Dũng sĩ chiến trường, "hiệp sĩ" đời thường

05/07/2016 - 08:56

PNO - 10 năm ngang dọc trên chiến trường Củ Chi cũng là quãng thời gian chị phải vào tù ra khám liên miên. 18 tuổi, chị bị mất một cánh tay do đòn roi tra tấn của kẻ thù.

Ngày 2/7/1976, tại trụ sở Đội nữ du kích Củ Chi ở xã Phú Mỹ Hưng (H.Củ Chi, TP.HCM), dân chúng chộn rộn, chen nhau "đi coi" Sáu Cụt lấy chồng. Ngày chị Sáu Cụt lấy chồng trở thành ngày vui chung của cả đội du kích, của xóm nhỏ nơi đội trú đóng. Người dũng sĩ đất thép này khi ấy chỉ còn một cánh tay.

Chị Sáu Cụt tên thật là Võ Thị Trọng, SN 1950 trong một gia đình nông dân ở xã Phú Mỹ Hưng, 15 tuổi đã theo chân chị ruột vào đội du kích. 10 năm ngang dọc trên chiến trường Củ Chi cũng là quãng thời gian chị phải vào tù ra khám liên miên. 18 tuổi, chị bị mất một cánh tay do đòn roi tra tấn của kẻ thù. Chị kể: “Thường thì khi bị bắt rồi đượ c thả ra, người ta chạy tìm nơi yên lành hơn để sống, nhưng Sáu thì chỉ muốn nhào về trận địa, cùng đồng đội chiến đấu”. Nhiều lần chị bị bắt, bị tra tấn ngay gần nơi trú ẩn của đồng đội, nhưng chị kiên quyết không khai.

Nhận nhiệm vụ chỉ huy đội nữ du kích Củ Chi từ năm 1972 đến 1975, chị đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công. Chị chính là người chỉ huy đoàn nữ du kích Củ Chi vừa cầm súng, vừa hát vang trời, chạy băng trên quốc lộ 22, từ Củ Chi về TP.HCM trưa 30/4 trong những thước phim tư liệu vẫn chiếu trên ti vi.

Dung si chien truong,
Chị Sáu Cụt hái khế trong vườn với một cánh tay còn lại

Ngày hòa bình, qua ánh mắt nhiều anh em, đồng đội, chị Sáu Cụt thoáng nhận ra việc mình mất cánh tay, lại mù chữ, là cản ngại cho việc bố trí công việc. Không cam lòng, chị thẳng thắn nói với cấp trên: “Xin anh cho em đi học”. Từ một người không biết chữ, nhờ sự động viên của chồng - anh Bùi Vân (nguyên chính trị viên đại đội đặc công tiểu đoàn Gia Định 4, Sài Gòn - Gia Định), ngày ngày, người đàn bà còn một cánh tay ấy đã tự đạp xe từ Phú Nhuận lên trường Công Nông Thủ Đức xóa mù chữ. Mang bầu con gái, rồi con trai, chị vẫn buổi làm việc, buổi tới trường, lại còn tranh thủ cùng chồng ra ruộng cày cấy…

Vậy mà chị cũng học hết bậc phổ thông. Đến năm 1992, khi anh Vân về hưu, chị cũng xin nghỉ mất sức do bị những vết thương cũ tái phát, hành hạ. Vợ chồng chị gom góp khoản tiền trợ cấp làm vốn, mua mảnh đất vườn ở xã Trung Mỹ Tây, H.Hóc Môn (nay thuộc Q.12) để trồng trọt, chăn nuôi. 24 năm qua, họ vỡ hoang cả mẫu đất, trồng mía, trồng bắp, rải hoa màu, nuôi heo, nuôi gà, gây giống cây kiểng… “Trời thương, vợ chồng Sáu đánh đâu, trúng đó”, chị hồ hởi.

Một lần, vào giữa trưa 30 tết, chị Sáu Cụt đang dọn mâm cơm cúng ông bà thì có người đập cửa kêu cứu: “Sáu ơi, có người đòi phóng hỏa đốt nhà”. Bỏ bàn thờ gia tiên, chị Sáu băng mình chạy sang, giải cứu thành công một người bị chồng tẩm xăng, dọa giết. Từ đó, hễ trong xóm nhà ai có việc gì ngang trái, éo le cũng gõ cửa tìm đến chị Sáu. Dù ngày nào, giờ nào, bất kể đó là ai, chị Sáu Cụt cũng tất tả chạy đến. Chỉ với một cánh tay, nhưng chị đã nối lại biết bao mối rạn trong các gia đình nơi xóm nghèo.

Các chị ở Hội LHPN xã Trung Mỹ Tây, H.Hóc Môn ngày ấy nhớ lại: “Khi về Trung Mỹ Tây chưa bao lâu, có lần, chị Sáu đã gọi chúng tôi tới nhà và đưa ra một cây vàng, kêu mang bán, lấy tiền làm vốn cho chị em nghèo trong xã vay không lấy lãi. Cầm tiền của chị mà chúng tôi nghẹn ngào”. 24 năm sống ở đất này, chị Sáu Cụt thành “hiệp sĩ”, thành nơi nương tựa vật chất lẫn tinh thần cho nhiều người cơ nhỡ. Chị đã nhận hàng trăm bằng khen, giấy khen “Người tốt việc tốt”, “Gương sáng giữa đời thường” của các đoàn thể ở H.Hóc Môn, H.Củ Chi, Q.12, Q.Phú Nhuận…

Ngày vợ chồng mới chuyển về Trung Mỹ Tây, 7g sáng, chị Sáu cuốc cày, bắt sâu, nhổ cỏ đầu này, thì phía kia vuông đất, anh Vân đánh lá đám mía, bón phân rẫy bắp; chị Sáu ở bên chuồng thúc heo ăn thì anh tất bật với bầy gà mấy trăm con lớn nhỏ… Còn bây giờ, có những ngày đang dở dang bếp núc, điện thoại reo kêu trong tổ nhân dân có cụ già neo đơn lên cơn đau nặng, hay một phụ nữ bị bạo hành, chị Sáu liền chạy đi giúp đỡ, và khi về nhà đã có mâm cơm nóng sốt, anh Vân chờ. Cứ vài tháng, anh dúi vào tay chị ít tiền để chị tặng học bổng Nguyễn Hữu Thọ, xây nhà tình nghĩa, tình thương, thăm các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những chị em nữ thương binh, những đứa bé con em đồng đội bị di chứng chất độc da cam…

Chị Sáu kể, thời con gái, lúc chưa bị địch đánh nát cánh tay, chị cũng để tóc dài, tóc chị dày và đen lắm. Năm 18 tuổi, chị mất hết một cánh tay, không còn tự cột tóc mình được nữa, cứ nghĩ suốt đời phải để tóc ngắn thôi. Vậy mà, nghe lời chồng, chị để tóc dài, và anh chính là người đã chải tóc, cột tóc cho chị suốt 24 năm qua. Chị ngân ngấn nước mắt: “Tội ảnh, khi được thong thả chải tóc, cột tóc cho vợ thì tóc vợ đã hết đẹp, hết dày rồi”.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI