Đừng quản chồng như quản... 'tội phạm'

02/01/2019 - 15:00

PNO - Chồng sa ngã, thiên hạ bàn tán rùm beng, còn vợ vẫn hồn nhiên, vô tư thần tượng bạn đời “không tì vết”. Ngược lại, có những người đàn ông được đánh giá khá “ngoan”, nhưng vợ nhà lại đe nẹt, theo dõi, hỏi cung như “tội phạm”.

Cuộc trao đổi của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM với tiến sĩ Trần Thị Hương (Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân) hy vọng đem đến cho chị em một “chiến thuật” từ trái tim.

Dung quan chong nhu quan... 'toi pham'
 

Phóng viên: Để giữ chồng không rơi vào “tứ đổ tường” - nguyên nhân chính khiến gia đình bật gốc, nhiều bà vợ chọn ghen, “dằn mặt” trước để phòng hờ, sợ “để lún sâu rồi thì còn ngăn gì được nữa”. Liệu chiêu lo xa này có giảm nguy cơ không, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Trần Thị Hương: Người vợ đa nghi luôn có cảm giác không an toàn về hạnh phúc gia đình. Để bảo vệ hạnh phúc mà họ luôn cảm thấy “nguy cơ” đổ vỡ, nhiều chị em chọn cách “thà nhầm hơn bỏ sót” - có những lời nói, hành động vô cớ hoặc vượt quá mức cần thiết để “phủ đầu” chồng. Nếu những lời nói và hành động này lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ khiến người chồng khó chịu, mệt mỏi; không khí gia đình sẽ nặng nề, căng thẳng; người chồng không muốn về nhà, không muốn gặp vợ… có khuynh hướng tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, chơi bời cho quên và có thể sa ngã lúc nào không hay. Như vậy, chính kiểu hành xử hồ đồ, nông nổi của người vợ  mới là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ.

* Để đồng hành trên đường đời, người vợ cần biết những vấn đề chồng đang đối mặt, nhưng chồng lại cố giấu. Có cách nào để công phá “chiếc hộp đen” ấy?

- Cuộc sống có những lúc, vì lý do khách quan hay chủ quan mà người chồng phải đối mặt với nhiều vấn đề. Khi đó, họ rất cần sự động viên, sẻ chia và giúp đỡ của người thân, bạn bè, đặc biệt là người bạn đời. Nhưng cũng có những người chồng lại không muốn cho vợ biết các vấn đề đang gặp phải, cố giấu đi. 

Chúng ta biết, con người, dù vui hay buồn đều biểu hiện ra bên ngoài thông qua lời nói, cử chỉ, hành động và những biểu hiện tâm lý. Nếu chồng có “vấn đề”, những biểu hiện ấy sẽ khác với thường ngày. Dù người chồng có khéo giấu, một lúc nào đó, một nơi nào đó, “vấn đề” vẫn sẽ biểu hiện ra. Họ giấu vợ nhưng có thể chia sẻ với bạn bè, anh em, đồng nghiệp. Vậy nên, thông qua các mối quan hệ của chồng, người vợ cũng có thể khéo léo tìm hiểu và biết được “vấn đề” của chồng.

Khi đã biết vấn đề của chồng, ta cần tìm hiểu rõ vấn đề đó, xem vì sao chồng mình lại phải giấu mình. Có thể họ giấu vợ vì nói ra sợ vợ không thông cảm, sẽ coi thường mình; nói ra không giải quyết được vấn đề mà có thể khiến vấn đề phức tạp hơn… Với tâm trạng đó, có thể họ sẽ tìm đến các cuộc nhậu hoặc sa vào tệ nạn xã hội để tìm niềm vui, để giải tỏa tâm trạng... Trong trường hợp này, sự quan tâm, gần gũi, động viên, an ủi của người vợ có vai trò rất quan trọng, tạo cho người chồng cảm giác yên tâm, tin tưởng, rằng vợ có thể giúp mình, có thể cùng mình giải quyết vấn đề hoặc có thể cho mình một lời khuyên hay chí ít cũng có thể lắng nghe mình chia sẻ. 

Tệ hơn, người chồng giấu vợ vì muốn tiếp tục làm những điều sai trái, như tiếp tục ngoại tình, đánh bạc, chơi ma túy… Khi đó, đồng hành cùng chồng sẽ khó khăn hơn rất nhiều và đòi hỏi nơi người vợ một tấm lòng thật sự bao dung, một sự quan tâm hết sức tinh tế.

Hiện nay, với sự phổ biến của mạng xã hội, chúng ta thấy không ít chị em, khi chồng có vấn đề, liền lên mạng kể tội chồng, để thiên hạ biết tật xấu của chồng, để nhận được những lời động viên, chia sẻ của cộng đồng mạng và thậm chí để… cho bõ ghét. Cũng phải thừa nhận, khi đó, người vợ sẽ được động viên, được nghe những lời đồng tình về cách xử sự. Tuy nhiên, sau cảm nhận “xả được sự bực tức”, “cho bõ ghét” ấy, hạnh phúc gia đình sẽ như thế nào? Chắc chắn sẽ tồi tệ hơn.

Khi xảy ra vấn đề, vợ chồng nên "đóng cửa bảo nhau", cùng ngồi lại bình tĩnh để giải quyết. Nút thắt ở đâu, ta gỡ ở đó. Lúc này, sự bao dung, chân thành của người vợ có vai trò rất quan trọng, vì người chồng đang trong trạng thái “say”, thậm chí là mê muội. Người vợ hãy suy nghĩ lại những sự việc đã xảy ra, điều gì đã khiến chồng mình sa ngã như vậy. Tìm được nguyên nhân thì mới giải quyết được vấn đề.

Dung quan chong nhu quan... 'toi pham'
 

* Tiến sĩ đề cao sự “đóng cửa bảo nhau”, nhưng vẫn khuyến cáo người vợ thu thập thông tin về chồng mình từ người ngoài, liệu có mâu thuẫn?

- Như đã nói, để đồng hành cùng chồng, người vợ phải biết được chồng đang gặp chuyện gì và để biết được điều đó thì ngoài sự quan tâm, sự tinh tế của người vợ, cũng cần phải thông qua bạn bè, đồng nghiệp của chồng. “Thu thập thông tin về chồng từ những người ngoài” là để có cơ sở giúp cho cách giải quyết “đóng cửa bảo nhau” đạt hiệu quả, chứ không phải là đối nghịch.

Khi bản thân người trong cuộc không tự giải quyết được, người vợ không thể giúp chồng quay về thì cũng cần phải có sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, những người “có tiếng nói” với chồng, để khuyên chồng mình từ bỏ những cám dỗ, sa ngã, để quay về với gia đình. “Đóng cửa bảo nhau” là giải pháp đầu tiên, không phải là giải pháp 
duy nhất.

* Tạm mượn chữ “điều tra” để gọi hành trình người vợ tìm hiểu và giúp đỡ chồng vượt qua khó khăn, cạm bẫy thì nghiệp vụ điều tra này có những chiến thuật và những cấm kỵ gì, thưa tiến sĩ?

- Chiến thuật là cách thức để phát hiện vấn đề và cách thức để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất. Biết là vậy, nhưng sử dụng chiến thuật đó như thế nào trong từng thời điểm, trong từng hoàn cảnh không hề đơn giản. Đôi điều tôi muốn gửi tới chị em là: quyết tâm, nhưng phải luôn bình tĩnh, thu thập thông tin từ nhiều phía và với những thông tin đó, cần xâu chuỗi lại để phân tích một cách khách quan. Khi đã có được những thông tin chính xác nhất, một lần nữa, chị em vẫn phải bình tĩnh để suy nghĩ sẽ giải quyết như thế nào, làm thế nào giúp chồng mình có thể nhận ra được cái sai của bản thân, thoát khỏi mê muội để quay về với gia đình.

Thực tế cho thấy, không ít chị em, khi nghe (mới nghe thôi, chưa biết đúng sai, thực hư và ở mức độ nào) thấy chồng có bồ, đã nhảy dựng lên, thậm chí quyết đánh ghen. Với cách hành xử như vậy, hiệu quả ngay tức thì có thể có, nhưng sẽ không triệt để, nguy cơ vẫn âm ỉ và vẫn có thể bùng phát bất kỳ lúc nào; bởi vì người chồng chưa nhận ra được cái sai của mình và trong mắt họ, người vợ quả nhiên “mất điểm”. Mặt khác, với hành vi đánh ghen, người vợ đã vi phạm pháp luật, thậm chí có trường hợp vi phạm luật hình sự, hạnh phúc gia đình cũng không cứu vãn được.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Dù lựa chọn cách nào, trước tiên, người vợ hãy nên giúp chồng quay về, bằng tình yêu chân thành, sự bao dung, sự dịu dàng và chu toàn của người vợ; bằng không khí gia đình êm ấm, vui vẻ với những bữa ăn ngon, con cái ngoan ngoãn. Có câu: “Ai cũng có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để về. Đó là nhà”. Nhà là nơi cho ta cảm giác bình yên, vui vẻ và hạnh phúc.

* Xin cảm ơn tiến sĩ. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI