Dùng nội tiết 'nặng đô' cản trở thụ thai, hại trẻ

08/06/2017 - 06:30

PNO - Việc dùng thuốc nội tiết tại nhiều nước tiên tiến được quản lý rất nghiêm ngặt. Phôi được cấp đông, chờ cho cơ thể người mẹ giảm thuốc nội tiết, chọn thời điểm thích hợp mới cấy phôi.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều người lạm dụng thuốc nội tiết vì tin rằng sẽ tăng khả năng đậu thai. Không chỉ bệnh nhân dùng thuốc sai, nhiều bác sĩ cũng chỉ định vô tội vạ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai phụ và trẻ.

Bảy năm mỏi mòn chờ đợi, áp dụng nhiều biện pháp can thiệp, vợ chồng chị T.T.H.V. (36 tuổi, ngụ tại Q.7, TP.HCM) vẫn chưa có con. Chị V. từng làm thụ tinh ống nghiệm, nhưng khi cấy phôi thì bị sẩy.

Dung noi tiet 'nang do' can tro thu thai, hai tre
 

Tự tìm hiểu thông tin trên các diễn đàn về hiếm muộn, gặp những người cùng cảnh ngộ, chị kỳ vọng nhiều vào lần thụ tinh ống nghiệm thứ hai. Khi nhìn thấy toa thuốc của vài phụ nữ điều trị hiếm muộn, chị V. cho rằng, nguyên nhân gây sẩy thai vì bác sĩ (BS) kê quá ít thuốc nội tiết.

“Tôi hỏi, nhiều chị đều bảo họ được dùng thuốc hỗ trợ nội mạc tử cung theo cả ba đường là chích, uống và đặt âm đạo. Thế mà tôi chỉ sử dụng mỗi đường đặt âm đạo. Có lẽ BS điều trị cho tôi không phù hợp”, chị V. băn khoăn.

Dung noi tiet 'nang do' can tro thu thai, hai tre
Phôi đông lạnh được lưu trữ tại bệnh viện để chờ thời điểm thích hợp chuyển cấy vào tử cung người mẹ.


BS Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM (Hosrem) cho biết, nhiều bệnh nhân (BN) hiểu sai lệch tương tự chị V.

“Có BN ngày nào cũng đòi kê thêm thuốc. Họ cho rằng phải nhiều thuốc mới có thai được. Tôi từng tiếp nhận nhiều toa kê tới bốn-năm loại thuốc cùng một hoạt chất.

Thậm chí có những loại thuốc gây quá kích buồng trứng, nhưng BN vẫn được chỉ định. Khi tôi phân tích chỉ cần dùng một loại thì BN phản đối. Có chị vì BS kê ít thuốc nên mượn toa của các BN khác để mua thêm”.

Thông tin từ khoa Hiếm muộn, Bệnh viện (BV) Hùng Vương TP.HCM, có hơn 60% trường hợp đến khám hiếm muộn cho biết, từng được dùng hoạt chất progesterone với hàm lượng gấp nhiều lần tiêu chuẩn quy định.

Dung noi tiet 'nang do' can tro thu thai, hai tre
 

Bên cạnh đó, theo BS Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương, tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng thực tế cho thấy, nhiều trường hợp sử dụng thuốc nội tiết, nhất là hoạt chất progesterone, trong giai đoạn hỗ trợ hoàng thể (khi phôi được cấy vào tử cung).

BS Lộc lý giải: “Có hai nguyên nhân chính: quan niệm sai lầm từ chính các BS điều trị hiếm muộn khi cho rằng tăng hoạt chất này sẽ khiến phôi bám vào tử cung tỷ lệ cao hơn. Ngoài ra, khá nhiều BN khi thấy BS “cho thuốc ít”, không an tâm, và tự mua thêm sử dụng”. 

BS Tăng Quang Thắng, khoa Hiếm muộn, BV Hùng Vương TP.HCM cảnh báo thêm, ngoài hoạt chất progesterone dùng hỗ trợ hoàng thể lúc chuyển phôi, thuốc nội tiết FSH và LH dùng quá liều ở giai đoạn kích trứng có nguy cơ gây quá kích buồng trứng khiến BN đau bụng, khó thở, bụng ứa dịch… Đã có không ít BN nguy kịch vì dùng nội tiết tố quá liều.

Dung noi tiet 'nang do' can tro thu thai, hai tre
 

Mỗi ngày, BV Hùng Vương thực hiện 20 ca thụ tinh ống nghiệm, khám từ 150 - 200 trường hợp hiếm muộn. Thuốc hỗ trợ hoàng thể theo dạng đặt, liều 3 viên/ngày, một hộp 15 viên có giá khoảng 300.000đ.

Thông thường một liệu trình BN sẽ dùng hết ba hộp. Tuy nhiên, thực tế nhiều chị em tự ý dùng cùng liều như trên và thêm cả đường uống, chích, chi phí cho thuốc men tăng gấp ba-bốn lần.

“Ngoài việc cản trở thụ thai, dùng progesterone quá liều dễ ảnh hưởng tới quá trình phát triển của nhau thai, tác động xấu đến em bé về sau này. Dùng nội tiết quá mức sẽ tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non.

Nhiều bệnh lý xuất hiện ở trẻ em do khi mang thai, mẹ dùng thuốc không đúng. Hen suyễn là một trong số đó”, BS Tường cảnh báo.

BS Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương: Có hai giai đoạn chính điều trị hiếm muộn: giai đoạn đầu, kích trứng; giai đoạn thứ hai, chuyển phôi. Các ca thụ tinh ống nghiệm, sau khi chuyển phôi, bệnh nhân có thể được chỉ định một số thuốc hỗ trợ nội mạc tử cung, thường là hoạt chất progesterone. 

Tuy nhiên, liều của hoạt chất này chỉ từ 200mg - 600mg/ngày/2 tuần và dùng qua đường đặt âm đạo là tốt nhất. Với những trường hợp bị dị ứng khi đặt thuốc âm đạo thì có thể uống hoặc chích. 

Nhiều bệnh nhân dùng progesterone gấp ba-bốn lần liều thông thường qua tất cả các đường uống, chích, đặt sẽ khiến nội mạc tử cung bị phân tiết quá mức, phôi khó làm tổ. Đó còn chưa kể các tác dụng phụ gặp phải như buồn ngủ, rong huyết. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI