Từ sóng truyền hình đến đầu tư thực hãy còn xa
Shark Tank là một chương trình truyền hình thực tế về đầu tư khởi nghiệp, mục đích kết nối giới đầu tư mạo hiểm (Shark) với những công ty khởi nghiệp (startup). Trên thế giới, Shark Tank đang được giới doanh nhân và khởi nghiệp đánh giá là con đường nhanh nhất để các startup thực hiện hóa giấc mơ gọi vốn khởi nghiệp. Các startup sẽ tiến hành gọi vốn và đối thoại trực tiếp cùng các nhà đầu tư.
Song, thỏa thuận được thiết lập trong chương trình Shark Tank không giống như những gì diễn ra trên sóng truyền hình. Tờ Forbes từng tiến hành điều tra chương trình truyền hình nổi tiếng của đài ABC Shark Tank và đưa ra kết luận gây sốc: những thỏa thuận trên sóng truyền hình bị thay đổi hoặc thậm chí hủy bỏ sau đó.
|
Các nhà đầu tư chính trong chương trình "Thương vụ bạc tỷ". |
Cụ thể, tờ Forbes đã tìm hiểu 319 doanh nghiệp nhận được quyết định đầu tư trong 7 mùa đầu của Shark Tank. Tuy nhiên, khi tiếp cận tới 237 chủ sở hữu của các doanh nghiệp này thì họ phát hiện ra rằng 73% (khoảng 3/4) trong số đó không nhận được cam kết đầu tư chính xác như diễn ra trên sóng truyền hình.
Dẫu vậy những thỏa thuận phức tạp hoặc thậm chí bị chấm dứt không ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp tham gia chương trình. Thậm chí với nhiều người tham gia mà tờ Forbes tiếp cận, việc được xuất hiện trên sóng truyền hình thậm chí còn đáng giá hơn cả vấn đề thỏa thuận có được thiết lập hay không.
Tại Việt Nam, Shark Tank vừa bước vào mùa thứ 2. Nhưng một số thương vụ bạc tỷ mà startup được nhà đầu tư gật đầu trong mùa đầu tiên hiện còn “lửng lơ con cá vàng”, chưa biết kết quả có đạt được thỏa thuận và đồng ý giải ngân của nhà đầu tư hay không.
Thống kê cho thấy, trong 48 thương vụ phát sóng của Shark Tank mùa đầu tiên, có 22 thương vụ được cam kết đầu tư trên sóng truyền hình với tổng số tiền đầu tư hơn 116 tỷ đồng.
Nhưng sau 4 tháng làm việc, chỉ mới có 7 công ty trong tổng số 22 thương vụ hoàn thành việc ký kết hợp đồng và nhận giải ngân từ các nhà đầu tư của chương trình. Trong thời gian này, số các công ty còn lại vẫn đang tiếp tục quá trình thẩm định doanh nghiệp và hoàn thiện hồ sơ để có thể tiếp nhận vốn với những quy định ngặt nghèo. Và đặc biệt là các thương vụ đình đám nhất thì lại có vẻ mơ hồ nhất.
Theo thông tin công khai trên báo chí hiện thời thì Gcalls với cam kết rót vốn 1 triệu USD từ Shark Thái Vân Linh vẫn chưa biết khi nào hoàn tất quá trình thẩm định và điều kiện rót vốn. Từ chối nói lý do chậm nhận giải ngân, đại diện Gcalls cho biết vẫn đang trong quá trình làm việc với nhà đầu tư vì có thể giá trị gói đầu tư lớn nên quá trình diễn ra sẽ lâu hơn?!.
Còn đại diện Farmtech với lời hứa rót vốn 4.4 tỷ đồng chia sẻ về cú lắc đầu mà họ đã nhận được: “Vòng gọi vốn phải nhanh, trong khi mình phải đợi 7 tháng để đợi cái lắc đầu từ Shark Vương. Mỗi tháng với 14 nhân viên, tốn trăm triệu tiền duy trì”.
Startup thôi ảo tưởng và kỳ vọng quá!
Xem chương trình Shark Tank, bạn dễ có cảm giác chuyện gọi vốn thực ra không khó lắm. Chỉ cần ý tưởng mới lạ và mang lên chương trình “chém gió” về dự án là có cơ hội nhận được đầu tư tiền tỷ. Ảo tưởng này là hoàn toàn có thật, nhất là các startup trẻ tuổi.
Về phía các Shark, sau khi hứa trên truyền hình, họ nói rằng lúc thẩm định thì họ rất khó khăn và cẩn trọng. Vì họ đã gặp phải những startup lúc nói trên truyền hình thì rất hay nhưng sổ sách trong thực tế không như thế. Khi nhà đầu tư nóng vội rót tiền không chỉ khả năng rất cao là thương vụ đó sẽ thất bại mà còn đem lại những ảo tưởng to lớn cho các bạn trẻ startup.
|
Startup Trương Tuyến, Ngọc Anh nhận được 11 tỷ đầu tư cho dịch vụ chuỗi rửa và chăm sóc xe 5s trong mùa đầu tiên. Ảnh: Shark Tank Việt Nam. |
Shark Phú – Chủ tịch HĐQT tập đoàn SUNHOUSE, người bỏ nhiều vốn đầu tư nhất trong mùa đầu cho biết: “Hiểu biết của các bạn trẻ về vận hành doanh nghiệp, cũng như tư duy gọi người khác vào hợp tác chung với mình, đầu tư cho mình quá là đơn giản.
Vì bản thân chúng tôi khi quyết định đầu tư vào các bạn thì hoàn toàn tin vào số liệu, đánh giá giá trị doanh nghiệp của các bạn thông qua dữ liệu đó, nên tất cả các startup tôi cam kết đầu tư thì không có startup nào trùng với số liệu các bạn đưa ra tại chương trình, mà độ chênh lệch thậm chí lên gấp mấy lần, mấy chục lần, thậm chí cả trăm chứ không phải là 5-10%. Đấy cũng là một cái lỗi mà bản thân tôi, mà cũng là lỗi mà tôi hy vọng các Shark mới rút ra bài học trước khi kiểm định”.
Riêng đối với Shark Hưng, trên sóng truyền hình mùa đầu tiên gật đầu đầu tư vào 5 dự án thì sau đó có một dự án bị loại, 3 dự án quyết định đầu tư và một dự án cần phải nghiêm cứu thêm. Kinh nghiệm rút ra từ những thiếu sót của các startup về việc trung thực trong kê khai tài sản và biên lợi nhuận khiến nhà đầu tư này quyết “căng” hơn ở mùa hai.
Trong bối cảnh đang có rất nhiều người dân, nhất là các bạn trẻ tin vào những cách kiếm tiền dễ dàng qua bán hàng đa cấp lừa đảo, qua chơi bitcoin, cho vay nặng lãi, góp vốn thật cho kinh doanh ảo lấy lãi suất cao thì các chương trình truyền thông về kinh doanh và khởi nghiệp nên hết sức thận trọng và trung thực. |
Như vậy, chương trình truyền hình này trong mùa đầu phải chăng đã diễn ra theo cách như sau: các bạn startup rất ung dung đem thông tin chưa được kiểm chứng lên sóng và tha hồ chém gió, thiếu trung thực? Các “cá mập” ngồi nghe chém gió xong tin và quyết định rót vốn? Tiền vào tiền ra như trong chuyện cổ tích thường diễn ra ở các sự kiện của các bạn bán hàng đa cấp?
Nếu điều này là đúng thì ai là người sẽ chịu trách nhiệm về cách làm này và đâu là chuẩn mực của tính trung thực của một chương trình truyền hình được phát rộng rãi cho công chúng?
Bởi với cách làm cẩu thả này, hậu quả sẽ rất nặng nề. Về phía các bạn trẻ vốn máu mê khởi nghiệp, họ chỉ cần ngồi nhà, xem truyền hình xong là lập tức xông ra mở doanh nghiệp mới cho dù không có kinh nghiệm, kiến thức về thị trường, sản phẩm, phương pháp quản trị và vận hành doanh nghiệp.
Họ sẽ làm mất tiền tích cóp của bản thân, gia đình, thậm chí tiền nợ vay ngân hàng rất nhanh chóng do mơ hồ và ảo tưởng. Họ chỉ khởi nghiệp theo phong trào mà thôi.
Về phía công chúng, họ sẽ mất lòng tin vào các chương trình khởi nghiệp mà có tính biểu diễn không khác gì chương trình giải trí. Mà sự thật quá nhỏ đằng sau những lời nói bề ngoài, thậm chỉ chẳng có chút sự thật nào trong nhiều thương vụ.
Nguyễn Anh Thi