Đừng quên thể thao trong năm văn hóa của TPHCM

27/12/2019 - 07:53

PNO - Ông Mai Bá Hùng cho rằng: "Năm 2020 là năm mà lãnh đạo TPHCM chọn là Năm văn hóa. Đừng nghĩ văn hóa chỉ gồm văn học nghệ thuật. Cần phải xem thể thao cũng là một nét văn hóa đặc sắc của người dân TPHCM."

Chia sẻ với diễn đàn “Phát triển TPHCM thông minh, sáng tạo” của Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Mai Bá Hùng - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - cho biết, lãnh đạo Thành ủy nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa khi bàn thảo chủ đề hành động cho nhiệm kỳ tới.

Trong định hướng phát triển, HĐND, UBND TPHCM cũng tập trung thực hiện đề án công nghiệp văn hóa để có được những sản phẩm văn hóa kết hợp được ba yếu tố sáng tạo, cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện đại mang bản sắc Sài Gòn.

Thể hiện nét văn hóa trong thể thao phong trào
Phóng viên: Thưa ông, hiện thể thao phong trào của TPHCM vẫn giữ được vị trí hàng đầu qua danh hiệu nhất toàn đoàn trong tất cả các kỳ Hội khỏe Phù Đổng. Thế nhưng, thể thao đỉnh cao của thành phố dường như đã giảm sút thành tích đáng kể?

"Đừng nghĩ văn hóa chỉ gồm văn học nghệ thuật. Cần phải xem thể thao cũng là một nét văn hóa đặc sắc của người dân TPHCM." - Ông Mai Bá Hùng

Ông Mai Bá Hùng: Trên thực tế, thể thao thành tích cao của chúng ta không đi xuống, có chăng là các nơi khác đã được đầu tư tốt hơn. Thể thao phong trào chú trọng nhiều đến đối tượng học sinh, bên cạnh những đối tượng khác như phụ nữ, người cao tuổi, lực lượng vũ trang. Chúng tôi và ngành giáo dục đã phối hợp với nhau tốt. TPHCM duy trì thành tích dẫn đầu Hội khỏe Phù Đổng bốn năm một lần trong suốt lịch sử chín lần diễn ra.

* So với đầu thập niên 1990, bóng đá TPHCM đã có một thời gian dài “chìm lỉm”, vì sao thưa ông?

- Quy luật thôi. Khi đã chuyển sang nền bóng đá chuyên nghiệp, phải chấp nhận sự “lùi vào lịch sử” của các đội bóng nhà nước, nhường chỗ cho câu lạc bộ (CLB) tư nhân. Tất nhiên, vẫn có chuyện bảo vệ màu cờ sắc áo, nhưng phải thấy tính chất khác và TP.HCM đang đầu tư theo hướng khác. Chúng ta vẫn ủng hộ doanh nghiệp làm bóng đá, mua bán, chuyển nhượng cầu thủ… để có thành tích cao nhất.

Còn chúng tôi đang tập trung vào đào tạo và quyết tâm làm lại tốt khâu này nhằm cung cấp cầu thủ cho các đội bóng mang tên TPHCM. Từ ngày đội bóng CLB TPHCM lên V-League, ta đang làm theo hướng đó.

Chính nhờ đó mà dù chỉ xếp thứ hai ở giải chuyên nghiệp năm rồi nhưng CLB Bóng đá TPHCM lại giành suất tham dự giải châu Á vì đáp ứng đúng tiêu chí của AFC khi có đủ bốn đội trẻ tham dự giải quốc gia các lứa tuổi. Dù là CLB TPHCM hay CLB Sài Gòn, khi đã đăng ký là thành viên của Liên đoàn Bóng đá TPHCM thì trong khả năng, ngân sách vẫn giúp lo đội trẻ cho họ, có chính sách khen thưởng nếu đạt thành tích tốt ở V-League.

Bóng đá TPHCM sau cơn khủng hoảng đã mạnh dạn đầu tư từ hạng nhất lên V-League. Hai năm đầu tiên trở lại chuyên nghiệp còn lẹt đẹt ở hạng 10-12 trên 14 đội, nhưng năm qua, mình đã xếp thứ nhì V-League và đạt hạng ba Cúp quốc gia. 

Dung quen the thao trong nam van hoa cua TPHCM

Ông Mai Bá Hùng - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM

 

* Dường như thể thao chuyên nghiệp vẫn không phải là con đường lập thân của thanh thiếu niên TPHCM?

- Đúng vậy. Tôi chưa thống kê nhưng đó là một nhận định tương đối. Thành phố mình là dân “tứ xứ” mà. Người làm ăn, sinh sống lâu đời ở đây ít khi đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Nét Sài Gòn của họ chủ yếu thể hiện ở ý thức chơi thể thao là để tự rèn luyện. Gia đình tôi đã ở thành phố này gần 200 năm, trải qua 4-5 đời, tôi thấy người dân thành phố tập trung chủ yếu ở một số môn thể thao mang tính nghệ thuật nhiều hơn như aerobic, khiêu vũ thể thao, các môn quyền cước biểu diễn…

* Vậy “hướng khác” mà ông muốn nói ở đây còn là gì, thưa ông?

- Như tôi đã nói, 2020 là năm mà lãnh đạo TPHCM chọn là Năm văn hóa. Đừng nghĩ văn hóa chỉ gồm văn học nghệ thuật. Cần phải xem thể thao cũng là một nét văn hóa đặc sắc của người dân TPHCM.

Ít có người dân ở đâu sẵn sàng tự bỏ tiền ra tập luyện, đi thi đấu như ở thành phố này. Tôi lấy ví dụ, giải marathon TPHCM đã trải qua 7 năm và thu hút hàng chục ngàn người đăng ký tham gia chạy các cự ky từ 5, 10, 21 đến 42km. Ai muốn đăng ký cự ly 42km, phải đóng 2 triệu đồng phí đăng ký, 21km đóng 1 triệu, 10km đóng 500.000, 5km đóng 300.000 đồng. Họ đóng tiền để được chạy mà đôi khi đăng ký trễ là không còn suất.

Điều này thể hiện cái gì? Đó là sự quan tâm của người dân đối với việc tự bảo vệ sức khỏe thông qua thể thao, một nếp nghĩ văn hóa đặc biệt của phong trào thể thao quần chúng.

Hình ảnh mà tôi đưa ra còn cho thấy, điểm rất khác của thể thao so với các loại hình nghệ thuật sáng tác hay biểu diễn, là sự tham gia mạnh mẽ. Mỗi người dân tự thân là một “nghệ sĩ” trong môn thể thao mình yêu thích rồi, phải không? Anh chơi, anh tham gia, thi đấu, anh chạy, anh bơi… là hòa toàn bộ con người từ tinh thần đến thể chất vào các hoạt động đó.

Chưa kể, muốn hoàn thành các cự ly của marathon, đâu phải nhảy vô là chạy được. Mặt tích cực là tự mỗi người phải tập luyện, giữ gìn sức khỏe để bảo đảm tham gia tốt giải đấu. Khi chạy các cự ly, có quy định thời gian giới hạn phải hoàn thành, nếu không về đến nơi thì ban tổ chức sẽ “đóng cổng”, tức vận động viên (VĐV) không được trao huy chương hoàn thành cự ly đó.

Hiện giải của TPHCM còn thiết lập chip điện tử cho mỗi người tham gia để ghi nhận lại hết thông tin và thành tích nhằm kích thích sự tham gia tập luyện, thi đấu. Dữ liệu này liên thông với hệ thống marathon quốc gia. Marathon còn là điểm nhấn để thu hút du khách, người nước ngoài về đăng ký chạy. Hiện cự ly 42km sắp tổ chức vào tháng 1/2020 đã có đến 1.700 người đăng ký, cự ly 21km cũng có gần 3.000 người muốn chạy.

Bên cạnh marathon, nhiều năm nay, chúng ta còn có những phong trào làm nên nét văn hóa của TPHCM như ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân (27/3 hằng năm), phong trào thể dục thể thao người cao tuổi với dưỡng sinh, yoga phát triển mạnh, hơn 3.000 dụng cụ thể thao lắp đặt ở gần 700 điểm khắp thành phố để người dân tự giác tập luyện. Năm nay, lần đầu tiên, TPHCM tổ chức lễ phát động tập bơi và phòng chống đuối nước, thu hút hàng ngàn người dân. Tôi nghĩ, thể thao quần chúng ở TPHCM cần được làm tốt hơn nữa.

Sao không nghĩ đầu tư cho thể thao giúp giảm tải bệnh viện?

* Trở lại thể thao thành tích cao. Dù muốn dù không, người dân vẫn cảm nhận thể thao TPHCM đã không giữ được vị trí như trước đây, thưa ông?

- Với một thành phố lớn như vậy nhưng cơ sở vật chất của mình mấy chục năm nay không được đầu tư. Mà đã là thể thao thành tích cao thì VĐV phải có chỗ tập luyện đúng chuẩn, trang thiết bị, dụng cụ phải tốt.

Lấy hình ảnh sân Thống Nhất của mình đi. Đội tuyển Bóng đá Quốc gia hiện tập tại đây và rất muốn vào thi đấu tại TPHCM nhưng không thể tổ chức thi đấu được do đội tuyển đang rất “hot” nhưng sức chứa của sân chưa tới 20.000 chỗ. Với nhu cầu của người hâm mộ như hiện nay, cần một sân bóng có 50.000 chỗ.

VĐV đội tuyển các môn của TPHCM giờ đang phải tập nhờ ở nhà thi đấu các quận huyện, trường đại học vốn dành cho thể thao phong trào. Bóng đá nữ tập nhờ ở Q.1, bóng chuyền nữ nhờ Q.Tân Bình, bóng chuyền nam nhờ Q.Bình Thạnh, bóng rổ thì nhờ Trường đại học Sư phạm TPHCM, nhờ cả Trung tâm Huấn luyện thể thao II ở Q.Thủ Đức, Trường đại học Thể dục Thể thao, mới đủ chỗ tập. Trong khi Hà Nội có hẳn một trung tâm huấn luyện 45ha, chưa kể sân Mỹ Đình hơn 100ha, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia ở Nhổn, tất cả đã được xây dựng hoàn thiện từ năm 2010 với đầy đủ các khu vực ăn, ở, tập trung, học tập của VĐV tất cả các môn. Còn TP.HCM đến giờ vẫn chưa có được một trung tâm huấn luyện đúng nghĩa.

"Chúng ta luôn ủng hộ việc ngân sách đầu tư 5.000-7.000 tỷ đồng cho một bệnh viện mới được xây dựng. Nhưng theo thống kê ở các nước phát triển, xây sân vận động nhiều có thể giảm tải cho bệnh viện." - Ông Mai Bá Hùng.

* Vậy do TPHCM không được đầu tư hay không chịu đầu tư, thưa ông?

- Hiện nay TPHCM có tất cả ba công trình vẫn đang giậm chân tại chỗ. Nơi tốt nhất là Trung tâm Huấn luyện TPHCM (trường đua Phú Thọ cũ) từ năm 2003 đến giờ mới được đầu tư “một khúc” gồm nhà thi đấu, nhà tập luyện và một cái hồ bơi, còn cái lõi bên trong thì chưa có gì. Trung tâm Rạch Chiếc từ lúc chủ trương nói 400ha, giờ chỉ còn 185ha nhưng vẫn chưa là đất sạch, còn vướng đất của dân. Trung tâm Phan Đình Phùng cũng đang vướng thủ tục đầu tư BT.

Kế hoạch, đề án trình lên nhưng do hiện nay ngân sách thành phố phải dành cho những việc nóng hơn. Với những khó khăn cơ bản về cơ sở vật chất và trang thiết bị như vậy nên thể thao thành tích cao của TPHCM tới thời điểm này, tôi cho là vẫn thành công.

Kỳ SEA Games vừa qua, chúng ta đóng góp đến 19 huy chương vàng, 9 huy chương bạc và 24 huy chương đồng cho đoàn thể thao Việt Nam, xếp thứ ba, chỉ sau Hà Nội và quân đội. Số lượng VĐV đóng góp huy chương là 68/109 VĐV của TPHCM tham gia các đội tuyển quốc gia. Thành công là do có được sự phối hợp mỗi nơi một chút, từ thể thao phong trào cho đến thể thao chuyên nghiệp như đã nói. Bên cạnh các quận, huyện, trường học, Trung tâm Hoa Lư lo cho môn bóng bàn, hồ bơi Yết Kiêu lo môn bơi, hồ bơi Phú Thọ lo môn lặn…

Q.1 vẫn là cái nôi của bóng đá nữ Việt Nam. Nòng cốt tuyển quốc gia vẫn là các tuyển thủ TP.HCM với trục giữa là Kim Thanh thủ môn, Chương Thị Kiều trung vệ, Huỳnh Như tiền đạo, kế bên còn có tiền vệ Bích Thùy. Các nữ cựu tuyển thủ nổi tiếng một thời khác đều đang tham gia huấn luyện như Kim Chi, Lưu Ngọc Mai, Kim Hồng, Lữ Oanh… Dàn nữ gạo cội coi bóng đá là sự nghiệp của mình. Sự gắn kết từ cấp cơ sở đã tạo ra sức mạnh và thành công nhất định, nhưng về lâu dài, cái áo lâu ngày nó đã quá chật chội, không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển.

* Vậy, lối ra nào cho TPHCM trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, chắp vá như thế, thưa ông?

- Theo tôi, trong khi chờ đợi các dự án được duyệt, triển khai, muốn tháo gỡ những khó khăn, trước mắt, phải làm sao để sân Phan Đình Phùng được khởi công cũng như đầu tư “cái lõi” của Trung tâm Huấn luyện TPHCM (Phú Thọ) vì đã là đất sạch. Nên rót ngân sách vào chứ đừng suy nghĩ phải kêu gọi đầu tư, xã hội hóa nữa. Thủ tục thì rất khó khăn mà người sẵn sàng đầu tư chắc chắn phải thu hồi vốn, mà để thu hồi vốn thì có khi giành hết thời gian tập luyện của VĐV.

Song song đó, có những mặt bằng bỏ trống, không làm được gì hết do vướng quy hoạch, vướng thủ tục, nên có chủ trương là trước mắt, cho đầu tư ngắn hạn. Chúng ta làm mấy nhà tập bằng khung sườn thép tiền chế thôi, miễn bên trong có máy móc, thiết bị đàng hoàng, đúng chuẩn và hướng hoàn toàn cho tập luyện là được.

Còn về lâu dài, cần tập trung cho Trung tâm Rạch Chiếc và xem đó là định hướng ở phía đông. Bên cạnh đó, chúng ta còn nguyên khu tây bắc ở H.Củ Chi với hàng trăm héc-ta dự kiến làm safari. Tại sao không phát triển mô hình công viên thể thao kết hợp trung tâm huấn luyện quốc gia để cả VĐV chuyên nghiệp lẫn người dân đều có thể vào tập luyện. Mô hình này nước ngoài người ta làm hết rồi, ở đó, thể thao được xem là lĩnh vực hoạt động xã hội, có chỗ tập luyện chuyên nghiệp và có chỗ cho thể thao phong trào. Ở Trung tâm Huấn luyện TPHCM (Phú Thọ), tôi cũng đề nghị như thế, nên dành ra 6/40ha cho công viên, rồi nhà tập cho cả người dân cũng được vào.

Nói tóm lại, thể thao phải là một nét văn hóa, sản phẩm văn hóa đặc sắc của TPHCM khởi đi từ Năm văn hóa. Tại sao các nơi đều có ngân sách đầu tư mà mình thì cứ phải kêu gọi xã hội hóa? Chúng ta luôn ủng hộ việc ngân sách đầu tư 5.000-7.000 tỷ đồng cho một bệnh viện mới được xây dựng. Nhưng theo thống kê ở các nước phát triển, xây sân vận động nhiều có thể giảm tải cho bệnh viện. Ở tầm nhìn chiến lược, chúng ta thấy điều đó và nó chính là cái nhìn của Nghị quyết 08 năm 2011 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng để phát triển thể thao mạnh mẽ. Đầu tư vào thể thao là đầu tư cho con người, cho tương lai của đất nước. Nhưng từ khi nghị quyết ra đời đến nay, TPHCM vẫn chưa có gì.

* Xin cảm ơn ông. 

Huấn luyện viên Lư Đình Tuấn - Trợ lý Ban huấn luyện Đội tuyển Bóng đá Việt Nam: Hy vọng 5-10 năm tới, bóng đá TPHCM sẽ trở lại đỉnh cao

Dung quen the thao trong nam van hoa cua TPHCM

Huấn luyện viên Lư Đình Tuấn

 

Có lẽ đa số phụ huynh ở TPHCM muốn các em đầu tư con đường học vấn nhiều hơn là thành tích thể thao. Lối suy nghĩ rằng bóng đá bấp bênh, chưa chắc tập luyện mà có thể thành cầu thủ chuyên nghiệp vẫn nặng nề, nhất là ở các đô thị lớn, có quá nhiều chọn lựa khác rất tốt cho người trẻ.

Tuy nhiên, hiện tại, với bóng đá nam, nếu phấn đấu chơi được ở giải hạng nhất hoặc V-League, các em đều có thể sống được từ đồng lương chơi bóng của mình. Bóng đá đỉnh cao của TPHCM đang trở lại là điều đáng mừng với hai CLB TPHCM và Sài Gòn, dù còn ít cầu thủ xuất sắc và khó so với những năm 1990.

Có giai đoạn, chúng ta đi xuống khi bóng đá phát triển lên chuyên nghiệp, một số đội bóng nhà nước phải giải thể. Ở phía Bắc, việc đầu tư tốt hơn, nhờ đó có những lứa cầu thủ được đào tạo tốt hơn.

Trong khoảng 9 năm, chúng ta không có đội bóng chơi ở V-League. Mãi đến năm 2016, CLB TPHCM trở lại và mới đây có thêm CLB Sài Gòn. Sắp tới, với các lứa đang trưởng thành từ lò đào tạo tốt như Học viện Lyon, NutiFood, Juventus, tôi hy vọng khoảng 5-10 năm nữa, TPHCM sẽ có những cầu thủ đủ sức cạnh tranh sòng phẳng ở V-League cũng như các suất ở đội tuyển quốc gia.
  

Hồng Hạnh (ghi)

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI