Đứng phía sau hay lao ra phía trước?

05/07/2023 - 13:30

PNO - Cô đã hiểu, khi công việc gặp khó khăn, việc cô cần làm là tập trung để vượt qua mà phát triển chứ không phải lấy cớ để bực dọc, trách móc hay soi mói chồng.

Thấy Mạnh cầm điện thoại trong lúc đang ngồi cạnh con, Hoa gằn giọng: “Anh coi con kiểu gì vậy?”. Mạnh nhẹ nhàng đặt điện thoại xuống, cầm quyển sách đọc cho con nghe.

Công việc của Hoa độ này cả ngày chạy đôn chạy đáo nhưng thu nhập chẳng là bao. Đối diện với những khoản chi tiêu trong gia đình 4 người, cô cảm thấy rất áp lực. Lương công chức của chồng chỉ đủ được tiền tã, sữa của con.

Không có tiền, cô sinh ra bực bội với chồng: “Chồng nhà người ta thì cứ tháng vài ba chục triệu đưa về, còn anh có bao giờ chịu nghĩ cách kiếm thêm tiền?”. Mạnh chỉ biết im lặng.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cuối năm, thằng Tít nhận giấy khen học sinh tiêu biểu, khác với mức khen thưởng xuất sắc của con nhà hàng xóm. Hoa đổ lên đầu chồng: “Ba mà có phương pháp dạy con thì đâu đến nỗi”.

Hoa ngày càng thấy mình mắc kẹt trong cuộc hôn nhân. Cô không muốn chung sống cùng người chồng lương thấp, chăm con không khéo, thiếu tầm nhìn này nữa. Nhưng chồng cô đâu có lỗi gì to tát đến mức khiến hôn nhân đứt gãy.

2 đứa con cũng luôn thương ba, nỡ nào cô chia cắt. Nhưng về nhà, cô cũng chán thấy mặt chồng. Cô muốn tách chồng ra một thời gian, muốn giành lại quyền làm mọi thứ theo cách của cô. Hoa nghĩ phải cho chồng “sáng mắt ra”, chứng minh rằng tự cô sẽ làm được hết.

Vốn thuộc kiểu phụ nữ mạnh mẽ, quyết liệt, Hoa nói thẳng với chồng: “Em nghĩ anh nên có một thời gian “cách ly” mẹ con em, để xem vai trò thực sự của anh trong gia đình này là gì”. Như bị dội gáo nước lạnh, Mạnh sững sờ rồi xách vali bước đi. “Được, nếu em đã muốn thế” - anh nói. 

Khi Mạnh rời khỏi nhà, cảm giác đầu tiên của Hoa là nhẹ nhõm. Cô muốn coi đây là thời gian ly thân thử, làm quen được thì chuyện ly hôn nếu xảy ra cũng dễ dàng. Nhưng ngay buổi tối đầu tiên, Hoa đã thấy trống rỗng. 2 đứa con hỏi: “Mẹ ơi, ba đâu?”. Hoa trả lời ba đi công tác, lũ trẻ buồn đến mức không chịu ăn cơm. “Ba nấu ngon hơn, con không ăn rau dền” - thằng Tít giãy nảy buông đũa. Hoa tức giận: “Không ăn thì nhịn”. 2 đứa con òa khóc.

Hoa nhớ lại, trước đây, cô đã đề nghị chồng chỉ làm vừa đủ thôi để có thời gian chăm sóc con cái. Ngày ấy, công việc kinh doanh của cô phát triển tốt, cô nghĩ không cần chồng phải kiếm tiền. Bây giờ, sao lựa chọn của cô lại phản bội cô thế này?

Khi các con giận dỗi và đòi ba, cô không biết phải làm sao. Nhà cửa như bãi chiến trường nhưng Hoa không muốn dọn. Đi khóa cửa, Hoa mới chợt nhận ra đã 5 năm nay, người khóa cửa luôn là chồng. Anh chưa bao giờ đi khỏi nhà một đêm mà không có mấy mẹ con. Mỗi ngày, cô đi làm về chỉ việc ăn cơm, cùng lắm là dọn dẹp cái bàn ăn, mọi việc đã có chồng lo. 

Đêm nằm ngủ, chiếc giường tự nhiên rộng quá. Bao nhiêu năm, dù cô có nói gì, có quá đáng đến đâu vẫn luôn là chồng cô nhường nhịn. Hay nếu cô đùa muốn ly hôn, chồng luôn nói: “Anh sợ em mà bỏ anh thì lại khóc vì hối hận”.

Dường như sự hy sinh của Mạnh để Hoa có thể yên tâm làm việc lại vô tình khiến cô nghĩ rằng cuộc sống của chồng là rất dễ dàng, không áp lực. Đứng phía sau hay lao ra phía trước cũng đều áp lực như nhau.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Có gia đình, chồng đi kiếm tiền, vợ chăm lo con cái, nhà cửa. Gia đình khác vợ lo kinh tế, chồng hậu phương. Cũng có những gia đình, cả vợ chồng cùng lao ra ngoài kiếm sống, cùng sẻ chia nghĩa vụ trong nhà. Dù là gì, vợ chồng rồi sẽ đi đến một “thỏa thuận ngầm” theo cách đã lựa chọn từ đầu.

Hoa đã phạm sai lầm khi phá vỡ cái thỏa thuận ấy, cho rằng bản thân có thể cáng đáng được luôn cả phần của chồng rồi phủ nhận mọi công lao của Mạnh. Cô quên mất thằng Tít vào lớp Một chậm hơn các bạn, học lực luôn ở mức dưới trung bình. Để Tít đạt được danh hiệu học sinh tiêu biểu ở năm lớp Hai, Mạnh đã rất nỗ lực kèm con. Chồng không lao ra kiếm tiền cũng chỉ vì tôn trọng lựa chọn của vợ, cớ sao giờ cô lại trách?

“Em xin lỗi. Anh về đi. Mẹ con em đều rất cần ba Mạnh” - cô cầm điện thoại lên và nhắn tin cho chồng. Giờ thì cô đã hiểu, khi công việc gặp khó khăn, việc cô cần làm là tập trung để vượt qua mà phát triển chứ không phải lấy cớ để bực dọc, trách móc hay soi mói chồng. 

Cát Tường
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI