Đừng siết vợ khi cô ấy ngày càng 'mướt' ra

12/03/2017 - 14:02

PNO - Thấy vợ giờ “mướt” gấp đôi hồi xưa, ra đường là váy đầm, giày cao gót, nên thỉnh thoảng anh cũng nhắc nhở: “Có cháu ngoại rồi đó, bà liệu hồn làm sao coi được thì làm…”

Anh Nguyễn Văn Quý (ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) vừa tiếp chuyện tôi vừa tranh thủ dỗ dành cha già 82 tuổi đang nằm trên võng, miệng không ngớt hỏi: “Giờ mấy giờ rồi Quý, xong chưa? Chở ba đi chơi coi Quý!”... Khi những tia nắng cuối ngày thôi hắt xuống hồ nước trước nhà là anh Quý khóa cửa, khoác cho ba cái áo dài tay, dắt xe ra đưa đến nhà các chị em chơi cho khuây khỏa. Rồi anh tranh thủ tạt ngang nhà bà nhạc hỏi thăm sức khỏe, hưởng cái niềm vui được bà ngoắc vào từ đầu ngõ, rồi kéo lại rờ vịn, bóp bóp tay và nói một tràng chẳng ai nghe rõ được, mà anh dí dỏm “dịch” đùa là: “Tui cưng thằng rể của tui lắm!”.

Bà nhạc của anh bị tai biến, được cậu con trai chưa vợ chăm sóc. Ngày mấy lượt anh vẫn ghé thăm, phụ giúp dìu đỡ, dù việc đồng ruộng của anh luôn bận rộn. Nhìn mẹ vợ, anh như nhìn thấy lại mẹ ruột đã khuất. Những năm cuối đời bà bị gãy chân, rồi tai biến, anh là con trai duy nhất nên phải lo chăm sóc, phụng dưỡng. Giờ còn chút cha mẹ già, anh luôn muốn tự tay mình lo, nhờ vả ai anh cũng thấy không yên. Vì thế, anh chẳng bao giờ dám đi chơi hay du lịch đó đây, chỉ ra đồng rồi về nhà túc trực bên cha.

Dung siet vo khi co ay ngay cang 'muot' ra
Vợ chồng anh Quý chị Út

Một vai nhiều gánh nhưng lúc nào anh Quý cũng vui vẻ, yêu đời. Thấy chị Trần Thị Út, vợ anh, được tung tăng học nghề cắt uốn tóc, học ca hát, học lái xe hơi, tham gia công tác địa phương… trong khi chồng suốt ngày lội sình đốn lá bán, nhiều người đã cảnh báo anh đủ điều. Trước lời ra tiếng vào, anh Quý thẳng thắn: “Tui chịu cực cho cha mẹ, vợ con, anh em mình được sung sướng thì có mất đi đâu? Tui lo cho vợ con rồi nữa tui già, vợ con sẽ lo lại thôi. Vợ tui cũng cực khổ nhiều rồi. Giờ vợ tui sức yếu, tui khuyến khích bả đi ca hát, vui chơi để… giải bệnh”.

Nói vậy nên anh luôn nhắc mình phải tự tin, rồi sẽ tin vợ. Nếu người chồng có ý ghen tuông, thêm người ngoài khích bác, chắc chỉ có tan vỡ. Tuy nhiên, thấy vợ giờ “mướt” gấp đôi hồi xưa, ra đường là trang điểm, váy đầm, giày cao gót, nên thỉnh thoảng anh cũng nhắc nhở: “Có cháu ngoại rồi đó, bà liệu hồn làm sao coi được thì làm…”. Nói vậy nhưng anh không quên kèm theo một nụ cười hiền. “Lạt mềm buộc chặt”, anh thường dặn dò con rể, cũng là tự dặn mình đừng siết vợ, cứ để thoải mái, tự nhiên sẽ hạnh phúc thôi.

Nhớ thời mới đôi mươi, được mai mối gả cho anh Quý nhà cùng ấp, chị Út cứ ngần ngại. Không phải chị so sánh với mấy chỗ khác cùng đến dạm hỏi, cũng không chê chuyện mắt phải của anh bị lòa từ năm 10 tuổi, sau đợt sốt rét thập tử nhất sinh, mà là chị ngán ngẩm nhà anh tận trong ruộng sâu, hẻo lánh, phải đi bằng xuồng. Chị sợ tương lai vợ chồng rồi cũng mịt mờ, heo hút như trảng ruộng không đường đê ấy. Mẹ chị chấm anh Quý ở chỗ không chơi bời, rượu chè; lại chịu khó, giỏi giang. Bà bảo chị, con mồ côi cha, nhà mình rất cần trụ cột gồng gánh. Nghe mẹ đốc thúc mãi, chị Út “chịu đại” với ý nghĩ ngây ngô: rủi sau này trục trặc thì quay về mẹ lo. Vậy nhưng, hơn 30 năm chung sống, đường về nhà mẹ “thênh thang” mà chị chẳng ngó đến, vì vợ chồng không hề giận hờn xích mích, gia đình luôn tràn ngập tiếng cười.

