Đừng quá lo cho con!

20/01/2018 - 16:30

PNO - Vợ chồng chị chưa từng để con đi đâu mà không có mình. Cậu con trai 18 tuổi, to dềnh dàng mà nhút nhát như con gái; ngô nghê, vụng về trong cử chỉ, ngôn ngữ, sinh hoạt như trẻ mẫu giáo.

Lần đầu tiên con trai lớn tham gia ngoại khóa ba ngày hai đêm với trường. Đắn đo mãi, tôi quyết định cho con đi, nhưng lòng không khỏi âu lo. Suốt 14 năm, con chưa từng rời khỏi tầm mắt của mình.

Giờ, tôi nghĩ đến những lúc con mải mê ngắm cảnh ngắm người, quên giờ tập trung; nghĩ đến những bất trắc trên quãng đường mấy trăm cây số; những rủi ro khi con cao hứng giỡn với bạn bè…

Đưa con đến trường khi trời hãy còn tờ mờ, tôi còn cố dặn: “Đi đứng cẩn thận, nhớ lời mẹ dặn nghe con”. Con trai nói nhỏ, như sợ bạn bè nghe thấy, nhưng giọng rất rõ ràng: “Mẹ đừng quá lo cho con có được không?”.

Dung qua lo cho con!
Ảnh minh họa

Tôi ngỡ ngàng, giật mình nhận ra con đã lớn, giật mình trước lời nhắc nhở của con. Phải chăng yêu con thôi chưa đủ, còn cần biết lúc nào nắm lúc nào buông, để cho con được thỏa sức bay, trải nghiệm và học hỏi, dù có thể va vấp đâu đó?

Tôi nhớ đến chị đồng nghiệp cũ. Mỗi lần chị đưa con đi học hay sinh nhật bạn bè đều không tránh được cái nhìn tò mò, ái ngại của mọi người. Chị nhỏ xíu - cao chưa đầy 1m5, trong khi con chị cao hơn 1m8. Chị chăm con như chăm trẻ nhỏ: con ăn cá, chị sợ con mắc xương; con quên uống sữa, sợ mất sức; con tập đi xe đạp, chị sợ con té ngã... Đến nỗi cậu con trai học đến lớp 12 vẫn chưa đi được xe đạp, nặng gần 100kg.

Vợ chồng chị chưa từng để con đi đâu mà không có mình. Cậu con trai 18 tuổi, to dềnh dàng mà nhút nhát như con gái; ngô nghê, vụng về trong cử chỉ, ngôn ngữ, sinh hoạt như trẻ mẫu giáo. Khi con ôn thi tốt nghiệp trung học, chị xin nghỉ phép, thức đêm bơ phờ để chăm con. “Nó khờ lắm, anh chị không lo không được” - chị nói.

Tôi muốn khuyên chị thả dần con ra, để cháu học cách tự lập, nhưng đành im lặng, vẫn mong chị hiểu rằng, con sẽ không thể trưởng thành nếu chị cứ mãi nắm tay con theo cách ấy. Hãy để con tự bước đi và đứng phía sau đỡ nếu con vấp ngã. Cái u đầu mẻ trán, trầy xước rỉ máu, phải để con tự cảm nhận lấy.

Bẵng bốn năm không liên lạc, mới đây, có dịp gặp chị đi bên chàng trai rắn rỏi, mạnh mẽ, cười nói dạn dĩ, tôi sững sờ. Chị kể em gái chị từ nước ngoài về đã mắng chị một trận như tát nước vào mặt. Chị tỉnh cả người, quyết định cho con qua Singapore du học. Những tháng đầu, anh đích thân bay sang chỉ dạy cho con.

Bốn năm sau, con anh chị như thành một người khác, đến nỗi dù tôi biết cháu từ khi cháu còn đi lẫm chẫm mà tôi còn không nhận ra. Giờ cháu đã đi làm, có bạn gái và chuẩn bị học lên thạc sĩ. Nhìn nụ cười nhẹ nhõm, vui tươi của chị, tôi cũng hạnh phúc lây.

Làm cha làm mẹ không đơn giản là bản năng. Sinh ra một đứa con, chúng ta cần học - học mỗi ngày theo bước trưởng thành của con.

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI