Đừng phá nữa, hãy giữ lại những gì có thể

13/11/2017 - 09:12

PNO - “Di sản văn hóa, dẫu dưới bất kỳ hình thức nào, cũng là của dân, không của ông bà nào cả. Mọi tác động vào tự nhiên, đều bộc lộ thái độ văn hóa, tầm ứng xử. Phải nhớ, anh lấy đi một, anh có thể mất mười”

LTS: Cái thời “rừng vàng biển bạc” đã hết rồi, thế mà con người vẫn tiếp tục đục khoét, hỗn xược với  tự nhiên,  tước đoạt quá khứ, ăn vào tương lai, để rồi từng ngày phải trả giá kinh hoàng...

Giữa một Hội An bộn bề chưa kịp “hong khô” vì trận lũ lịch sử, lại  tất bật “dọn mình” để đón quan khách cấp cao APEC thăm phố cổ, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự, vẫn  không ngừng đau đáu về cách hành xử của con người trước tự nhiên, bởi đó là cửa tử sinh cho chính họ và mai sau. Phố, người, sông, biển, mất hay còn, tùy thuộc vào lễ độ ngay bây giờ của người với trời đất.

Đừng hỗn xược với tự nhiên

- Phóng viên: Thưa ông, không  phải đến bây giờ Hội An mới có lụt lớn, nhưng trận này nước lên nhanh như… điện, vì sao?

Dung pha nua, hay giu lai nhung gi co the
Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An

- Ông Nguyễn Sự: Hội An không tách ra khỏi bản đồ thế giới. Biến đổi khí hậu không chừa nơi nào, suốt 20 năm qua, nhất là 10 năm trở lại đây. Biến đổi khí hậu diễn ra đến mức có thể nhìn thấy hằng ngày. Nói về biến đổi khí hậu, từ Chính phủ đến người dân, ngồi đâu cũng nói, báo cáo nào cũng nêu.

Tại Hội An, điều này rõ lắm.  Lụt,  năm 1964, 1998, 1999  là ba trận lớn, nhất là trận tháng 12/1999. Xin lưu ý,  lúc đó ta chưa có thủy điện. Hội An lúc đó lụt chứ không phải lũ, mưa dài ngày, nước lên từ từ, dân có thời gian để dọn lụt và chạy. Nay thì không lụt mà lũ, mới mưa to đã lũ, nước như thác.

- Câu chuyện lở bờ biển Cửa Đại đã nói mấy năm rồi, nhưng nay đúng là kinh hoàng, con số lở đã là 5 - 7km, ông có thể chia sẻ ý kiến về tình trạng này?

- Ông Nguyễn Sự: Cửa Đại,  bồi - lở, tiến - lùi, đó là câu chuyện của thập niên 90 thế kỷ trước. Trước năm 1975, biển cách đường 3km, ngó không thấy vì bị khuất lấp bởi đồi cát, dương liễu, nó lở miết nhưng chưa ác liệt như bây giờ. Khi tôi làm chủ tịch thị xã Hội An năm 1995-1997, có di dời dân, nhưng sau đó đoạn này lại bồi. Tôi nhớ năm 1989, bão số 8 mở một cửa ngay khách sạn Victoria.

Khi đó ông Lê Trí Tập, Trưởng ty Thủy lợi Quảng Nam - Đà Nẵng vào kiểm tra, nửa tháng sau ông trả lời: không cần kè, nó sẽ bồi lại sau hai năm. Đúng một năm sau, đoạn đó cát quay về và lấp lại. Ông Tập quá giỏi. Từ chuyện này, tôi ngẫm ra một triết lý: đừng chống lại tự nhiên!

- Nhưng bây giờ thì Cửa Đại không tự bồi - lở nữa rồi…

- Ông Nguyễn Sự: Trước khi  bão số 12 vào, tôi xuống, sóng biển đánh dữ dội thành một doi cát tại trạm hải đăng, nghĩ nó sẽ phá lở sang hướng Duy Hải của Duy Xuyên. Năm ngày sau, tôi xuống lại, thấy nó “bồng” doi cát đó đưa ngược lên 300m, hướng ra biển 200m nữa và gây sạt lở đúng như tôi đã nghĩ. Anh thấy không, trong năm ngày, mọi sự đã khác. Nói điều này để thấy, biến đổi khí hậu không phải là chuyện mơ hồ, xa xôi, mà nó diễn ra hằng ngày, hằng giờ.

Dung pha nua, hay giu lai nhung gi co the
Sóng biển đánh sập nhiều công trình ở Cửa Đại (TP. Hội An) chiều 11/11. Ảnh: Trung Việt

- Kè bờ sông, cửa biển, không riêng gì Cửa Đại mà nhiều nơi khác ở miền Trung, rồi đồng bằng sông Cửu Long, có phải là giải pháp lâu dài không?

- Ông Nguyễn Sự: Cái này tôi đang nghĩ, thật là khó. Lở sông, cửa biển, nó liên quan đến quy luật dòng chảy, không chỉ là sóng biển đâu.

- Nguyên nhân, hẳn vẫn là câu chuyện cũ do con người mà ra...

- Ông Nguyễn Sự: Không sai. Không biến đổi sao được khi rừng bị phá tàn bạo, cát lòng sông bị hút đêm ngày; ao hồ, ruộng vườn bị san lấp hết, nước không chỗ thoát, cây xanh không còn.

Tôi có kinh nghiệm xương máu ngay tại nhà mình. Hơn 9 năm trước, ông già tôi đào cái ao trước sân, sau này nghĩ không có tác dụng, tôi lấp. Mưa nhỏ, nước vô nhà liền, tôi phải đào lại. Hình dung thành phố có khác chi nhà mình đâu.

- Người xưa, kiến thức và phương tiện không được như bây giờ, nhưng xem ra văn hóa ứng xử với tự nhiên hơn hẳn chúng ta?

- Ông Nguyễn Sự: Vì ông bà biết dựa vào tự nhiên mà sống. Đó chính là tôn trọng giá trị của chính mình. Còn bây giờ, chúng ta quên một điều, rằng phát triển cỡ gì đi nữa, thì con người mãi mãi sống dưới đất chứ không phải trên trời. Hoang tưởng và ngu xuẩn khi nghĩ rằng cải tạo được tự nhiên.

- Về tội và công của thủy điện, giờ vẫn lèm nhèm lắm, ý kiến của ông ra sao?

- Thủy điện  giải quyết thủy lợi, điều phối lũ, rõ ràng nhất là thủy điện Hòa Bình. Thử hỏi từ trước đến nay, có ai kêu than thủy điện Hòa Bình không, chưa nói nếu không có nó, nước sông Đà mùa mưa về, gây vỡ đê ở Hà Nội và tanh bành liền.

Thế sao người ta lại chửi thủy điện miền Trung? Bởi, nhiều công trình thủy điện thiết kế không có cửa xả đáy, chỉ xả tràn. Khô hạn thì giữ, mưa to thì xả, không bị trách mới lạ. Họ biết chứ, nhưng làm ngầm tốn kém, nên bỏ lơ. Thủy điện không gây ra lũ, nhưng làm mực nước lũ lên nhanh hơn.  

Dung pha nua, hay giu lai nhung gi co the
Nông Sơn, Quảng Nam sau trận lũ tháng 11/2017 - Ảnh: Internet

- Tại Diễn đàn cấp cao APEC ngày 10/11, bà  Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói: “Chắc chắn có những đánh đổi khi phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tuy nhiên, điều chúng ta cần là tập trung vào tương lai”. Theo bà, “nước biển dâng khiến nhiều ngôi làng biến mất. Người dân sống ở các ngôi làng không cần chúng ta thảo luận trên các diễn đàn mà phải bắt tay hành động”.

Việt Nam đứng thứ năm trên thế giới về thiệt hại do thiên tai. Con số từ Chính phủ đưa ra năm 2016, thiên tai, ngoài gây mất mát về con người, mỗi năm Việt Nam thiệt hại GPD là 1,9 tỷ USD… Nói quá nhiều rồi, bây giờ là phải làm. Theo ông thì bắt đầu từ đâu?

- Ông Nguyễn Sự: Không bàn nữa, hãy tỉnh táo, giữ lại những gì có thể. Cày núi, lấp biển, lấn sông, muốn làm thì phải suy nghĩ nghiêm túc. Nhật Bản lấn biển phát triển thành phố, nhưng họ làm nghiêm túc chứ như mình đâu. Singapore mua cát về để tạo bãi biển, còn ta thì xúc cát đi bán… Thiên nhiên hữu hạn. Cái thời “rừng vàng biển bạc” đã xưa rồi, hết rồi.

Chúng ta quên một điều, rằng phát triển cỡ gì đi nữa, thì con người mãi mãi sống dưới đất chứ không phải trên trời. Hoang tưởng và ngu xuẩn khi nghĩ rằng cải tạo được tự nhiên

Ông Nguyễn Sự

Nói lại chuyện rừng, thủy điện, theo tôi là dừng ngay tức khắc làm thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, chặt đứt “âm mưu” này, bởi chỉ hại mà thôi. Nhà văn Nguyên Ngọc vừa rồi có bài viết  rất hay, theo đó, tại đồng bằng sông Cửu Long hạn mặn nghiêm trọng, phần quan trọng là do rừng ở tây Trường Sơn bị chặt sạch, bởi 60% nước vùng này vốn đổ ngược ra sông Mê Kông, giờ không còn rừng để giữ nước nữa, nó trôi tuột xuống, không theo hướng cũ, rồi làm sạt lở, vùi nhà dân, phá đường.

Khi nước ngọt không có thì nước mặn sẽ lấn thôi. Rồi nhà máy mà khí thải, nước thải gây ô nhiễm, phải quyết liệt đề phòng. Dư luận đã lên tiếng, là có chuyện. Chính quyền phải lắng nghe thiện chí và hành động cho cái đúng, không bị lợi ích nhóm điều khiển.

Dung pha nua, hay giu lai nhung gi co the
Hội An ngập sâu trong lũ, nhiều người dân không kịp di tản do nước lên quá nhanh

Phải yêu di sản mới giữ gìn được

- Lụt lớn, triền miên, tất cả như bày trận thử thách tuổi thọ của các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam. Câu chuyện bảo tồn di sản trước biến đổi khí hậu như trò chơi đánh vật, mà tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn. Làm sao để giữ gìn di sản, không hề là đơn giản.

 - Ông Nguyễn Sự: Mấy trăm năm rồi, Hội An không có lụt thì không phải là Hội An. Tuy nhiên, cần biết sống với nó. Nói di sản, là nói ông già ốm yếu có thể bị đột quỵ bất kỳ lúc nào. Nguy cơ biến mất di sản rất cao trước mọi sự tác động của tự nhiên lẫn con người. Thời gian sẽ làm xuống cấp từ gỗ đá đến nhà cửa, không chừa gì cả.

Hãy đối diện một cách thực tế là ta không thể chống lại tự nhiên. Bảo tồn di sản, đừng nghĩ  khai thác tối đa để kiếm tiền, bởi như vậy, di sản sẽ chết rất nhanh. Hội An cấm xe có tiếng động vào phố cổ, ngoài chuyện gây ô nhiễm không gian sống, còn điều này nữa: giải quyết xung động do tiếng động cơ gây ra, để bảo tồn những ngôi nhà 200-300 tuổi. Phải tính từng chút một, đóng một cây đinh, thay một cây cột mục, đều phải cân nhắc. Nó hư, sửa được, nhưng sụp thì bó tay. Anh không ngăn được lũ vào nhà, nhưng anh giữ được nhà mới là giỏi.

Lãnh đạo, dân Hội An làm được chuyện đó, mà lưu ý rằng đây là câu chuyện xuyên suốt từ sau năm 1975, qua nhiều thế hệ lãnh đạo chứ không phải chờ đến ông Sự đâu. Sau giải phóng, lo cái ăn cái mặc đuối hơi, nhưng Hội An biết trân trọng quá khứ, nên không xảy ra chuyện đập phá bừa bãi những di chỉ văn hóa, bởi đó là giá trị mà cha ông để lại. 

- Đó là vì tình yêu?

- Ông Nguyễn Sự: Đúng, khi anh yêu quý di sản, thì trân trọng và giữ gìn, và di sản sẽ tạo ra vật chất cho anh. Giữ phố cổ Hội An để dân làm giàu, là một minh chứng. Tất cả được xây dựng trên cái nếp, cái nền văn hóa sâu bền và biết nâng niu.

- Rõ ràng, vai trò của nhà nước, tác động của chính sách đến việc bảo tồn di sản trước những tấn công của tự nhiên và con người là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhận thức về việc này ở Việt Nam còn khá mơ hồ…

- Ông Nguyễn Sự: Di sản là dưới đất, Luật Di sản là... trên trời. Tôi đã nói vậy với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội  khi vào Hội An. Ông Tiến nói tôi coi thường Quốc hội.

Dung pha nua, hay giu lai nhung gi co the
 

Tôi nói không coi thường, nhưng các ông không hiểu gì về di sản. Nhà dân, phố cổ hư hại, phải gửi đơn ra Bộ Văn hóa rồi chờ qua Bộ Xây dựng, 4-5 tháng mấy ông mới có ý kiến được sửa hay không, trong khi người ta sống trong đó, từng ngày từng giờ, sao đợi được? Tôi cho làm ngay, không chờ ai hết, cứ dựa vào Luật Xây dựng mà làm. Di sản Hội An là không gian sống của cư dân, chứ không như di sản ở Huế là lăng tẩm cung đình. 

- Ông nghĩ sao về chuyện người ta cứ cố phải làm cho được cáp treo ở động Phong Nha, khi  bão lụt càng lớn, tác động xấu đến tầng địa chất, kết cấu đất đá tại đây, nếu có thêm sắt thép đóng vào, e rằng mai này “tỉnh ra thì đã muộn màng”?

- Ông Nguyễn Sự: Phong Nha đẹp là do tự nhiên chứ không phải do con người tạo ra. Mưa nắng sẽ tác động đến tuổi thọ của nó. Giờ làm du lịch, đi cáp cho nhanh, thôi được rồi, nhưng xin hỏi, làm cáp thì ai lợi? Doanh nghiệp hay Nhà nước? Không có cáp, dân sẽ chèo đò, thu được tiền. Câu hỏi vẫn là, tiền sẽ vào túi ai, là truy ra ngay chuyện muốn làm cáp hay không.

Di sản văn hóa, dẫu dưới bất kỳ hình thức nào, cũng là của dân, không của ông bà nào cả. Mọi tác động vào tự nhiên, đều bộc lộ thái độ văn hóa, tầm ứng xử. Phải nhớ rằng, anh lấy đi một, anh có thể mất mười.

Dung pha nua, hay giu lai nhung gi co the
 

- Ông có thể chia sẻ những lo lắng của mình về thực tế đang diễn ra?

- Ông Nguyễn Sự: Mọi thứ mong manh quá. Trong nền kinh tế thị trường hoang dã này, nếp sống đang bị  biến dạng. Một bộ phận người dân phố cổ Hội An cũng vậy. Cả nước đang trả giá đắt về việc coi thường tự nhiên, hỗn xược với tự nhiên. Ăn mặn không phải chờ đến đời con mới khát nước đâu, mà đũa chưa rời khỏi miệng, cha đã khát nước rồi. Mỗi người, hãy tự biết điều đó. Những người cầm quyền không phải không biết điều đó, nhưng một bộ phận họ dựa vào đất, không phải để làm ra sản phẩm, mà để kinh doanh bất động sản, phân lô bán nền, dẹp công viên, phá kênh rạch.

Lấy đất là tước đoạt quá khứ, ăn vào tương lai, ăn vào tài sản không tái sinh. Hậu quả ta đang lãnh, và đau xót hơn, là con cháu mai sau sẽ không chốn dung chân. Hãy dừng lại, đừng thách thức tự nhiên nữa, nếu không muốn tự hủy diệt. Hãy chăm chút, vun xới, trân quý những gì đang có bằng mọi cách, đó là cách xây dựng tương lai tốt nhất. 

“Nhiều công trình thủy điện thiết kế không có cửa xả đáy, chỉ xả tràn. Khô hạn thì giữ, mưa to thì xả, không bị than trách mới lạ. Họ biết chứ, nhưng làm ngầm tốn kém, nên bỏ lơ. Thủy điện không gây ra lũ, nhưng làm mực nước lũ lên nhanh hơn”.  

Trung Việt (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI