Đừng quên soi tâm lý con trẻ

12/03/2018 - 08:41

PNO - Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm có 3.000 đến 4.000 vụ bạo lực trẻ em.

Những con số đáng báo động này càng gây nhức nhối khi thực tế người lớn là cha mẹ, thầy cô, các nhà tâm lý đã không phát hiện và đồng hành, nâng đỡ kịp thời, hiệu quả.

Tại hội thảo “Thực trạng và nhu cầu sử dụng chuyên viên tâm lý” do Trường đại học Văn Lang tổ chức ngày 10/3, bác sĩ Bùi Xuân Mạnh - khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, năm 2016, khoa tiếp nhận 10.717 lượt; năm 2017 tăng lên gần 13.000 lượt trẻ em đến khám và điều trị về khó khăn trong học tập, chậm nói, rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, trầm cảm, lo âu.

Năm nào cũng vậy, trẻ dưới 6 tuổi chiếm hơn 80%. Với gánh nặng cơm áo, nhiều phụ huynh lơ là chăm sóc, gần gũi, bồi đắp đời sống tinh thần cho con, nhất là đối với trẻ lớn.

Dung quen soi tam ly con tre
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang báo cáo tại hội thảo

Khảo sát “bỏ túi” của tiến sĩ Võ Thị Tường Vy - Phó khoa Tâm lý học Trường đại học Sư Phạm TP.HCM) đưa ra những con số đáng giật mình về sự cần thiết hỗ trợ tâm lý cho các em. Có đến 71,1% cho rằng, học sinh cần tham vấn liên quan đến mối quan hệ bạn bè; 68,9% liên quan đến học tập; 62,2% liên quan đến mối quan hệ với gia đình...

Độ tuổi càng lớn thì nội dung cần tham vấn càng được mở rộng. Tham vấn về giới tính, hình ảnh bản thân, tình yêu, hướng nghiệp… đa số rơi vào học sinh THCS và THPT. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn quan niệm con đã lớn thì không cần theo sát, có vấn đề gì, con sẽ tự tìm đến cha mẹ. 

Không kịp thời soi những bất ổn tâm lý nơi con cái và đưa đến nhà tâm lý trị liệu sẽ dẫn đến nhiều bi kịch đáng tiếc. “Cả năm sau khi con tôi uống thuốc tự tử, tôi mới đặt câu hỏi phải chăng con mình đã mắc các chứng rối loạn tâm lý?

Nó cứ kêu buồn chán, cứ cúp học đi rong, vào lớp thì bất hợp tác với cô, gây gổ với bạn bè. Vợ chồng tôi và thầy cô cứ bảo nó hỗn, hư hỏng, chống đối… Phải chi tôi đưa nó đi khám, trị bệnh thì nó đã vượt qua” - bà mẹ Nguyễn Thị X. rơm rớm, nói.

Dung quen soi tam ly con tre
 

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM - đưa ra các dấu hiệu giúp nhận diện trẻ đang bị bạo hành: trẻ bị bạo hành về thể chất có thể có các biểu hiện bất thường về hành vi không rõ lý do: đột ngột có các thay đổi về hành vi; trẻ quấy khóc, la hét, ngủ không ngon giấc; ở trẻ lớn, kết quả học tập sa sút; tính tình trở nên hung hăng hoặc thu mình lại; có thái độ cảnh giác khi tiếp xúc với người lớn; gắn kết dễ dàng với người lạ nhưng lại sợ cha mẹ hay sợ bảo mẫu; có nhiều chấn thương không giải thích được nguyên do… 

Tổn thương về mặt tinh thần càng không dễ nhận biết. Thông thường, trẻ có thể hoảng sợ, ngủ không ngon giấc, sợ đi học, bị rối loạn tâm lý và cảm xúc… Từ đó, trẻ lúc nào cũng sợ sệt và thu mình lại.

“Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị bạo hành, cha mẹ nên tách trẻ khỏi tình huống, sự kiện gây khủng hoảng càng sớm càng tốt. Cần kiểm tra xem trẻ có bị tổn hại gì về mặt cơ thể hay không. Đưa trẻ đến thăm khám với những nhà chuyên môn. Tuyệt đối không được la mắng hoặc ép trẻ tiếp tục làm những việc mà trẻ sợ hãi.

Người nhà, bè bạn, thầy cô, xã hội cần tránh nhắc lại hay vô tình “làm mới” ký ức đau buồn của trẻ. Người thân nên ở bên cạnh để giúp trẻ cảm thấy không bơ vơ, đơn độc đối phó với sang chấn. Nên đưa trẻ đi du lịch, giải trí, nghe nhạc vui tươi, tập thể dục thích hợp để giúp trẻ nguôi dần nỗi sợ hãi. Nên cố gắng giúp trẻ duy trì nền nếp sinh hoạt như cũ”, ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang khuyến cáo. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI