LTS: Vừa qua, việc một phụ huynh dùng điện thoại quay cảnh học sinh ở trường tiểu học Phước Đồng (TP. Nha Trang) khiêng bàn ghế chuẩn bị cho năm học mới và đăng lên trang facebook cá nhân đã gây xôn xao dư luận. Có nhiều luồng ý kiến trái chiều, một bên cho rằng để những đứa trẻ lớp 4, lớp 5 khiêng những chiếc bàn nặng, đi xuống cầu thang như trong clip sẽ rất nguy hiểm; luồng ý kiến khác lại cho rằng trẻ cần được học kỹ năng sống, học cách lao động để không ỷ lại, lười lao động và chỉ biết hưởng thụ. Khách quan hơn, nhiều bậc cha mẹ đồng tình với việc cần tập cho trẻ kỹ năng sống, nhưng phải khoa học.
Theo bạn, cha mẹ cần bảo bọc trẻ, còn hơn để trẻ phải đối diện với những nguy cơ có thể gây tổn hại đến bản thân, hay cần dạy trẻ ý thức lao động, học kỹ năng sống để con dần trưởng thành, vững vàng trong tương lai? Mời bạn tham gia diễn đàn “Đừng sợ con làm hỏng!” qua địa chỉ dungsoconlamhong@baophunu.org.vn.
|
Cần dạy trẻ ý thức lao động, học kỹ năng sống để con dần trưởng thành, vững vàng trong tương lai - Ảnh minh họa: Internet |
Nguyễn Sơn là bà mẹ đẹp và thú vị. Chị ra đường không khi nào quên son, nước hoa và quần áo đẹp. Kể cả lúc không vui, không khỏe. Nhà ngăn nắp, bếp sạch và ấm, dù chị ở nhà hay đi công tác vài ngày.
Tôi nghĩ chị có một bà giúp việc kỹ tính và tận tâm, không thì đừng hòng tươm tất thế. Bạn bè ai cũng tấm tắc bảo chị số may. Chị cười bảo: “Ừ may, là nhờ có con đảm thôi. Con bé nó khéo hơn mẹ, chăm chỉ như bố, thế là mình nhàn. Nhà mình làm hết, chả có giúp việc đâu, mỗi người một chân một tay, mà con già nh làm hết vì sợ bố mẹ đã đi làm về lại còn làm việc nhà thì vất vả. Con đi học, về có thời gian rảnh hơn, việc nhà vừa học vừa làm. Cứ thế lâu rồi, từ khi nó học cấp II là chị gần như không phải làm gì, cuối tuần nấu ăn cho cả nhà một bữa thật tươi thôi”.
Có lần đang ở Nha Trang, sà vào hàng hải sản khô ở chợ Đầm, chị gọi cho con gái, hỏi nên mua những gì. Cô gái đảm đang ở nhà bảo: “Mẹ đừng mua, vì mang về thế nào cũng ám mùi lên đồ đạc gửi chung. Với lại nhà còn cả tôm cả mực, bố đi Quảng Ninh về mới mua”. Qua đến hàng mỹ nghệ, chị lại “Tiên ơi, mẹ mua mấy con ốc để trồng cây nhé”. Con bé “ok fine” thế là chị chụp hình gửi để con chọn.
|
Chị Sơn và cô "quản gia" xinh đẹp, giỏi giang của mình |
Tôi hỏi Sơn bí quyết dạy con, để con gái chị có thể chia sẻ việc nhà với mẹ và dần trở thành quản gia tuyệt vời của gia đình. Sơn bảo chả có gì là bí quyết, chỉ đơn giản là chiều con và tin con thôi. Nghe trái nhỉ, chiều con mà con ngoan vậy sao? Chị bảo ừ, nói thật đấy, tin hay không thì tùy. Nhưng cô gái tuyệt vời nhà chị được huấn luyện từ bé với những câu cửa miệng của mẹ thế này:
"Làm đi con, hỏng cũng được"
Tiên biết quét nhà, lột bao gối ra giặt giũ, ủi đồ, ngay từ khi chẳng cao hơn cái chổi cán dài là mấy. Lau bụi không với tới thì bắc ghế lên. Lau một lần không sạch thì hai lần. Giặt xong một cái áo thì ướt sũng bộ đồ đang mặc. Giặt xong khăn lau bàn thì ướt nguyên sàn bếp... Mẹ kệ, không đi làm lại, khi nào tệ quá mới phụ một tay dọn chiến trường.
Lần sau vẫn giao việc. “Không hỏng làm sao tiến bộ. Mẹ hồi xưa còn vụng hơn con rất nhiều”, câu đó mẹ nói một lần nhưng tư tưởng hướng đạo như vậy thì cả nhà thấm nhuần. Ông bà cô dì chú bác sang chơi thấy con bé nhỏ chút mà làm việc nhà thấy thương, nhiều khi trách mẹ. Chị Sơn chỉ cười, công việc không bao nhiêu, mình làm cố cũng được nhưng cho con có ý thức là chính. Mà làm cố mình mệt mình cáu con còn khổ hơn. Con làm mẹ đi theo giúp là vui vẻ cả hai.
"Làm đi con, không ngon cũng ăn được"
Tiên là người đi chợ, nấu ăn cho cả nhà. Từ khi nào Tiên lo được tươm tất một bữa cơm đàng hoàng cho bố mẹ, chị Sơn cũng chẳng nhớ: “Đã từng ăn món cá cháy khét, từng húp canh nhạt hoét, đã ăn cơm khô sống trắng đục cả hạt gạo, nhưng biết rút kinh nghiệm". Thời ấy chưa có cái gì cũng “Google” như bây giờ, Tiên qua hỏi bác, hỏi bà, hỏi bố, hỏi cả bạn bè.
Ngay từ khi bắt đầu tập nấu ăn, đã biết đo lường cái soong nào thì bao nhiêu nước, bao nhiêu muối, bao nhiêu thịt hay sườn cho một nồi canh. Đi chợ thì hỏi bác bán thịt, nhà cháu ba người nửa ký sườn có đủ không ạ. Bà bán thịt bảo ôi cái con bé này, cứ một người một lạng thôi chứ, còn món khác nữa mà con. Rồi đi ăn nhà hàng, Tiên cũng ngắm nghía, quan sát để về nhà có thể nấu. Không sợ lần đầu không ngon, bị chê hay bị mắng, vì mẹ luôn bảo “Làm đi con, không ngon cũng ăn được”.
"Tự tính đi con, mua đắt món này thì nhịn món kia"
Tôi ghen tỵ lắm, khi chị Sơn không phải lo gì chuyện chi tiêu trong nhà. Tiên đi chợ, trả tiền điện, nước, tính toán luôn cho mẹ các khoản thu chi hàng tháng thường cố định là bao nhiêu, một khoản nho nhỏ để mua sắm cho các thành viên trong gia đình cũng sẽ được tính luôn. Khi thì cái sơ mi cho bố, khi thì cái khăn cho mẹ, khi thì đôi giày cho mì nh. Tiên cứ tự cân đối, từ năm lớp 9 là đã đâu ra đó, rạch ròi, ngăn nắp.
Bố mẹ đi làm lãnh lương hay có thu nhập gì thêm thì để riêng. Bố cũng đùa là kế toán trưởng nhà này trẻ mà có uy quá. Mua gì cho hợp lý, để còn tiền chi tiêu cho món đồ khác, việc khác, và quan trọng nhất là tiêu đủ trong tuần, trong tháng không bị thấu chi là chuyện của Tiên. Nếu muốn mua cho bố một cái áo mới, Tiên sẽ nói mẹ là tháng sau con mới mua giày. Khi có những “thu nhập bất thường”, cô "kế toán trưởng" sẽ hỏi ý kiến bố mẹ xem có nhu cầu gì thêm, không thì cô sẽ tự mua đồ dùng cho bếp, nhà tắm...
Trao quyền cho con, tự tính toán, là cách để con biết quý trọng đồng tiền và chia sẻ trách nhiệm với bố mẹ đã đành, mà còn thể hiện sự tin cậy con. Con bé sẽ phải quản lý chi tiêu cho gia đình nhỏ của nó hay chính bản thân nó trong tương lai, không cho con tự lập về quản lý chi tiêu thì đến khi nào con mới trưởng thành, chị Sơn chia sẻ .
Tiên nhận được học bổng phổ thông trung học tại Cambridge. “Thật lo là không biết con đi rồi bố mẹ sẽ vất vả thế nào”, cô bé băn khoăn tâm sự với bác ruột. “Con đừng lo, bố mẹ đã sinh con được, tập cho con tự lập được, chẳng lẽ lại không tự chăm mình được”, bà bác đã động viên để cô bé đi học xa nhà không lo lắng, sự lo lắng lẽ ra của bố mẹ hay người lớn dành cho chính cô.
Sau khi tốt nghiệp trung học tại Anh, cô gái đỗ Đại học Ngoại giao và tốt nghiệp tại Pháp. Hiện Tiên chuẩn bị học bằng cao học thứ hai.
Thủy Tiên không còn là trường hợp cá biệt. Những bà mẹ biết lo xa và lập kế hoạch phát triển nhân cách toàn diện cho con như chị Sơn giờ đã không còn hiếm. “Không sợ con làm hỏng, không sợ con làm sai, và tin con thì con mới trưởng thành” là kinh nghiệm của họ.
Lê Lan Anh