Đừng sợ triết học

21/05/2016 - 07:20

PNO - Triết học có phải là một đống thuật ngữ rắc rối mà bạn phải gỡ như mớ dây giày sau 10 năm chưa mở?

Không đâu, thật may ngày càng nhiều những cuốn sách cho thấy triết học rất khác với sự khô cứng, mệt mỏi mà nhiều người hình dung.

Đầu tiên có thể kể đến cuốn sách Triết học cho trẻ em: Cảm xúc, sống và chết xuất bản năm trước. Đây là cuốn sách tốt để phụ huynh có thể cho trẻ em dưới tám tuổi tiếp cận với triết học. Sách gồm 10 câu chuyện ngắn mà tác giả vốn là người sáng lập trung tâm triết học cho trẻ em ở đại học Washington, Mỹ, lọc ra trong các buổi trò chuyện với học sinh tiểu học của cô. Các câu chuyện về cậu bé hay quên xà phòng, chuyện bọn trẻ ở trong một cái hộp đầy đồ chơi, chuyện cái xe hơi có phải là ngôi nhà, hay hạnh phúc và niềm vui có khác nhau không? Cái chết là gì và tại sao chiếc lá vàng phải rụng?

Dung so triet hoc

Điều quan trọng của cuốn sách này là chỉ cho bạn và trẻ em cách truy vấn. Sau mỗi câu chuyện là các câu hỏi về các vấn đề liên quan. Sau câu chuyện một người bạn trong lớp không có chỗ ở, phải trú tạm trong chiếc xe cũ, trẻ em hỏi “một chiếc xe có phải là cái nhà không?”, “ngôi nhà hoàn hảo là gì?”, những truy vấn ấy sẽ nảy sinh các câu trả lời, câu trả lời lại sinh ra câu hỏi “tại sao chúng ta cần an toàn và muốn được che chở?”. Với sự kiên nhẫn, sách sẽ mở cho trẻ em và cả người lớn những hiểu biết, tri thức và tinh thần mới.

Bộ sách triết học gồm bốn cuốn cho trẻ em từ hai-sáu tuổi do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2014: Ý nghĩa cuộc sống; Tình yêu và tình bạn; Tốt và xấu; Băn khoăn về Thượng đế là bộ sách đáng tìm. Đây là bộ sách của hai tác giả Jacques Després, Oscar Brenifier vốn đã nổi tiếng ở châu Âu về triết học cho thiếu nhi. Như mọi cuốn sách triết học, bộ sách không đưa ra câu trả lời cuối cùng cho các câu hỏi hay các giá trị.

Sách gợi ý bằng các cách rất dễ thương để trẻ em tự đi tìm, tự minh định các giá trị cũng như hình thành nhân sinh quan của mình. Tất nhiên, sự khéo léo để các câu trả lời mang tính tích cực luôn có. Ngoài ra, bộ sách Triết gia nhí của cùng tác giả cũng sẽ đỡ đần nhiều phụ huynh với các câu hỏi hóc búa như “tại sao con phải đi học”, “mắc mớ gì mẹ yêu con”, “sao con có mặt trên đời”…

Dung so triet hoc

Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, sách triết học hấp dẫn theo cách khác. Bộ sách Triết học cho tuổi mới lớn gồm hai cuốn: Tư duy như một triết gia và Tư duy như một nhà thông thái do NXB Kim Đồng in gần đây dẫn dắt bạn đọc nhỏ tuổi tìm hiểu và khám phá 37 câu nói của các triết gia tên tuổi trên thế giới như Descartes, Francis Bacon, Khổng Tử, Trang Tử... và tính ứng dụng vào các hoàn cảnh sống, mối quan hệ cụ thể đầy rẫy vấn đề của lứa tuổi mới lớn. Các tình huống thực tế thú vị cùng các tranh minh họa rất “teen” sẽ khiến các bạn trẻ không thể ngán ngẫm.

Trên tinh thần đó, Lịch sử triết học phương Đông viết cho thanh thiếu niên của Kang Sung - Ryul là một bộ tóm lược toàn bộ lịch sử triết học Trung Quốc, Ấn độ và Hàn Quốc bằng ngôn ngữ và sự kiến giải dễ hiểu, phổ thông. Đó là bước đầu để người trẻ bước vào thế giới của Nho giáo, Đạo giáo, các nhà ngụy biện cũng như sự khác biệt của các chi phái Thiền mà không hề phải nhọc nhằn. Như thế không có nghĩa là kiến thức sơ sài, các chú thích khá kỹ lưỡng sẽ là các từ khóa cho các bạn trẻ tiếp tục lên đường tìm hiểu nếu có nhu cầu. Điều đáng nói khác là các hình ảnh minh họa trong sách đều vẽ theo phong cách chibi thời thượng, chắc hẳn sẽ khiến người đọc bật cười và thấy gần gũi hơn với triết học.

Dung so triet hoc

Mới nhất là bộ sách Triết học cho bạn trẻ do NXB Trẻ ấn hành với hai cuốn đầu tiên là “Chat” với Hannah Arendt và “Chat” với Jonh Locke. Thông qua hình thức đối thoại tưởng tượng bằng ngôn ngữ của các bạn trẻ, tác giả Bùi Văn Nam Sơn đã dày công viết những cuốn sách triết học gần gũi, dễ tiếp thu liên đới thời sự, hài hước nhưng vẫn dày tri thức, mở rộng và đào sâu sự thấu hiểu. Ngoài ra, Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar, cuốn sách triết kỳ lạ và thú vị hàng đầu khi tìm hiểu triết thông qua truyện cười cũng là cuốn sách không nên bỏ qua.

Các bậc phụ huynh đừng sợ, hãy cho con em đọc, và có thể, hãy tự đọc, để biết triết học rất khác mình hình dung, để không la ầm lên khi con cái mình một ngày bỗng thích thú với triết học. Vì như sách viết “triết học trước hết là nỗ lực của con người, qua việc thấu hiểu, làm cho quả đất này, thế giới này, cuộc đời này trở thành ngôi nhà ấm cúng của chính mình”.

Phan Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI