Chúng ta thường không biết nên phải nói gì với những người đang chìm trong nỗi đau về tinh thần, ví dụ như người đang chìm đắm trong một cuộc tình tan vỡ, ai đó bị đuổi việc hay người thân của một người nào đó vừa qua đời. Chúng ta rất muốn cùng họ chia sẻ và cảm thông với nỗi đau và sự mất mát của họ, nhưng chúng ta thường không biết phải nói gì.
Điều này cũng xảy đến với những người như tôi, những người phụ nữ đang cố mang thai.
Tôi đã nghe rất nhiều lời khuyên nhủ nhưng trung thực mà nói, trừ khi bạn cũng đang cố mang thai, còn không thì bạn sẽ chẳng thể nào hiểu nổi chúng tôi đang trải qua những gì.
Tôi cứ nghĩ tôi là người duy nhất nhận được những lời khuyên tưởng rằng rất ý nghĩa nhưng lại chẳng có ích gì, nhưng sau khi tham gia vào diễn đàn của phụ nữ đang cố mang thai trên mạng, tôi nhận ra nhiều người cũng có những trải nghiệm như thế.
Sau đây là những “lời vàng ý ngọc” mà chúng tôi được nghe, và lý do tại sao chúng không đem lại lợi ích cho chúng tôi:
1. “Cứ thư giãn thôi”
Đương nhiên là chúng tôi cũng biết rằng mình nên thư giãn. Trên thực tế, đúng là chúng tôi nên thư giãn để giữ sức khỏe cũng như tinh thần tốt nhất có thể, nhưng đấy là nếu thế giới này là một nơi hoàn hảo.
Trước hết, hãy hiểu cho chúng tôi rằng chu kì mỗi tháng của chúng tôi rất thất thường, ít nhất là đối với tôi. Hoặc chúng tôi đang gặp phải các vấn đề về sinh sản (hoặc khó sinh khi tuổi lớn hơn), do đó, khả năng để “thư giãn” giảm dần theo cấp số nhân.
Hãy thử tưởng tượng bạn cảm thấy thế nào khi phải chăm chút bản thân, chịu trách nhiệm với khả năng sinh sản của mình, bạn phải gặp bác sĩ thường xuyên, phải xét nghiệm máu, uống vitamin, học cách vẽ biểu đồ tình trạng của mình, luôn phải giữ sức khỏe, bạn làm mọi thứ có thể, nhưng bạn vẫn không mang thai.
Bạn luôn cố gắng hết sức, hy sinh mọi thứ, mặc kệ tất cả nhưng bạn vẫn không thể mang thai, trong khi mọi người xung quanh lại nói với bạn rằng “cứ thư giãn đi”.
Những ngày cố gắng để thụ thai này không chỉ xoay quanh đứa bé, mà còn có nhiều việc khác nữa. Vì thế, “cứ thư giãn đi” là điều không thể.
2. “Em gái/em họ/em dâu/bạn của em trai của tôi đã tìm mọi cách mà không thể mang thai, ấy thế mà sau khi nhận nuôi một đứa trẻ, sau đó nhờ một chuyến du lịch lãng mạn đến Ý, vợ chồng họ đã có con”.
Đó đúng là một tin tốt đấy nhưng với những người phụ nữ có buồng trứng thấp, ống dẫn trứng hẹp, với chồng có lượng tinh trùng thấp, và vô vàn các vấn đề khác, thì có nhận con nuôi hay đi du lịch cũng chẳng có tác dụng gì.
Mỗi người là khác nhau và phép màu có thể đến với người này, nhưng có thể sẽ không đến với những người khác.
3. “Đó là ý trời”
Chắc chắn rằng tôi cũng đã cầu nguyện rất nhiều và tôi phải vật lộn với tình trạng của chính mình mỗi ngày. Cố gắng tìm lý do cho việc này không phải là ý hay đâu. Mỗi người có hành trình của bản thân và niềm tin của riêng mình.
Người khác có thể giúp đỡ thế nào?
Cố vấn về sinh sản, Fiona McDonald, người đã làm việc trong lĩnh vực sức khỏe của phụ nữ trong 20 năm nói rằng, bà ấy hiểu các cặp vợ chồng thường cảm thấy như thế nào và những cảm xúc đè nén đến khó thở ấy là hoàn toàn dễ hiểu.
“Điều tốt nhất mà gia đình cũng như bạn bè có thể làm không phải là cố gắng để sửa chữa vấn đề, đưa ra lời khuyên hoặc kể về trường hợp tương tự của những người mà họ biết”, bà cho hay, “ mà điều chúng ta cần làm là phải thận trọng và thấu hiểu”.
Bà ấy cũng đưa ra những lời khuyên dành cho gia đình và những người thân thiết của những cặp vợ chồng hiếm muộn:
Luôn sẵn sàng
Người cần giúp đỡ phải hướng dẫn gia đình và bạn bè làm những việc mà có thể họ sẽ cần. “Nếu bạn không biết chắc mình sẽ phải làm gì hoặc nói gì, hãy hỏi xem họ cần gì và bạn có thể làm gì để làm hậu phương vững chắc cho họ.
Bạn nên tôn trọng sự im lặng của họ nếu họ không muốn nói về vấn đề này. Đôi khi chỉ cần ôm họ, để họ biết rằng khi họ cần sẻ chia thì bạn vẫn luôn sẵn sàng lắng nghe”.
Đừng nghĩ rằng mình là người đưa ra lời khuyên hay chuyên gia
“Tôi nghĩ rằng khi người thân gặp phải một tình huống khó khăn, bản năng của con người luôn thôi thúc họ nói gì đó hoặc làm gì đó để thay đổi tình hình. Nhưng hãy chỉ ở yên bên họ và lắng nghe những gì đang cào xé trong trái tim của họ”, bà nói.
Fiona cũng khuyên rằng, nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về những gì đôi vợ chồng ấy phải trải qua cũng như là quá trình trị liệu của họ, cứ thẳng thắn hỏi họ xem bạn nên tra cứu tài liệu gì để có thể nắm rõ hơn.
Nghĩ về cảm giác của họ
Nhiều hoạt động gia đình và xã hội được tổ chức nhờ các trung tâm trẻ em. “Hãy đặt mình vào địa vị của họ để biết họ cảm nhận như thế nào. Cứ mời họ đến cùng, nhưng hãy thấu hiểu nếu họ từ chối, hoặc họ lưỡng lự rất lâu rồi mới đồng ý.
Nếu cặp vợ chồng ấy đang cùng nhau điều trị, hãy mời họ đến những cuộc vui chỉ có người lớn, và đừng có quá nhiều trẻ sơ sinh và trẻ em”.
Làm thế nào để mở mang cho chính mình?
Biết rằng bạn không hề cô đơn
“Điều quan trọng là bạn phải biết rằng mình không hề cô đơn, vô lý, hoặc sắp phát điên”, Fiona cho hay. Tham gia vào hội nhóm nào đó trên mạng để cùng chia sẻ với những người có thể cảm thông với bạn.
Đối xử tốt với chính bản thân mình
“Nhớ rằng đây không phải là lỗi tại bạn, cũng không phải lỗi của vợ/ chồng bạn. Thương chính bản thân mình, bạn mới biết thương người khác trong hoàn cảnh tương tự. Tôi biết rằng có rất nhiều người tự đổ lỗi cho bản thân, nhưng đấy không phải lỗi của các bạn”, Fiona khẳng định.
Cùng chia sẻ với vợ/ chồng bạn
Quãng thời gian này sẽ rất khó khăn, nhưng Fiona cho rằng, điều quan trọng là bạn vẫn phải cùng vợ/ chồng mình gánh vác. Cả hai bạn có thể có quan điểm khác nhau, nhưng chỉ một khi chia sẻ, cả hai mới thấu hiểu và cùng nhau đối mặt.
Giữ cân bằng
“Nhiều nhất có thể, cố gắng giữ cân bằng cho cuộc sống của bạn”, Fiona khuyên, “có những ngày bạn phải đi trị liệu, bạn cảm thấy không thể chịu đựng nổi nữa. Nhưng cố gắng nhất có thể, hãy giữ lấy sự cân bằng”.
Tìm ra chiến lược đối phó
“Nghĩ về những việc mình có thể làm để thư giãn và xua đi mệt mỏi, căng thẳng. Những việc này có thể không tiêu tốn nhiều tiền: đi dạo, xem phim, viết nhật ký hoặc đi tập yoga. Suy nghĩ về chúng và dành thời gian cho chúng”, chuyên gia chia sẻ.
Thu Phương