Chỉ cần F0 sớm khỏi bệnh, về nhà
Từ cảm giác lo lắng, e ngại, sau gần 2 năm chiến đấu với COVID-19, cô kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh trẻ tuổi Nguyễn Thị Quỳnh Mai - Bệnh viện Dã chiến số 12 TPHCM dần tự tin hơn. Hiện tại, dù đi lấy mẫu, tiêm vắc xin ngừa COVID-19, tiếp nhận bệnh... hay vị trí nào đi nữa, Mai vẫn vui vẻ bắt tay vào làm.
2 lần xung phong ra tuyến đầu, là 2 lần Mai bước vào tâm dịch. Biến chủng Omicron xuất hiện cũng không làm cô gái hơn 20 tuổi chùn bước, luôn bên cạnh F0 dù đôi lần người bệnh quá sợ hãi đã có lời nói, hành làm buồn lòng với nhân viên y tế.
|
2 cái tết quyết định xa nhà, xung phong vào tâm dịch chăm sóc bệnh nhân, chị Quỳnh Mai chưa hề hối hận |
Nhớ lại khoảng thời gian cận tết, Bệnh viện Dã chiến số 12 (do Bệnh viện Da Liễu TPHCM phụ trách) được Sở Y tế TPHCM giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị cho F0 mang biến chủng Omicron. Đa số khách nước ngoài và người Việt xa quê trở về đón tết cùng gia đình, chưa kịp đoàn tụ đã phải vào bệnh viện bởi kết quả xét nghiệm dương tính.
“Hầu hết F0 thời điểm đó đã tiêm vắc xin, ít hoặc không có triệu chứng, mau hồi phục nhưng tâm trạng của người bệnh rất bất ổn. Cũng dễ hiểu, do dịch COVID-19 kéo dài, ai cũng nôn nóng muốn sớm được về nhà sum vầy năm mới. Thêm phần, thời gian nghỉ phép của du khách cũng có giới hạn, không ai muốn kỳ nghỉ của mình ở bệnh viện cả.
Vì vậy, chúng tôi ít gặp khó khăn về công tác điều trị, nhưng có một chút buồn tủi, chạnh lòng từ lời lẽ và sự bất hợp tác ấy”, chị Mai nói.
Thế là, ngoài chăm sóc bệnh nhân, y bác sĩ nơi đây cũng dành nhiều các liệu pháp tâm lý. Sự chia sẻ chân thành, đồng cảm và cố gắng hết mức của từng điều dưỡng, bác sĩ đã giúp bệnh nhân nguôi ngoai phần nào.
Ở nơi “tuyến lửa”, có lẽ diều dưỡng Nguyễn Duy Sơn là nhân viên “lì” nhất của bệnh viện. Khó để đếm hết số lần điều dưỡng Sơn viết đơn tình nguyện đi chống dịch. Khi thì anh ở khu cách ly tập trung, lúc lại đi tiêm vắc xin, đi lấy mẫu xét nghiệm tầm soát dịch bệnh ở cộng đồng... Lúc cao điểm dịch COVID-19, anh Sơn đã có mặt ở Bệnh viện Dã chiến số 12 để chăm sóc bệnh nhân, cùng hỗ trợ đồng đội trong cấp cứu, chuyển bệnh cho F0.
Thậm chí, khi anh Sơn trở thành F0, mặc dù lãnh đạo, đồng nghiệp tại bệnh viện khuyên anh nghỉ ngơi, nhưng hiểu được sự vướng víu, nóng bức của bộ đồ bảo hộ, điều dưỡng Sơn xin phép được cùng ăn, cùng ngủ với bệnh nhân, để dễ dàng chăm sóc và phát hiện F0 trở nặng. Cho đến khi, chính anh bị chuyển nặng, suy hô hấp phải thở oxy, điều dưỡng Sơn mới cảm nhận rõ rệt nỗi sợ của người bệnh.
|
Điều dưỡng Sơn (ngoài cùng bên trái) được các y, bác sĩ gọi vui là nhân viên 'lì" nhất bệnh viện - Ảnh: NVCC |
May mắn, ngày thứ 14, điều dưỡng Sơn có kết quả âm tính, khỏi bệnh. Để động viên tinh thần người nhân viên cần mẫn, lãnh đạo bệnh viện cho phép anh Sơn về thăm gia đình. Ấy vậy mà anh lắc đầu, anh muốn tiếp tục bệnh cạnh người bệnh. Hỏi thế bao giờ anh mới về với người thân, điều dưỡng Sơn cười: “Khi nào hết dịch, tôi sẽ về”.
Những ngày qua, biến chủng Omicron có xu hướng tăng tại TPHCM, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 12 vẫn vẹn nguyên quyết tâm bên cạnh chăm sóc người bệnh với niềm tin sẽ một lần nữa đẩy lùi đại dịch này. Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhân viên y tế không cần hoa, cũng chẳng nghĩ đến quà, ước mong lớn nhất của mỗi người lúc này “Chỉ cần F0 sớm khỏi bệnh, về nhà”.
Bác sĩ F0 cùng nhau mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam trong khu cách ly
Mấy hôm trước, bác sĩ Lê Quang Mỹ - khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM có kết quả xét nghiệm dương tính. Đây là lần thứ 2 bác sĩ Mỹ trở thành F0.
Anh cười: “Lần đầu tôi mắc COVID-19 khi đang điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 11. Lúc đó tôi hầu như không có triệu chứng, nhưng lần này trải nghiệm đầy đủ các đợt sốt cao, đau họng, đặc biệt là ho rất dữ.
Do cha tôi có nhiều bệnh, nhà có trẻ em nên tôi xin vào Bệnh viện Điều trị COVID-19 3B do Viện Y dược học dân tộc phụ trách, cũng tiện để chăm sóc bệnh nhân ở đây”.
Gọi điện thoại hỏi thăm, đầu dây bên kia, giọng bác sĩ Mỹ khàn đặc, đôi khi các cơn ho kéo đến, cứ ngắt quãng, ấy vậy mà hình như nhiệt huyết của người bác sĩ trẻ luôn tràn về mỗi khi nhắc đến người bệnh.
|
Trước khi trở thành F0, bác sĩ Mỹ khá năng nổ trong các hoạt động phòng chống dịch, điều trị, tư vấn cho người bệnh - Ảnh: NVCC |
Hiện tại, ngoài chăm sóc người bệnh tại đây, bác sĩ Mỹ còn tiếp tục tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, tư vấn trực tuyến cho thân nhân của trẻ và các F0 khu vực TPHCM, Hà Nội qua tổng đài 1022.
Còn với các bệnh nhi mà anh chăm sóc, phụ trách tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Mỹ luôn cố gắng nhận điện thoại từ người thân của các bé, cũng như lập nhóm để tiện trong việc tư vấn, hỗ trợ.
Bác sĩ Mỹ nói: “May mắn, nhóm dành cho thân nhân của trẻ bị não úng thủy tôi đã thành lập hơn một năm, với những chia sẻ, huấn luyện kỹ cách chăm các bé. Có những anh chị đã khá thuần thục, khi tôi bận, mọi người cùng tham gia hỗ trợ. Với những bé có sức khỏe đặc biệt, tôi sẽ điện thoại cho từng phụ huynh để lưu ý thêm.
Tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 3B, tôi cũng gặp vài đồng nghiệp dương tính khác. Chúng tôi cùng nhau sẻ chia, học hỏi kinh nghiệm cùng hỗ trợ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân”
Theo bác sĩ Mỹ, các bác sĩ không hẹn mà gặp nơi này cũng đã cùng nhau tổ chức kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam một cách đặc biệt. Chiều muộn hôm qua (26/2), các anh chị ngồi lại bên nhau, chia sẻ về thời gian đi chống dịch, cùng châm thêm ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ để “thiêu rụi dịch bệnh” nhất là biến chủng Omicron, đem lại bình yên cho người dân.
Phạm An