Đừng quên ông bà

10/03/2023 - 10:33

PNO - Bây giờ, tôi thích nghe ông bà kể về cuộc đời của chính họ, kể chuyện ngày xưa, thích nghe những niềm tin, suy nghĩ của họ. Trước đây thì khác.

Ngày mới đi học xa nhà, tôi hay gọi điện về cho ba mẹ, nhưng ông bà thì lâu lắm tôi mới gọi 1 lần. Khi đi làm, tháng lương đầu tiên, tôi gọi về cho bà ngoại, khoe với bà rằng cháu sẽ tiết kiệm, để gửi về cho mẹ. Bà chỉ cười bảo: “Ừ thì cứ làm tốt rồi giữ gìn sức khỏe trước đã, có để được thêm thì hẵng gửi về cho mẹ”. 

Trước đây, tôi không mấy hứng thú khi nói chuyện với người lớn tuổi; bởi cái nông nổi của tuổi mới lớn, còn ham chơi, thích thể hiện và cảm thấy nhàm chán với những lời răn dạy của ông bà. Nhưng giờ thì khác, tôi thích nghe ông bà kể về cuộc đời của chính họ, kể chuyện ngày xưa, thích nghe những niềm tin, suy nghĩ của họ.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Tôi gọi cho ông bà ngoại, bà sẽ nói thật nhanh một vòng cập nhật về ông bà, về mỗi gia đình con cháu, có gì mới, có gì vui hay không vui, rồi chẳng đợi tôi hỏi bà nói luôn: “Rứa thôi nhá” (giọng địa phương, nghĩa là “Thế thôi nhé”) vì sợ nói lâu cháu sẽ tốn tiền.

Khi trò chuyện với bà nội, tôi sẽ được nghe những câu chuyện về tình cảm gia đình, tình anh em, về cách sống, về cuộc đời của bà, rồi nhắn nhủ gửi đồ ăn cho chúng tôi. Mỗi lần gọi về, nghe giọng ấm ấm đều đều của ông bà, tôi lại cảm thấy những khó khăn hay trở ngại hiện tại của bản thân chẳng đáng gì so với thời ông bà ngày xưa. Nhưng chắc lắm khi, gác máy, ông bà lại nặng lòng vì thương, vì nhớ, vì những lo lắng cho con cháu.

Có lần, tôi gọi về cho ông ngoại, ông vì bệnh xương khớp nên  không đi lại được nhiều, chủ yếu quanh quẩn trong nhà hay ra đầu hè hóng gió. Ông bảo cả ngày chỉ có 2 ông bà, mấy người con cũng bận rộn nên chỉ ghé thăm thoáng chốc, nhiều khi nghĩ cũng buồn.

Ông bà có 6 người con, nửa trong Nam, nửa ngoài Bắc, ngày hè hoặc tết là ngày đông đủ nhất, nhưng con cháu về cũng được vài ngày rồi đi. Những người con nông thôn như chúng tôi, lớn lên, rồi rời xa quê hương, đến các thành phố lớn, các tỉnh khác để học tập, làm ăn và sinh sống.

Cuộc sống cứ vội vã như thế, bộn bề như thế, đều đều như thế, bẵng đi cái, 1 năm lại trôi qua, ông bà ở quê mong con cháu về chơi vui vầy, nhưng cũng có khi không ai về được. Dẫu bây giờ đi lại bằng máy bay đã nhanh hơn rất nhiều, dẫu cuộc sống cũng bớt vất vả hơn nhiều, nhưng đâu phải cứ muốn về là về được.

Ông bà vẫn thường động viên con cháu: “Về cũng thế, không về cũng thế; về làm gì tốn kém, đi lại vất vả thêm. Thôi, có điện thoại gọi mạng rồi thì khi nào sắp xếp được hẵng về sau cũng được”.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Thi thoảng tôi cũng gửi về quê biếu ông bà chút quà. Bà ngoại bảo: “Không phải gửi cho ông bà đâu, có cậu dì lo rồi, cháu cứ mạnh khỏe, rồi tết lại về nhé”. “Ôi còn ông bà là bọn cháu may mắn rồi bà ạ, bà cứ yên tâm” - tôi đáp. Bà cười “ừ”, rồi bảo người già như cây rụng về cội, bên con cháu được ngày nào biết ngày đó, tuổi già với những cơn đau khi trái gió trở trời, rồi ốm yếu, chỉ vui khi con cháu về thăm.

Nghe đến đây tôi không khỏi thấy buồn, cũng không dám nghĩ đến, nhưng tôi cũng hiểu đó là quy luật cuộc sống, không ai tránh được, cũng không cầu được. Có điều tôi luôn tự nhủ, khi còn được nói chuyện, còn được gặp gỡ, được quan tâm những người ta yêu, hãy cứ yêu thương, hãy cứ trò chuyện, hãy cứ lui tới thường xuyên; để khi xa rồi nhìn lại, ta không hối tiếc vì đã từng “quên mất” ông bà của mình, để những lời muốn nói sẽ đến được với người cần nghe thay vì cứ mãi là “điều chưa nói”. 

Nguyễn Huyền
 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI