PNO - Trước thềm kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 sắp tới, các chuyên gia dự báo số ca COVID-19 sẽ tăng, hình thành một làn sóng dịch nhỏ sau kỳ nghỉ kéo dài. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch.
TPHCM vừa công bố phát hiện 3 biến thể phụ mới của Omicron là XBB.1.9.1, XBB.1.16, XBB.1.16.1, cùng với biến thể XBB.1.5 được ghi nhận trước đó. Theo Sở Y tế TPHCM, đây là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm hoặc biến thể cần được theo dõi. Trong đó, XBB.1.5 là một trong những biến thể phổ biến nhất xuất hiện tại 95 quốc gia, còn XBB.1.16 là biến thể góp phần vào làn sóng ca mắc tăng cao ở Ấn Độ.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân tuân thủ đeo khẩu trang - khử khuẩn nơi công cộng để bảo vệ sức khỏe và thể hiện trách nhiệm cộng đồng (trong ảnh: Người dân đeo khẩu trang trên phố đi bộ Hà Nội) - Ảnh: H.A.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Trường đại học Y Dược TPHCM - cho rằng sẽ có sự gia tăng về dịch nhưng không quá nhanh. Điển hình như biến thể phụ XBB.1.5 đã từng xuất hiện tại Mỹ từ tháng 1/2023 nhưng tới nay mới trở thành biến thể phổ biến nhất ở Mỹ và thế giới. Ông cũng cho rằng, một biến thể phụ phổ biến trên thế giới sẽ đáng để lưu tâm, cảnh giác hơn một biến thể phụ xuất hiện nhiều nhưng chỉ ở một quốc gia nào đó. Khi biến thể phụ xuất hiện thay thế biến thể cũ, dù không thay đổi quá nhiều nhưng cũng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể người hơn để gây bệnh và trở thành biến thể phổ biến lưu hành trong cộng đồng. Chính vì lý do này, COVID-19 trên thế giới hiện vẫn đang hình thành các làn sóng dịch, tăng rồi lại giảm chứ chưa thể kết thúc, biến mất.
Trong dịp nghỉ lễ dài tới đây, việc du lịch, giao lưu của người dân tăng, cộng với sự xuất hiện của biến thể mới - theo các chuyên gia - là điều kiện thuận lợi để COVID-19 lây lan. Ông Đỗ Văn Dũng nhận định: có thể có một làn sóng dịch nhỏ sau kỳ nghỉ này, tuy nhiên không quá lo ngại vì khó làm tăng cấp độ dịch. Hiện Việt Nam đang ở cấp độ 1 của dịch, là cấp độ nhẹ nhất, đảm bảo đời sống sinh hoạt bình thường. “XBB.1.5 hay XXB.1.16 dù mới nhưng đều là biến thể phụ của Omicron, tức những đặc tính không khác so với chủng Omicron khi mới xuất hiện. Có thể ví như một con vật bị thay đổi màu lông nhưng không thay đổi nanh vuốt. Nó khác hẳn với sự xuất hiện của Omicron so với Delta hay Delta so với chủng Alpha, Gamma trước đó” - chuyên gia này nhấn mạnh.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) - cũng cho rằng, số ca COVID-19 sẽ gia tăng sau dịp lễ nhưng để dịch bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch của TPHCM và miền Nam trước đây là không xảy ra. Nguyên nhân là biến thể phụ, dù lây lan nhanh, song vẫn là biến thể của chủng Omicron, chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng.
Không thực hiện 2K, biến thể nào cũng dễ lây lan
Theo ông Đỗ Văn Dũng, các thông tin về biến thể phụ, thực sự là mối quan tâm của ngành y tế nhưng với người dân thì cách phòng ngừa và điều trị vẫn giống nhau: “Chúng ta đã có nền tảng là vắc xin ngừa COVID-19. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, dù xuất hiện các biến thể mới song vắc xin vẫn phát huy hiệu quả trong việc làm giảm các ca bệnh nặng và tử vong. Vì vậy không nên quá lo lắng, để sợ hãi, không dám làm gì, ảnh hưởng tới đời sống, phát triển kinh tế - xã hội”.
Ông chỉ ra là cần phải “thích ứng an toàn” để chung sống với COVID-19 trong bối cảnh mới. Trong đó, những người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm bất kỳ mũi vắc xin nào là nhóm có nguy cơ cao, cần được tập trung bảo vệ. Mới đây, TPHCM đã kích hoạt chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ bằng hàng loạt biện pháp như cập nhật danh sách và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ, hỗ trợ người thuộc nhóm nguy cơ theo dõi sức khỏe và điều trị ngay khi phát hiện mắc COVID-19…
“Nói như vậy không có nghĩa những người trẻ chủ quan, lơ là. Việc mắc COVID-19 cũng gây ra những bất tiện, ảnh hưởng lớn trong lao động, sinh hoạt, sản xuất. Một công ty thậm chí có thể phải đóng cửa nếu như quá nhiều người mắc bệnh” - ông Đỗ Văn Dũng nói và nhấn mạnh cần tuân thủ 2K (khẩu trang, khử khuẩn) trong dịp nghỉ lễ. Bởi nếu không đeo khẩu trang, khử khuẩn thì dù có biến thể nào, khả năng lây nhiễm cũng gia tăng.
Ông Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cũng khuyến cáo, để phòng, chống dịch trong dịp nghỉ lễ sắp tới, người dân cần đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc; khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm phòng vắc xin COVID-19 đúng lịch, đủ liều. Đồng thời, người dân cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo của chính quyền, cơ quan y tế địa phương trong việc phòng, chống dịch.
Hiện các bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2 vẫn phải khai báo y tế, cách ly tại nhà 7 ngày sau đó test lại. Các chuyên gia mong người dân tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này để kiểm soát tốt dịch bệnh.
Có cần tiêm ngừa lại vắc xin COVID-19 để phòng bệnh?
Với sự xuất hiện của biến chủng mới, nguy cơ lây nhiễm cao, nhiều người dân băn khoăn về việc liệu có nên tiêm nhắc lại COVID-19 để tăng kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2? Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ, bác sĩ Ngũ Duy Nghĩa (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) cho biết người dân nên tiêm đầy đủ các mũi vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Cụ thể, nhóm không có nguy cơ (người trẻ, không có bệnh nền) nên tiêm 3 mũi vắc xin. Nhóm có nguy cơ (người già, có bệnh nền) tiêm đủ 4 mũi. Khi đã tiêm đủ vắc xin như khuyến cáo thì không cần thiết tiêm nhắc lại do cơ thể đã có miễn dịch để ngăn ngừa bệnh trở nặng và giảm nguy cơ nhập viện.
Nhằm gắn kết tình thân, từ ngày 13/1 - 3/2/2025, FPT Long Châu đồng hành mang những phần quà ý nghĩa từ “combo hiếu thảo” trao gửi đến cha mẹ, ông bà...