Vợ chồng chị buông này bắt kia, xoay xở để kiếm tiền nuôi con. Chị quán xuyến cơm nước, chăm lo cho cha mẹ chồng, cho các con; lại còn kéo lưới, bắt còng nuôi vịt đẻ, may quần áo gia công. Anh thì trồng lúa, buôn lúa, lại nuôi heo, đốn lá dừa nước bán… Làm được đồng nào là anh đưa hết cho vợ, chỉ dằn túi chút đỉnh phòng khi đi đường bể bánh xe. Câu hỏi “Tình yêu là gì?” chị dần trả lời từng ngày, bằng chính sự quan tâm chăm sóc anh dành cho chị.

Chị nhớ mãi cái kỷ niệm khi cấn bầu con trai lớn. Do không được chỉ dẫn, lại ít học nên chị cứ tưởng mình đã mắc bệnh gì đó mới mệt mỏi, khó ăn, dễ ói. Xót vợ “bệnh”, anh Quý gắng kiếm thêm cua ốc nấu cháo cho vợ bồi dưỡng, nhưng chỉ nghe mùi thức ăn là chị đã phát ói. Lại nghĩ mấy thứ đó không ngon, anh lặn lội mua thức ăn khác, chị vẫn không đụng đũa, bất chấp anh dỗ dành: “Em ráng ăn gô bánh canh này cho có sức. Anh mới lội qua sông lớn mua về đó!”. Con sông lớn giờ đã có cầu Hiệp Phước bắc qua, cứ mỗi khi qua cầu, nhìn dòng nước chảy xiết, là chị Út rùng mình nhớ gô bánh canh ngày nào anh phải bơi qua sông để mua, bao bọc kỹ lưỡng, băng đồng về nhà vẫn còn ấm…

Tiền bạc khó khăn, vừa lo con cái vừa phần cha mẹ, nhưng dù chẳng học hành mấy chữ, chỉ qua vài lớp xóa mù, chị vẫn là một “nhà đầu tư” sáng suốt, tích cóp được “của để dành” cho gia đình. “Góp gió thành bão”, sau nhiều năm chắt chịu, anh chị mua được năm công đất ruộng. Con trai lớn Nguyễn Ngọc Sáng học giỏi, có cơ hội du học ngành công nghệ thông tin ở Trường ĐH Charles Sturt (Úc), anh chị lại quyết định bán ruộng để cho con một tương lai sáng sủa hơn, dù lòng không khỏi xót mảnh ruộng đầy kỷ niệm, lại thêm những lời bàn ra tán vào, kiểu như “giá đất lên vùn vụt, bán cho con ăn học là tính dại, khác nào đem của đổ sông đổ biển…”. “Đã quyết thì không tiếc” - anh Quý khẳng định với mình, cũng là an ủi vợ.

Nơi xứ người, Ngọc Sáng không chỉ lo học hành mà còn biết tiết kiệm chi tiêu, sau 10 năm nỗ lực giờ đã có công việc tốt, định cư tại Úc, đã có thể đỡ đần cha mẹ, hỗ trợ tài chính cho cô em út đang học lớp 11. Càng thành đạt, Sáng càng thần tượng hai bậc sinh thành, nhất là mẹ mình. Sáng tự hào, cha mẹ không học cao nhưng vẫn có tầm nhìn sáng suốt. Tin tưởng tuyệt đối ở “quân sư-mẹ”, từ việc chọn quần áo, kiểu tóc, đến định hướng nghề nghiệp, mua xe, mua nhà, thậm chí cả việc chọn bạn đời, Sáng luôn tham khảo ý kiến mẹ.

Phần chị Út thì ngày ngày đang nhờ con gái kèm học tiếng Anh, để thuận lợi khi sang Úc thăm viếng, đỡ đần cho con trai. Sáng còn lên kế hoạch đưa cha sang Úc để chữa trị con mắt bị lòa nhưng anh Quý gạt đi: “Ba quen rồi. Mổ mắt, lột mây, nếu thành công không sao, lỡ thất bại ảnh hưởng luôn con mắt kia, mù hẳn rồi làm sao tiếp tục lo được cho ông nội, cho mẹ con tụi bây?”

Tô Diệu Hiền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI