Đừng quanh co nữa!

15/03/2019 - 06:18

PNO - Thời nay, muốn nổi tiếng người ta phải làm sự kiện, phải đăng đàn tuyên bố, thậm chí phải tạo xì-căng-đan. Việc một cô giáo bình thường bỗng nhiên trở nên “nổi tiếng vì im lặng” làm bàn dân thiên hạ bất ngờ lắm.

Bất ngờ vì đã chọn cái nghiệp đi dạy học, dùng tiếng nói để giảng bài, mà cô giáo ấy bốn tháng trời chỉ ghi bài lên bảng không thèm nói tiếng nào với học sinh; bất ngờ hơn nữa vì sau khi vụ việc ầm ĩ lên, cổ nhận kỷ luật (cũng chuyển đi đâu đó loanh quanh trong trường thôi), rồi nhanh chóng quay lại bục giảng, và tiếp tục kiểu hành xử như thế: không giảng lại bài khi học sinh hỏi, ném vở học trò xuống đất, ném bài kiểm tra…

Bất ngờ nữa khi chuyện được phản ánh, ông hiệu trưởng trường sở tại nói: việc “không đến mức độ nghiêm trọng” như vậy. Nhớ dòng nước mắt của cô học trò nhỏ khi phải kể lại câu chuyện “cô lên lớp không giảng bài” ở một không gian lạ lẫm, để mong rằng câu chuyện sẽ không bị bưng bít trong bốn bức tường của lớp, để mong có gì thay đổi trong môi trường học tập của mình.

Dung quanh co nua!
Ông Bùi Minh Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM)

Chẳng biết việc phải đến chừng nào mới nghiêm trọng. Những bức tường của lớp học thường vẫn trông mỏng mảnh, thoáng tầm nhìn, không ngờ lại có thể dày đến thế, đến mức có thể bóp nghẹt những tiếng nói phản ánh của học trò, đến mức có thể khiến người ta tưởng rằng đứng trên bục giảng mình có thể làm gì cũng được.

Một trường phổ thông trung học không đông đến mức không theo sát được việc dạy học trên lớp, giáo viên cũng không quá nhiều, và trường hợp cô giáo kể trên là trường hợp chắc chắn đáng lưu ý, xin quý vị quan chức quản lý nhà trường đừng quanh co theo kiểu “đang xác minh vụ việc” nữa.

Vụ việc đã được xác minh bằng cả một quá trình rồi. Và nhà trường cũng không phải là một pháo đài để che chắn cho một ai đó.

Cả xã hội đang quan tâm đến giáo dục, trường học - nơi những đứa trẻ đến để học làm người - đang được kỳ vọng có những thay đổi để trở nên thân thiện hơn, tích cực hơn, cởi mở hơn. Càng quanh co, người ta càng thấy chuyện bất thường, đến mức phi lý.

Một bản án kỷ luật không phải là liều thuốc tiên thay đổi được bản chất của một con người. Đừng nghĩ kỷ luật xong người ta tự nhiên sẽ thay đổi, sẽ tốt ngay lên. Mặt khác, chuyện “đã xử lý kỷ luật rồi” là chuyện rất khác với việc đã đánh giá xem giáo viên đó có khả năng tiếp tục giảng dạy trên lớp nữa hay không.

Cần phân biệt rõ bản chất câu chuyện: việc dạy học trên lớp giữa thầy và trò là câu chuyện giáo dục, không phải là chuyện quản lý giáo dục. Nếu người thầy không đủ năng lực sư phạm để đứng lớp, không có một hình thức quản lý xử lý nào có thể cứu vãn hay thay đổi được năng lực này, nếu cứ phân công người đó đứng lớp, sớm muộn không chuyện này rồi chuyện khác sẽ xảy ra thôi. Và thực tế đã xảy ra rồi.

Ngành trao cho ông chức danh hiệu trưởng, đứng đầu một trường, ông có bộ máy giúp việc hỗ trợ, để có thể đánh giá được năng lực sư phạm, đạo đức tư cách của giáo viên, để phân công giáo viên giảng dạy theo mục tiêu đào tạo của nhà trường. Bản kỷ luật không phải là thứ trưng ra trong bối cảnh này, có trưng ra để chứng minh cho việc gì đi nữa thì cũng chỉ là ngụy biện cho việc thiếu ý thức trách nhiệm của mình.

Còn nhớ cái thời mà ngành sư phạm còn hấp dẫn, người ta hay trích câu danh ngôn (có phần hơi cường điệu quá, nhưng không sai), rằng “một bác sĩ sai lầm giết chết một bệnh nhân, một người thầy sai lầm giết chết cả một thế hệ”.

Trong câu nói ấy có hàm ý rằng nghề dạy học là nghề không được sai lầm, sai lầm của người thầy dẫn đến hậu quả nghiêm trọng lắm. Vậy mà nay, sao nỡ để sai lầm ấy tái diễn mãi trên đầu những thế hệ học trò?

Dung quanh co nua!
Trần Thị Minh Châu - giáo viên môn toán Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM)

Chuyện “có hay không” bây giờ đã không còn quan trọng bằng chuyện sẽ sửa đổi theo hướng nào. Ngành giáo dục, từ trung học đến cao đẳng, đại học, đang kêu gọi “lấy học sinh làm trung tâm” của quá trình dạy học.

Vậy, khi nhân vật trung tâm ấy lên tiếng, rằng chúng con bị ngược đãi, chúng con bị dằn hắt, chúng con bị ném bài vở xuống đất, thì những người lớn đang thực thi trách nhiệm dạy học ấy sẽ làm gì? Thay đổi không? Hay là vẫn giữ học sinh làm mẫu thí nghiệm “để người ta phấn đấu?”.

Câu chuyện khó tin, nhưng đã xảy ra trong đời thực. Bao nhiêu tiếng nói đã cất lên, nhưng cách giải quyết vẫn đang nhùng nhằng, quanh co.

Trong khi đó, học kỳ hai đã đi hơn nửa chương trình, năm học sắp hết rồi. Chẳng biết mai này rồi chuyện có chìm xuồng, một lớp 11A1 nào đó sẽ tiếp tục chịu đựng những giờ học ức chế, dằn hắt, mà không dám nói, vì có nói rồi chuyện cũng đâu vào đó mà thôi?

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI