Dùng nước sát khuẩn sai cách có thể gây phỏng, cháy da

27/03/2020 - 07:01

PNO - Tất cả các loại dung dịch rửa tay khô, sát khuẩn đều có thể gây phỏng, cháy nếu sử dụng sai cách.

Mới đây, chị N.T.T. ngụ tại H.Nhà Bè (TP.HCM) bị một phen hú vía do dùng nước sát khuẩn quá mức. Chị lấy chai xịt sát khuẩn xịt khắp bàn bếp, mặt bếp để… tẩy trùng phòng tránh COVID-19. Khi bật bếp ga nấu ăn thì lửa phừng lên cả mặt bếp. Rất may, cồn bay hơi gần hết nên chưa xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Chị Q.B. ngụ tại Q.Thủ Đức cũng chia sẻ do sát khuẩn bằng nước rửa tay chứa cồn xong thì ra bật bếp ga nấu ăn nên bị lửa từ bếp bắt vào hai bàn tay gây phỏng… 

Phỏng cồn do dung dịch sát khuẩn hoàn toàn có thể xảy ra nếu sử dụng sai cách - Ảnh minh họa
Phỏng cồn do dung dịch sát khuẩn hoàn toàn có thể xảy ra nếu sử dụng sai cách - Ảnh minh họa

Bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Q.2, cho biết, nguy cơ phỏng cồn từ nước sát trùng, sát khuẩn tay hoàn toàn có thể xảy ra nếu người dân sử dụng không đúng cách. “Về nguyên tắc sát trùng, sau khi rửa tay xong phải để yên từ 3 - 5 phút. Đó cũng là thời gian đủ để cồn bay hơi. Nếu vừa xoa cồn sát trùng lên tay mà đi làm những việc liên quan tới lửa thì bị phỏng là điều khó tránh”, bác sĩ Lam nói.

“Để sát trùng theo khuyến cáo của ngành y tế thì cồn phải là 70 độ nên nguy cơ bắt lửa rất cao. Cần hiểu rằng tất cả các chất sát trùng đều có thể cháy, ngay cả rượu trên 40 độ cũng đã dễ cháy. Độ bắt lửa của cồn chỉ sau mỗi xăng, nguy hiểm hơn là lửa cồn lại có màu trắng xanh nên rất khó nhìn thấy, khi lửa cháy to lên thì đã phỏng nặng”, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho hay.

Do đó, đối với người sử dụng nước sát khuẩn, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cảnh báo: cồn 70 độ rất dễ cháy, nhất là ở những môi trường thoáng khí. Vì vậy, khi sát khuẩn xong các dụng cụ trong nhà bếp, không phải thấy khô nghĩa là cồn đã khô và bay hơi hết nên không được bật bếp ngay lúc đó. Khi vừa sát trùng tay xong, không được làm các công việc dễ bắt lửa như nấu ăn, xì hàn…

Trong thực hành y khoa cũng vậy, các bác sĩ luôn nhắc nhở nhau về nguy cơ phỏng, cháy do nước sát trùng. Chẳng hạn khi đốt điện làm thủ thuật cho bệnh nhân, trước đó bác sĩ phải sát khuẩn bằng cồn. Nếu không chờ đủ lâu cho cồn bay hơi hết, khi bật que đốt lên chắc chắn sẽ gây phỏng. Điều này các bác sĩ đều có kiến thức, nhưng vẫn có trường hợp hy hữu xảy ra nếu thiếu kinh nghiệm. Tại các bệnh viện, sau khi sát khuẩn cồn lên các dụng cụ y tế phải dùng khăn phủ kín cũng là để tránh nguy cơ chất sát khuẩn bắt lửa gây cháy.

Liên quan tới tai nạn phỏng trong sinh hoạt từ dung dịch chứa cồn, gần đây bác sĩ Lê Thái Vân Thanh tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân tên N.V.H. (ngụ tại TP.HCM) đến điều trị vết sẹo lồi lõm, co kéo ở phần mặt, cổ và hai cánh tay. Trước đó, bệnh nhân dùng dung dịch chứa cồn để lau chùi vết bẩn trên cánh cửa. Sau đó, anh bật mỏ hàn để hàn cửa thì lửa phừng lên khiến anh bị phỏng nặng, có những vị trí phỏng độ 3, độ 4. May mắn không nguy hiểm tính mạng nhưng điều trị sẹo cho bệnh nhân vô cùng phức tạp và không cải thiện được nhiều vì tổn thương gây co rút cả vào gân, cơ. 

Trẻ dưới 5 tuổi dùng nước sát trùng tay phải có người lớn giám sát
Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, đưa ra khuyến cáo với phụ huynh: phỏng và ngộ độc nước sát trùng, sát khuẩn tay là một nguy cơ cho trẻ em trong mùa dịch COVID-19.

Các bé đang nghỉ tránh dịch ở nhà, cha mẹ cần lưu ý cất những chai nước sát trùng tay ở chỗ trẻ không với tới. Đối với trẻ dưới 5 tuổi dùng nước sát trùng tay phải có sự giám sát của người lớn để tránh bé uống nhầm hoặc nghịch chơi gần nơi cồn có thể bắt lửa.
Mỗi năm Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 đều ghi nhận rải rác các ca tai nạn sinh hoạt phỏng cồn. 

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI