Đúng - sai

08/11/2023 - 05:51

PNO - Thế giới hôn nhân vốn phức tạp, một chuyện đúng với người này chưa chắc đúng với người kia. Một sự sai, sự lỗi dưới góc nhìn này, có khi lại thành ưu điểm trong góc nhìn nọ.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Anh sai rồi, nhận lỗi đi”

Em gái gọi, nức nở với tôi rất nhiều chuyện vợ chồng. Em và em rể không có tiếng nói chung, lục đục suốt từ lúc mới cưới nhau. 

“Ổng sai bét mà không thừa nhận. Có ai làm cha mà bỏ bê con vậy không?". Em còn nói không thể chịu nổi con người ấy, em phải ly hôn.

Đây không phải lần đầu em gái chia sẻ chuyện gia đình, cũng không phải lần đầu em xin tôi lời khuyên. Tuy nhiên, bất cứ thứ gì tôi đưa ra phân tích, em cũng buộc tôi xác nhận đối phương sai, em không có lỗi gì.

Tôi cố tìm nguyên nhân và giả thuyết các tình huống để có thể giải quyết vấn đề từ gốc rễ thì em vội vã chốt hạ: “Nhiều lần rồi”, “Không chữa được đâu”. Kết cục, 2 chị em gần như cãi nhau. Tôi la lên trước khi tắt máy: “Còn háo thắng và đòi phân định đúng sai trong hôn nhân thì còn khổ dài dài. Lần sau đừng gọi nữa nhá”.

Câu chuyện của em gái tôi rất phổ biến. Hệt như những gì tôi và bạn bè cùng lứa đã trải.

Chúng tôi thuộc thế hệ thanh niên “bản lề”, lớn lên ở bước giao của thế kỷ XX sang XXI. Khi những đạo lý phong kiến của cha chú mờ dần, lũ trẻ ở thành thị lớn lên vươn về văn hóa phương Tây, tôn sùng cái tôi cá nhân. Đồng thời, dưới mái trường, chúng tôi được dạy rằng, mọi việc phải trắng đen rõ ràng, không thể nhập nhèm. Một đứa trẻ lỡ lấy cây viết chì của bạn thì phải bị bêu dưới cờ; một nhóm chơi bài ăn tiền nho nhỏ cũng phải đuổi học để làm gương. Không có nhân nhượng cho khuyết điểm, cho điều chưa đúng, nói thẳng là nếu mắc lỗi thì không có cơ hội sửa chữa…

Khi bước vào hôn nhân, chúng tôi dùng góc nhìn cứng nhắc để áp lên mọi thứ, lấn át hoặc không thừa nhận góc nhìn của người khác. Cộng với sự quy đồng máy móc mọi sự về đúng -  sai, chúng tôi đã ngầm có các bộ công thức: chồng thì phải thế này, vợ thì phải thế kia, con thì phải thế nọ, cha mẹ phải ra sao…

Ngoài các quy chuẩn đó, tất cả là sai, là hỏng, là… đồ bỏ. “Nếu anh sai, anh phải hối lỗi, nếu vi phạm điều đó, chúng ta ly hôn”. Em tôi đã nói với chồng cả ngàn lần những câu tương tự. Nhưng thế giới hôn nhân vốn phức tạp, một chuyện đúng với người này chưa chắc đúng với người kia. Một sự sai, sự lỗi dưới góc nhìn này, có khi lại thành ưu điểm trong góc nhìn nọ.

Cậu bạn thân của tôi ly hôn xong thì hối tiếc, do đi tiếp vài mối tình nữa cậu mới hiểu ra: những mâu thuẫn năm xưa với nhà vợ và những điều bạn quy kết về vợ thật tình chẳng có gì ghê gớm. 

“Chồng cũ mở dịch vụ cầm đồ, chị nghĩ ảnh kiếm tiền bằng cách tiếp tay cho kẻ trộm cắp, lô đề. Chị coi thường anh, vì chị là giảng viên thì không thể giao tiếp, không sống chung với một kẻ tham lam bất chấp như vậy. Vậy đó, rồi chị ly hôn xong thì công ty tài chính được phép vận hành dịch vụ cầm đồ. Công ty của ảnh công khai quảng cáo dịch vụ cho vay”. Một đồng nghiệp từng chia sẻ lý do ly hôn như vậy, rồi chị kết luận: Đến luật, là công cụ để người ta soi chiếu cho kết luận đúng - sai, mà còn thay đổi qua các kỳ chỉnh sửa, bổ sung thì nói gì tới các phạm trù không thể định lượng, định tính. Một lần vỡ nợ, một lần trót say nắng, vài lần sống vô trách nhiệm… chưa hẳn là đã “hết thuốc chữa”, chẳng qua do mình quá cứng nhắc và thiếu kinh nghiệm sống mà vội “hất cả chậu nước có đứa trẻ ”(*) mà thôi.

Quyết không… lùi

Có nhiều người đàn bà không chịu thua thiệt trong bất cứ mối quan hệ nào, dù tình bạn, tình yêu hay ở công sở. Họ đòi hỏi người khác không ngừng, họ ý thức cao về mình và họ nghĩ đó là sự tự tôn, là nữ quyền (ví dụ trong quan hệ với người khác giới). Hồi còn trẻ, tôi luôn ngưỡng mộ kiểu phụ nữ này và hiện các em tre trẻ cũng thường ngưỡng mộ kiểu đàn bà như vậy, đôi khi còn nhầm đó là người có “khí chất”.

Tuy nhiên, khi càng có tuổi, kinh nghiệm sống rộng hơn, tôi phát hiện rằng, càng hãnh tiến, không chịu thua, thiếu khả năng lùi, bạn càng mệt mỏi, khó kiếm tìm hạnh phúc, khó chấp nhập hiện thực. Bởi vì hiện thực vốn khốc liệt hơn tuổi trẻ hiếu thắng tưởng tượng, dù bạn giỏi cỡ nào, tai nạn cũng có thể đến, có thể xuất hiện “drama” bất cứ khúc quanh nào, với bất cứ ai.

Nếu quen ở vị thế "kèo trên", “thế thượng phong”... cảm xúc nhận được khi bị "lật kèo" thường không mấy dễ chịu. Người biết chấp nhận lùi dễ lựa cách để tồn tại, phát triển hợp với hoàn cảnh. Người quá hãnh tiến sẽ thấy thương tổn, đau đớn, không chấp nhận hiện thực, từ đó dễ dẫn tới ứng xử sai lầm, quyết định sai lầm.

Trăm lần như một, em tôi vẫn nhất quyết đúng là đúng, sai là sai, sai thì phải nhận, không thể chấp nhận điều chưa rạch ròi. Em còn quy kết tôi chỉ cố đẩy em vào sâu cuộc hôn nhân bất hạnh mà không giúp em tìm đường thoát ra. Tắt máy tranh luận, lần nào tôi cũng thấy buồn, nhưng đành nghĩ, thôi thì chính kinh nghiệm cuộc sống sẽ “dạy lại” em. 

Hoàng Yến

(*) "Hất cả chậu nước có đứa trẻ trong đó" là luận điểm triết học phê phán quan điểm phủ nhận sạch trơn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI