Chị Oanh, mẹ một bé trai lớp 5 than: “Về nhà là thấy con nằm dài trên giường, mắt không rời cái máy tính bảng. Tôi thấy mình bất lực quá! Công việc của tôi không thể nghỉ dài ngày được. Cho con đi học gì đó thì không ai đưa đón, về quê thì ông bà đã lớn tuổi, không đủ sức trông cháu. Tôi bế tắc không biết phải sắp xếp cho con thế nào cho đến hết hè. Có ngày cháu cũng than: “Chẳng biết nghỉ hè để làm gì, ở nhà hoài con chán quá!”.
Sắp xếp mùa hè cho con thế nào thật sự là một bài toán nan giải của PH.
Một mùa chơi
Không cần phải giàu có bạn mới có thể tặng con một mùa hè rong chơi. Chị Lan đã khiến các mẹ mắt tròn mắt dẹt nể phục vì suốt mùa hè, ba mẹ con chị hết lên rừng lại xuống biển. Mấy mẹ con di chuyển bằng tất cả các phương tiện có thể; ngủ nơi nào cũng được, không nhất thiết phải là khách sạn.
Chuyến đi Nam Cát Tiên vừa rồi, mấy mẹ con di chuyển bằng xe khách, cực mà vui. Bé Lùn, con chị, còn hào hứng cho rằng, đó là một chuyến đi thật đáng nhớ: “Đêm ở Nam Cát Tiên, tụi con được các chú biên phòng dắt đi xem đom đóm, cả một rừng đom đóm lập lòe, đẹp lắm! Tụi con còn học được cách phân biệt các loại cây, nhìn cây để biết mình đang đi sâu vào trong hay đi ra khỏi rừng, biết tìm hướng khi đi trong rừng...".
Mẹ con chị còn có một chuyến đi thú vị đến một hòn đảo nhỏ ở Kiên Giang, cắm trại ngủ ngoài trời, mọi người phải tự tìm những viên đá để dằn cho tấm bạt không bị gió thốc lên. Nằm giữa trời đầy sao, gió lồng lộng, sóng vỗ ầm ì, với các con bên cạnh chắc chắn là một trải nghiệm thật đáng nhớ trong đời.
|
Cùng con đi du lịch bụi |
Từ những cuộc đi “bụi” như thế, các con chị học thêm được bao nhiêu là kỹ năng sống. Những ngày ở đảo điện phát có giờ, trời cứ tối om om, nhưng theo hướng dẫn của mẹ, gặp sự cố gì hai con cũng tự xử lý được hết. Bé Lùn tự tin khẳng định: “Lần sau nếu không có mẹ, con sẽ tự làm được những việc đó!”.
Gia đình chị Hà, dù có điều kiện cho con đến những resort tiện nghi, nhưng chị vẫn chọn du lịch bụi. Con trai chị đang học lớp 8, được tự thiết kế những ngày nghỉ hè cho cả nhà. Chồng bận nên chị thu xếp công việc của mình, dành thời gian rong ruổi cùng con suốt những ngày hè.
Con chị tự hào khoe: “Tụi con học được cách xem bảng chỉ đường, bản đồ tàu điện ngầm, cách bắt tàu điện ngầm đi từ điểm này đến điểm khác…”. Với chị, vui chơi với con là một cách lớn lên cùng con; gieo cho con những kỷ niệm khó quên trong đời. Cha mẹ phải cố gắng dành nhiều thời gian cho con hơn trong hè, đừng viện cớ công việc. Con sẽ lớn lên rất nhanh thôi, quãng thời gian đó dù có tiền cũng chẳng thể mua lại được. Ở nơi xa lạ, mọi người sẽ gắn bó với nhau hơn, chia sẻ được nhiều hơn”.
Cả chị Lan và chị Hà đều chia sẻ, để thật sự tặng con “một mùa rong chơi”, PH phải tôn trọng quyết định của con khi đi bụi, cùng nhau bàn bạc cụ thể mọi việc chuẩn bị và lịch trình, mạnh dạn cho con được thử thách, chỉ cần chú ý đảm bảo an toàn cho con. Và, quan trọng nhất là hãy tận hưởng mọi thứ cùng con.
Mùa vận động
Trong suốt năm học, đôi khi PH chỉ tập trung vào việc học của con mà quên mất các hoạt động thể chất. Hè là cơ hội thật sự để các con bạn hòa vào các hoạt động thể thao, giải tỏa áp lực học hành và nâng cao sức khỏe.
Năm nay, Nhà Thiếu nhi TP.HCM về “nhà mới”, nên tổ chức rất nhiều chương trình vận động dành cho các bé; đặc biệt lớp năng khiếu bán trú và ôn tập hè, dành cho trẻ các lớp 2, 3, 4. Khóa này được nhiều PH chọn vì đáp ứng được nhu cầu vừa học năng khiếu vừa ôn tập kiến thức, quan trọng là “giữ trẻ” suốt cả ngày.
Một PH đang ngồi chờ đón con tan lớp chia sẻ: “Năm nào tôi cũng nhức đầu với chuyện nghỉ hè của con, chuyện không có người trông con. Năm nay tôi xin nghỉ không lương một tháng, ở nhà đưa đón con đi học kỹ năng vận động. Tại lớp này, cháu tham gia được các môn bóng đá, bóng bàn; sau đó tôi lại chở đi bơi. Tôi cố cho con vận động thật nhiều, giảm thời gian con sử dụng điện thoại.
Đây cũng là cách nghĩ chung của nhiều PH, nên mùa này các hồ bơi đông nghẹt từ sáng đến tối; ai cũng muốn tranh thủ thời gian hè cho con được tăng cường kỹ năng vận động. Tuy nhiên, PH cần lưu ý đừng ép con phải tham gia quá nhiều các khóa học vận động trong cùng một thời gian, trẻ sẽ bị quá tải, phản tác dụng. Phải sắp xếp cho con nghỉ ngơi và vận động hợp lý, đừng nuôi tâm lý nhồi nhét cho con càng nhiều càng tốt.
Tặng con kỹ năng mềm
Việc hướng dẫn con những kỹ năng mềm thật ra không phải chờ đến mùa hè mới có thể thực hiện, nhưng tranh thủ những ngày hè con ít bị áp lực bài vở, PH nên chú ý đến việc này hơn để con lớn lên không bỡ ngỡ với cuộc sống.
Do có điều kiện tài chính nên chị Linh đã cho con tham gia khóa học bán trú một tháng tại Trường John Robert Powers để con được học kỹ năng sống, kể cả học dance - một kỹ năng không thể thiếu với người trưởng thành muốn hội nhập tốt. “Con cần biết nhiều thứ, kể cả lễ nghi. Đi học và được thực hành sẽ tốt hơn là mình dạy con bằng một đống lý thuyết, chỉ khiến con chán hơn. Các con cần học ăn, học nói, học đi đứng chứ không chỉ biết cắm đầu học chữ”.
Bé Hạnh Nga thì được mẹ cho theo khóa học làm bánh hai tháng. Bé rất thích làm bánh và đã có thể tự làm một số loại bánh cơ bản, nên thay vì nghỉ hè về quê như mọi năm, bé được mẹ cho dành hết mùa hè để thỏa mãn đam mê làm bánh của mình.
Bé Diễm thì khoe: “Hè này con được đi học đan len. Thích lắm! Việc phối màu với nhau khó lắm chứ không đơn giản như con nghĩ”. Mẹ Diễm từng phải gây áp lực để con chịu theo khóa học này, nhưng giờ Diễm đã rất thích thú. Hóa ra, không hẳn trẻ thích học gì là được đáp ứng ngay, mà có khi lại do ba mẹ yêu cầu. May là Diễm thích.
Đôi khi, nếu không hiểu rõ con, PH lại biến mùa hè của con thành những ngày nặng nề vì bị buộc phải làm những điều mình không thích, không như mơ ước của mình. Hơi khác người, anh Hoàng lại quyết định cho cậu trai học lái ô tô, học thật sự để năm sau đủ tuổi là thi lấy bằng lái. Cậu bé đã dành mùa hè cuối cùng của thời học sinh để làm một việc với cậu là trọng đại, nhưng lại rất thú vị.
Cho dù thế nào, PH cũng phải cố gắng tôn trọng quyết định của con về việc sử dụng những ngày hè thế nào cho hợp lý. Hãy cho con có được những ngày hạnh phúc từ những quyết định sáng suốt của cha mẹ.
Lan Khôi