Đừng như tiếng kèn ngập ngừng

10/04/2023 - 06:24

PNO - Chủ trương “1 chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)” là nhằm tạo sự cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng và giảm giá sách. Tuy vậy, qua thực tế triển khai, từ 5 bộ sách lớp Một trong năm học 2020-2021, chỉ sau 1 năm, có 2 bộ đã “chết yểu”. Chưa kể, năm nào cũng có nhiều phản ánh về những “hạt sạn” to đùng trong những cuốn SGK đắt tiền được in giấy màu đẹp đẽ, bóng bẩy.

Tháng Ba vừa qua, khi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội, hiệu trưởng 1 trường quốc tế ở TPHCM có mức học phí hàng trăm triệu đồng/học sinh/năm phản ánh: giá SGK cao so với chất lượng, sách dễ rách và nhanh phai màu. Như vậy, SGK đang đắt so với chất lượng của chính nó chứ không chỉ đắt so với túi tiền của người nghèo. 

Giá của SGK không thể chỉ dựa vào số trang giấy, loại giấy, loại mực in mà còn phải dựa vào giá trị tri thức mà người mua nhận được. Đắt tiền là một chuyện, kiến thức sai thì cái giá phải trả còn đắt hơn.

Theo Bộ GD-ĐT, qua hơn 3 năm, đến nay, đã có 7 nhà xuất bản (NXB) tham gia biên soạn, in ấn và phát hành SGK. Nghe thì nhiều, nhưng thực tế, 2 bộ Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức đang “chiếm sóng” đều của NXB Giáo Dục. Ở TPHCM, với cấp tiểu học, trong năm 2021, tỉ lệ các trường học chọn sách của NXB Giáo Dục chiếm hơn 98%, còn lại bộ Cánh diều (Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam đầu tư, NXB Đại học sư phạm Hà Nội và NXB Đại học sư phạm TPHCM xuất bản) chỉ chiếm từ 1,1 - 1,8%.

Sang đến năm 2022, tỉ lệ chọn sách của NXB Giáo Dục lên đến 99,8%, còn bộ sách Cánh diều chỉ chiếm 0,2%, cụ thể là chỉ có 1 trường tiểu học ở TPHCM chọn. Ở cấp THCS và THPT, tỉ lệ chọn sách của NXB Giáo Dục cũng rất cao, nhiều môn gần như tuyệt đối. 

Không ít tỉnh, thành có 100% trường chọn sách của NXB Giáo Dục. Vậy thì, cần nhìn vào thị phần thực tế để thấy rõ bức tranh xã hội hóa SGK chứ không chỉ căn cứ trên số lượng NXB. Liệu có dễ phá được thế độc quyền về SGK không, khi mà các NXB đều là “lính mới” trước một NXB Giáo Dục có kinh nghiệm độc quyền làm SGK hàng chục năm trời, có đội ngũ chuyên gia hùng hậu biên soạn? Có người cho rằng, cuộc cạnh tranh giữa các đơn vị làm SGK vốn không công bằng ngay từ đầu bởi NXB Giáo Dục có sẵn hệ thống “chân rết” và có mức chiết khấu cao. 

Hành trình xã hội hóa SGK sắp bước sang năm thứ tư nhưng vẫn để lộ hàng loạt bất cập. Đó là giá sách tăng, có nhiều sai sót trong nội dung sách, có nhiều bộ sách và nhiều sách trong 1 bộ.

Hiện mỗi tỉnh, mỗi trường chọn SGK khác nhau nên nếu chuyển trường thì học sinh phải đổi sách. Nhiều bộ sách chỉ học 1 năm rồi bỏ, người học sau không thể dùng sách của người học trước do khác trường, khác sách. Những bộ sách có tuổi đời ngắn ngủi này gây lãng phí lớn.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - từng chia sẻ, bà có cảm tưởng việc xã hội hóa SGK như tiếng kèn ngập ngừng bởi ngay năm đầu chuẩn bị thực hiện chương trình phổ thông mới, đã có ý kiến đề nghị chỉ nên có 1 bộ SGK. Đến nay, vẫn có những ý kiến trái chiều về SGK và cách làm SGK.

Đó là do chúng ta chưa có lộ trình thực hiện bài bản, thuyết phục. Hiện nay, dẫu không còn độc quyền nhưng tính cạnh tranh của SGK trên thị trường rất hạn chế. Với thị phần ít ỏi, các NXB “lính mới” liệu có thể cầm cự và cạnh tranh được lâu dài? Do đó, chiến lược xã hội hóa SGK phải đi đôi với việc xây dựng chính sách hỗ trợ một số đơn vị để họ có đủ điều kiện cạnh tranh công bằng với NXB Giáo Dục, từ đó khuyến khích được nhiều đơn vị khác tham gia. 

Bên cạnh đó, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ khâu biên soạn SGK nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục. Không nên để chủ trương xã hội hóa SGK như tiếng kèn ngập ngừng, hụt hơi người muốn làm, kẻ bảo thôi, thực hiện lửng lơ, hình thức, không đạt được mục tiêu chính là nâng chất lượng sách, giá cả hợp lý. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI