Diễn đàn “Để thành phố khỏe lại”

Đừng quên lao động nhập cư

24/09/2021 - 07:18

PNO - Chúng ta sẽ không bị xảy ra tình trạng “nước chảy vào chỗ trũng” (nhiều đoàn thể, tổ chức cùng chăm lo cho một số đơn vị, địa phương nào đó), hoặc bỏ sót những số phận đáng được chăm lo như đã từng xảy ra trong hiện tại.

Thành phố mở cửa, trạng thái “bình thường mới” sẽ là niềm vui với nhiều người dân. Tuy nhiên, để chuẩn bị đón nhận nó, không chỉ là việc tiêm đủ vắc xin cho toàn dân, chăm lo y tế tốt cho những bệnh nhân COVID-19 mà cần có chính sách đồng bộ trong vấn đề an sinh xã hội, trong đó có việc quan tâm, chăm lo cho lực lượng lao động nhập cư, là điều vô cùng cần thiết, bởi chính họ đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của thành phố. 

Lực lượng quân đội hỗ trợ dỡ hàng và vận chuyển đến các kho an sinh của Trung tâm An sinh TPHCM - Ảnh: Thu Duyên
Lực lượng quân đội hỗ trợ dỡ hàng và vận chuyển đến các kho an sinh của Trung tâm An sinh TPHCM - Ảnh: Thu Duyên

Lực lượng lao động trực tiếp sản xuất của thành phố rất đông đảo, trong đó đa phần là người đến từ các tỉnh thành. Họ sống trong các khu trọ chật hẹp, thiếu nhiều điều kiện sinh hoạt và hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần.

Từ trước đến nay chúng ta đã cố gắng chăm lo cho họ bằng nhiều cách, nhưng thường theo dịp (lễ, tết, ngày kỷ niệm…) chứ chưa thành việc làm thường xuyên. Chỉ riêng việc khám phụ khoa định kỳ cho lao động nữ chúng ta cũng làm theo đợt, mỗi lần mỗi nơi vài trăm chị em. Trong khi điều 21, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động.

Đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất sáu tháng một lần.

Và với quy định này, nhiều doanh nghiệp đã không tuân thủ, như những vụ việc đã từng xảy ra (trốn chăm lo thăm khám sức khỏe cho người lao động, trốn đóng bảo hiểm xã hội…).

Địa phương nào hoạt động đoàn thể tốt thì đón nhận hết đoàn y, bác sĩ này đến tổ chức thiện nguyện khác đến chăm lo. Nhưng những nơi làm chưa tốt thì người lao động không được quan tâm… Chính vì vậy mới xảy ra chuyện khi được thăm khám thì có người bệnh đã quá nặng.

Việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động chỉ là một ví dụ nhỏ trong việc chăm lo chưa đồng bộ, chưa sâu sát với lực lượng lao động nhập cư. Thiết nghĩ, sau dịch, khi họ trở lại thành phố làm việc, cần nhiều lắm các chính sách về chỗ lưu trú, việc làm, điều kiện ăn học cho con em…

Chúng ta có rất nhiều văn bản luật và dưới luật làm căn cứ để chăm lo cho các đối tượng này, nhưng việc chăm lo trên thực tế đang thiếu đi sự điều tiết tổng thể, khiến một số hoàn cảnh vô tình đã bị “bỏ quên” dù chúng ta có quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đơn cử là gói “an sinh xã hội” trợ cấp cho người lao động mất việc được triển khai ba đợt nhưng vẫn có người chưa tiếp cận được. Trẻ mồ côi cha, mẹ và người nuôi dưỡng trực tiếp đến nay cũng chưa được thống kê đầy đủ. 

Dịch bệnh là bất khả kháng và các địa phương vẫn đang nỗ lực điều chỉnh những thiếu sót, chệch choạc, nhưng tôi tin, nếu có “đầu tàu” điều hành nhịp nhàng việc phối hợp chăm lo cho người dân khi thành phố bình thường trở lại thì không chỉ người lao động nhập cư mà các trẻ mồ côi, người già neo đơn bị ảnh hưởng vì dịch bệnh… cũng sẽ được chăm lo thường xuyên, chu đáo.

Chúng ta sẽ không bị xảy ra tình trạng “nước chảy vào chỗ trũng” (nhiều đoàn thể, tổ chức cùng chăm lo cho một số đơn vị, địa phương nào đó), hoặc bỏ sót những số phận đáng được chăm lo như đã từng xảy ra.
 

Ngọc Trúc

(Quận 12, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI