Đó là lời nhắn nhủ của bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM đến hơn 300 trẻ mồ côi, khuyết tật đến từ 10 trung tâm, mái ấm trong buổi tổng kết chương trình Cho con tình yêu thương, do báo Phụ nữ TP.HCM và nhãn hàng sữa dê công thức DG (New Zealand) cùng tổ chức.
|
Hơn 500 bài dự thi, tranh vẽ được gửi về báo Phụ nữ TP.HCM, 4 em có bài dự thi xuất sắc đã được thực hiện ước mơ của mình. Trong ảnh, bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM và đại hiện nhãn hàng sữa dê công thức DG trao giải cho các em. |
|
Những ước mơ chứa chan niềm hy vọng tìm được gia đình, lòng thiện nguyện trải dài qua trang giấy. Ở đó không có sự thù hận, bỏ qua suy nghĩ oán than vì bị bỏ rơi, các em khát khao sự yêu thương trả ơn đời. Trong ảnh, ngày cuối tuần, một cậu bé được mẹ dẫn đến để vui chơi với các bạn bị cha mẹ bỏ rơi, mồ côi... |
|
“Con xem ti vi thấy mấy chị hoa hậu đi làm từ thiện, kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ được nhiều bạn, con bất hạnh nhưng may mắn khi được ở mái ấm, được đi học, hết bị bạo hành. Con ước cho các em nhỏ, các bạn không phải đi bán vé số, đi ăn xin, ai cũng được đến trường”, “Con ước mình có thể trở thành bác sĩ, con sẽ chữa bệnh cho mọi người để không ai mất đi người thân như con”, “nếu con là đầu bếp, con sẽ nấu ăn cho thật nhiều em nhỏ, các em sẽ được ăn thật no, thật ngon”,...
|
|
Những ước mơ giản dị từ các em chỉ hơn 10 tuổi làm cho người lớn không chỉ ấm lòng, mà còn phải nhìn lại trách nhiệm, lương tri. Bỏ rơi núm ruột của chính mình, dù bất kỳ lý do gì đi chăng nữa, cũng là một tội ác. Hôm nay, các em như cây non, tựa vào những tấm lòng hữu hảo để lớn lên. Trước cơn gió của số phận, những cây nhỏ đang dìu nhau để trưởng thành. |
|
Một "lính cứu hỏa nhí" kể lại quá trình được thực hiện ước mơ của mình. |
Bức tranh chú gấu bông khiến em Lê Thị Bích Trâm (8 tuổi, ở mái ấm Hướng Dương) không thể rời bước. Năm lên lớp 3, em mất mẹ. Từ đó, trong mỗi giấc mơ thơ bé, Trâm cứ thấy mẹ hất tay em, bỏ đi không về. Giữa đêm tối, Trâm khóc rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, ở mỗi giấc ngủ ghép nối, chú gấu hồng luôn bên cạnh, lau nước mắt và ôm em vào lòng.
|
Mặc bạn bè rủ đi chơi, hay khách lạ ghé thăm, Bích Trâm vẫn đứng nhìn chú gấu của mình. |
Chú gấu hồng của Trâm, cũng như chiếc xe lăn được chế từ ghế đẩy, nâng em Trần Tân Tiến (ở Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em quận Gò Vấp) mỗi lần em té ngã. Sinh ra với đôi chân không lành lặn, gia đình Tiến bỏ rơi em như trút đi gánh nặng cơm áo, bệnh tật.
Nhiều lần thấy bạn bè chạy nhảy, Tiến nhào đến rồi ngã lăn lốc giữa tràng cười của những đứa trẻ gần đó. Tiến như rơi vào hố sâu của trầm cảm và mỏi mệt, em phó mặc cuộc đời, bỏ mặc mình giữa vui – buồn, sống – chết. Đến khi Tiến vào mái ấm, vào trung tâm, em dần hiểu ra em vẫn là một thân cây, cần đứng vững trên cõi đời này.
Tiến xin các cô chú cho đi học, được tặng chiếc xe, Tiến mừng rỡ, tập đứng, tập đi, tập vươn lên bằng đôi chân ngoằn nghoèo. Đến nay, chiếc xe không chỉ đồng hành mà còn là người bạn thân của Tiến trên mỗi bước đường. Em đã đứng lên, đi học chữ, học nghề tin học, dần trở thành một lập trình viên, em trưởng thành không lùi bước trước số phận, như chính cái tên Tiến của mình.
|
Báo Phụ nữ TP.HCM hiểu rằng thật khó để nói lên nỗi lòng của mình, nên những bài viết được các em gửi về được đặt trong khung kính trang trọng. |
Lắng nghe những chia sẻ của các em, bà Lê Huyền Ái Mỹ không khỏi xúc động: “Chúng tôi ở đây để lắng nghe các em nhiều hơn, nhìn ngắm tranh vẽ, cảm nhận ước mơ của các em nhiều hơn. Chúng tôi muốn nói với các em rằng, người lớn chúng tôi cũng có những cái không may, nhưng chúng tôi đã vượt lên, và 500 bài viết, tranh vẽ của các em gửi về tòa soạn sẽ không phải là cổ tích.
Qua ước mơ của các em, người lớn chúng ta cũng phải nhìn lại trách nhiệm của mình. Bởi vì những ước mơ tràn đầy sự hướng thiện, trắng trong như làm lính cứu hỏa để cứu người, mơ làm hoa hậu của trẻ em nghèo, hay đơn giản thôi, mơ được nấu ăn cùng mẹ... Trong những ước mơ đó, có không ít lỗi lầm của người lớn, mong rằng chúng ta cùng nhau nhìn lại sám hối, sửa chữa, trách nhiệm và cùng nhau lo cho trẻ em.
“Cho con tình yêu thương” hôm nay khép lại, nhưng vẫn còn nhiều chương trình khác mở ra, như ngày gia đình Việt Nam sắp tới, mong rằng ở chương trình đó sẽ không còn ai cảm thấy chơi vơi giữa xã hội này. Và tôi tin tưởng rằng, hôm nay, các con không có gia đình nhỏ, nhưng chúng ta là một gia đình lớn. Các con sẽ không bơ vơ, chúng tôi sẽ ở bên các con. Hãy phấn đấu vươn lên, đừng sợ hãi, đã có các cô, các chú ở đây rồi, các con sẽ không phải một mình”.
|
Bà Tạ Thị Nam Hồng, Phó tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM trao thưởng cho 20 em có bài dự thi được đăng tải trên báo điện tử phunuonline.com.vn |
Vừa qua, báo Phụ nữ TP.HCM và nhãn hàng sữa dê công thức DG (New Zealand) đã tổ chức chuỗi sự kiện "Cho con tình yêu thương" đến với trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi trên cả nước.
Đây là sân chơi dành cho trẻ em ở các trung tâm bảo trợ trẻ em, nhà mở, mái ấm để các em thỏa sức thể hiện ước mơ và có cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình.
"Cho con tình yêu thương" đã nhận được hơn 500 bức thư, tranh vẽ của hàng trăm trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật,... ở hơn 10 trung tâm, mái ấm.
|
Phạm An