Vật liệu mới trong thành phố cũ
Đến Sài Gòn từ chín năm trước, bắt đầu công việc tại một công ty về trò chơi điện, chứng kiến thành phố thay da đổi thịt từng ngày, Jérôme Peschard (54 tuổi, đến từ Pháp) cho rằng tốc độ đô thị hóa ở đây thật đáng kinh ngạc.
Từng làm nhiều công việc khác liên quan đến sáng tạo, nhưng chính những “âm ỉ điên cuồng” của Sài Gòn mới là cảm hứng chính của Jérôme trong quá trình làm việc.
“Nguồn năng lượng ấy là vĩnh cửu. Chính sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của Sài Gòn đã thôi thúc tôi gác lại cuộc sống ở Pháp để bắt đầu hành trình mới ở đây. Tôi muốn khám phá Sài Gòn, muốn có những hình dung mới và phong phú về thành phố này - nơi đã mang đến cho tôi một cuộc sống khác biệt” - ông chia sẻ.
|
Jérôme và những bức tranh biết kể chuyện của ông |
Với nhiều người nước ngoài, Sài Gòn là một vùng đất của cơ hội. Thành phố này dung dị cưu mang mọi thứ. Và với Jérôme, ông cho rằng mình thuộc về thành phố này. Nơi đây có một kho báu để những người như ông sẵn lòng truy vết và kiếm tìm.
Bắt đầu vẽ từ bốn năm trước với tham vọng cách tân nghệ thuật và đưa Sài Gòn lên những tác phẩm của mình, Jérôme đã có những thử nghiệm vô cùng táo bạo. “Tôi muốn tìm một chất liệu khác biệt để diễn tả năng lượng của thành phố và phong cách mạnh mẽ của tôi. Những tấm thép làm được điều đó. Nó không chỉ là minh chứng cho sự phát triển ồ ạt của Sài Gòn, mà còn thể hiện sự điên cuồng của tôi với nghệ thuật” - ông kể.
Hành trình với những tấm thép bắt đầu từ đó. Theo diễn giải của Jérôme, những tấm thép phục vụ cho các công trình xây dựng, và chính nó tham gia vào công cuộc thay da đổi thịt của thành phố. Ít nhiều, những tấm thép vô tri có những câu chuyện nhất định, và đôi lúc, nó là một phần của thành phố này. Sau khi những công trình mọc lên, những tấm thép bị bỏ đi. Jérôme cho rằng nghệ thuật của ông bắt đầu từ những kết thúc như vậy.
Vì không vẽ trên vải canvas nên khó khăn nhất khi thực hiện tranh sơn dầu trên thép chính là giai đoạn vệ sinh những tấm thép. Đa số thép tấm Jérôme mua ở khu phế liệu, hay những công trình không còn sử dụng chúng. Thép được chà nhám và cố định thành những tấm lớn. Dầu lanh và nhựa thông sẽ được phủ lên trước khi tiến hành vẽ khoảng hai, ba ngày sau.
Hoàn thành một bức tranh mất từ hai đến ba tuần. Tuy là tranh sơn dầu trên thép, nhưng vì đã xử lý ngay từ đầu nên đa số các bức tranh đều có tuổi thọ khá cao. Không có quá nhiều kỹ thuật đặc biệt, tuy nhiên chính những kiếm tìm độc đáo đã giúp tranh của Jérôme khác biệt với nhiều họa sĩ khác. Tính đến nay, tranh thép sơn dầu của Jérôme là loại tranh sơn dầu độc nhất ở Sài Gòn. Khách hàng của ông chủ yếu là người nước ngoài, hay các nhà hàng, khách sạn.
Những bức tranh biết kể chuyện
Ngoài văn hóa đại chúng, một trong những cảm hứng chính trong tranh của Jérôme chính là Sài Gòn - thành phố có sự hấp dẫn lạ kỳ với họa sĩ người Pháp này. “Tôi là một họa sĩ già và là người hoài niệm. Ngoài hội họa, tôi còn đam mê kiến trúc, thời trang và đặc biệt là nghệ thuật châu Á. Còn với Sài Gòn, như bạn biết đấy, đây là một nơi đặc biệt để sống và làm bất cứ công việc gì dù là xưa hay nay” - ông kể.
Không chỉ là một bức tranh, các tác phẩm của Jérôme còn biết kể chuyện. “Những tấm thép nói về việc xây dựng tòa nhà nhanh chóng, và nó là một phần của lịch sử. Tôi nghĩ rằng chúng ta không thể tiến tới tương lai nếu không giữ gìn quá khứ. Và tại một đất nước phát triển như Việt Nam, mọi người lại dễ dàng quên đi điều đó. Giống như công việc của một số nhiếp ảnh gia và họa sĩ khác, tôi chỉ cố gắng lưu giữ những khoảng thời gian đặc biệt của các bạn trong tranh mình. Tôi thích quá khứ và hiện tại của các bạn, và những bức tranh của tôi sẽ giúp các bạn mường tượng về những cuộc sống ấy” - ông chia sẻ.
Ngoài Sài Gòn, một trong những cảm hứng khác của Jérôme còn là phụ nữ Việt. Giải thích về sự lựa chọn này, Jérôme nói: "vì phụ nữ Việt là một trong những phụ nữ đẹp nhất thế giới".
Xem vẽ là niềm vui sống và luôn mong muốn cống hiến cho hội họa, những tấm thép phế liệu đã cùng Jérôme vẽ nên câu chuyện độc nhất vô nhị ấy. Đặc biệt, trong một vài tác phẩm về Việt Nam, ông chủ ý gắn đèn neon vì cho rằng Sài Gòn hay Việt Nam đều là những tia sáng vĩnh viễn, có ý nghĩa từ hôm qua cho đến hôm nay.
Tấn Đồng