúp đỡ đồng bào như họ muốn.

Nguyễn Huỳnh Đạt

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI