Phòng tránh tai nạn hè của trẻ

Đừng rời mắt khỏi con nhỏ các mẹ ơi!

25/06/2024 - 16:55

PNO - Dẫu biết rằng cuộc sống vốn nhiều tất bật, lo toan, nhưng bảo vệ con trẻ chẳng phải vốn dĩ luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng ta?

Năm nào cũng vậy, cứ hè đến, trên các phương tiện truyền thông, tin tức trẻ em gặp nạn lại xuất hiện dày đặc.

Ngay lúc này, tâm điểm là vụ cháy nhà ở Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 3 đứa trẻ (9 tháng, 4 tuổi và 6 tuổi) tử vong. Rồi rất nhiều những tin tức về các vụ đuối nước: Hai anh em ruột 11 tuổi và 7 tuổi chết đuối khi tắm sông ở Nghệ An, hai bé gái 9 và 12 tuổi chết đuối trong hố nước cạnh công trình thi công dự án đường Vành đai 5 ở Vĩnh Phúc. Gần 2 tuần trước, một bé trai 7 tuổi cũng qua đời sau khi bị chó dại cắn…

Cùng với tin tức về những cái chết thương tâm là rất nhiều vụ chấn thương, tai họa mà trẻ gặp phải như hóc dị vật; uống nhầm dầu hỏa, nước rửa chén; bỏng nước sôi; điện giật; té ngã; tai nạn giao thông;…

Điểm chung của các vụ tai nạn liên quan đến trẻ em là nghỉ hè, ở nhà và có một khoảng thời gian nửa ngày, vài giờ, thậm chí chỉ vài phút người lớn chúng ta rời mắt khỏi bọn trẻ. Điển hình như vụ cháy nhà khiến 3 đứa trẻ tử vong ở Đà Lạt, người mẹ khóa trái cửa để các con trong nhà và chạy đi mua đồ mà quên tắt bếp gas. Khoảng thời gian đó chắc không quá lâu, nhưng thảm họa đã kịp ập tới…

Dẫu biết rằng cuộc sống vốn nhiều tất bật, lo toan, nhất là với những gia đình có kinh tế khó khăn, với các bà mẹ một mình nuôi con, nhưng bảo vệ con trẻ chẳng phải vốn dĩ luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng ta?

Đuối nước, tai nạn trẻ thường gặp nhất vào dịp nghỉ hè
Đuối nước, tai nạn trẻ thường gặp nhất vào dịp nghỉ hè (ảnh minh họa)

Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng cách duy nhất để bảo vệ trẻ khỏi nguy hiểm là “đừng bao giờ rời mắt khỏi con trẻ”.

Đó là yêu cầu không dễ, khi không phải ai cũng có thời gian "dính lấy con" 24/24 vì còn phải lo cơm áo gạo tiền. Nhưng nếu muốn chúng ta sẽ có cách.

Tôi từng chứng kiến một phụ nữ rất trẻ đến trường mầm non đón con với tà áo dài sang trọng cùng đôi giày cao gót điệu đà. Sau khi nhận con từ tay giáo viên, cô buộc đôi tà áo, túm lại ống quần rộng, nhét vội đôi giày vào cốp xe. Cô địu bé gái 9 tháng tuổi trước ngực, đỡ cậu con trai 3 tuổi lên yên sau, gài đai chắc chắn, đội áo mưa rồi rồi lao ra con đường mịt mờ mưa, ken kín xe cộ. Lúc đó, quần áo chỉn chu hay sự an toàn cho đôi chân trần không có ý nghĩa gì nữa với người mẹ trẻ, sự an toàn của 2 con mới là quan trọng nhất.

Tôi có người bạn sinh đôi, nhà ở tận tầng 4 chung cư mà lại không có thang máy. Khi con ra tháng, hết ở cữ, chồng đi làm, một mình chị ở nhà xoay cùng 2 con. Chị lấy 2 cái giỏ nhựa đựng quần áo đặt 2 đứa vào rồi đi đâu, làm gì cũng kè kè bên người. Mỗi ngày chị “xách” 2 đứa xuống dưới chung cư đi chợ, cho chúng phơi nắng rồi lại xách lên. Lớn hơn một chút, chị dùng 2 chiếc địu và xe đẩy đôi. Giờ chúng 3 tuổi, đã đến trường nhưng đi đâu làm gì tôi cũng thấy chị kè 2 đứa 2 tay. “Dù chỉ vài phút xuống chung cư nhận hàng tôi cũng dẫn 2 đứa đi cùng. Rủi ro luôn rình rập, 2 đứa khuất khỏi tầm mắt tôi không yên tâm” – chị nói.

Một em bé phỏng nước sôi do sự bất cẩn của người lớn (nguồn ảnh: Báo Cao Bằng)
Một em bé phỏng nước sôi do sự bất cẩn của người lớn (nguồn ảnh: Báo Cao Bằng)

Sự cẩn thận của chị, tôi có thể hiểu được, vì bản thân từng trải qua 1 lần đứng tim vì con uống phải thuốc nhỏ mũi. Khi đó tôi bị cảm nặng, lại đang dịp nghỉ hè nên con trai gần 3 tuổi ở nhà với mẹ.

Trưa đó, tôi buồn ngủ díp cả mắt, nhưng cu cậu vẫn thức chơi. Tôi nằm xem điện thoại để chống lại cơn buồn ngủ, nhưng đã thiếp đi tầm 15 phút. Khi giật mình tỉnh dậy, tôi phát hiện lọ thuốc nhỏ mũi hiệu Rhinex của tôi trống không. Gặng hỏi bé thì lúc cháu khẳng định đã uống, lúc nói không khiến tôi càng bấn loạn. Tra Google, tôi được biết trong thuốc này có chất Naphazolin có tác dụng làm co mạch, chống chỉ định với trẻ dưới 6 tuổi. Có nhiều vụ trẻ ngộ độc do nhỏ mũi, uống thuốc Rhinex dẫn tới co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Tôi tức tốc đưa con đến bệnh viện kiểm tra, theo dõi và may mắn cháu không có biểu hiện đã ngộ độc thuốc, có lẽ cháu chỉ xịt ra chơi. Từ đó, tôi thề không bao giờ ngủ trước khi con ngủ, không bao giờ rời mắt khỏi con dù chỉ 1 vài giây…

Không ít ý kiến cho rằng, hãy tập cho con trẻ dần rời khỏi vòng tay cha mẹ, nhưng việc đó không đồng nghĩa với việc rời mắt khỏi chúng. Dạy trẻ kỹ năng sống, khả năng tự lập là điều chúng ta phải làm mỗi ngày, nhưng hãy luôn nhớ rằng dù trẻ có kiến thức, kỹ năng tốt đến đâu thì chúng vẫn luôn lơ đãng, thiếu tập trung. Vì vậy, dù bận đến đâu cũng phải luôn hướng mắt về phía trẻ, yêu cầu trẻ chơi trong tầm mắt của chúng ta.

Một năm 12 tháng, trong đó đến hơn 9 tháng chúng ta giao con cho nhà trường. Chúng ta chỉ có khoảng từ 1 tuần đến 3 tháng hè trông trẻ mà lại để con em mình gặp nguy hiểm, như vậy liệu có đáng không?

Từ những vụ tai nạn thương tâm, hãy nhắc nhau và giúp nhau để “đừng bao giờ rời mắt khỏi con trẻ”! Chúng ta có 9 tháng 10 ngày mang thai và hàng tháng hàng năm trời nuôi con khôn lớn, đừng vì một phút chủ quan lơ là, mà phải hối hận cả đời.

Lan Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI