Đó là giấc mộng của những người phụ nữ nặng lòng với hạnh phúc của nữ giới ngay từ khi đất nước còn đang nặng áo cơm.
Hồi đầu những năm tám mươi, đất nước còn nhiều khó khăn, sau một khóa học trung cấp nghiệp vụ văn hóa quần chúng, chị Nguyễn Thị Lập Quốc (nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP, nguyên Giám đốc Sở Du lịch TP, nguyên Giám đốc Nhà văn hóa Phụ nữ (NVH PN) - khi ấy đang công tác tại Ban Tuyên huấn Thành hội Phụ nữ TP.HCM, đề xuất đề án xây dựng một trường học ngoài giờ, tạo không gian sinh hoạt, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống cho nữ giới. Năm 1981, vài lần đề xuất và bảo vệ đề án trước Thành Hội, Thành ủy TP, Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ TP.HCM ra đời với vị chủ nhiệm đầu tiên là bà Nguyễn Thị Xà, cùng phó chủ nhiệm Nguyễn Thị Lập Quốc.
Nhưng, gọi CLB được lập lên năm ấy là “giấc mộng”, chính là bởi cái “viển vông” rất “đàn bà con gái” giữa một thực tại đầy thiếu thốn, eo hẹp đương thời. Được cấp một biệt thự tư nhân ở số 192 Lý Chính Thắng với phương thức hoạt động “tự thu tự chi”, hai người phụ nữ ôm mộng dạy kiến thức chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, và xây dựng hạnh phúc gia đình cho phụ nữ phải ra sức “tối ưu hóa” mọi nguồn lực.
Ngôi biệt thự được tận dụng mọi không gian vẫn không đủ chỗ, nhiều lớp học được “dựng” giữa sân, chỉ có mái che, không có vách. Không đủ kinh phí để thuê nhân viên, cả Chủ nhiệm lẫn Phó chủ nhiệm CLB thay phiên nhau kiêm nhiệm những vị trí giáo vụ, ghi danh, rồi... giữ xe, quét dọn. Mô hình hoạt động quá mới, CLB phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, họp hành liên tục. Nhưng, vừa tập hợp giáo viên, chủ trì cuộc họp xong lại... cuống quýt dọn dẹp, chạy ra giữ xe khi học viên bắt đầu giờ vào lớp là... chuyện thường của những “nữ tướng” thuở ban đầu.
Chật vật vừa làm vừa sửa giữa muôn vàn những lạ lẫm, thiếu thốn; rồi cả những khen, chê, ngờ vực, phủ định trong một giai đoạn còn chật chội những định kiến xã hội; nhưng, “giấc mộng” vẫn “thực” hơn mỗi ngày. Khởi động thành công với lớp cắt may, thêu đan, nhưng càng về sau, mỗi lần đề xuất mở thêm một lớp học như cắm hoa, làm đẹp; “người khởi xướng” lại một lần đối diện với những câu hỏi: “Dạy làm gì? Dạy cho ai khi cả nước đang chạy lo từng bữa ăn?”.
Cả Sài Gòn trước đó hầu như chỉ có một nơi dạy nữ công gia chánh với một vài môn học riêng lẻ. Nhưng, kiên quyết tin vào sự chính đáng của việc chăm sóc đời sống tinh thần cho phái đẹp, từ những ngày đầu “chưa có gì để kiểm chứng”, CLB Phụ nữ đã lan tỏa được niềm tin ấy đến những giáo viên gạo cội trong làng đào tạo nữ công, thẩm mỹ Sài Gòn. Lớp học chỉ có vài học viên, thu nhập giáo viên chưa đảm bảo, cơ sở vật chất lại quá thiếu thốn so với những cơ quan khác.
Nhưng, chỉ sau một đôi giờ dạy đầu tiên, những chuyên gia hàng đầu như bà Triệu Thị Chơi, Tôn Kim Ngẫu, chị Diệu Thảo, Lê Thu Mai, Mai Lan, Mai Lựu... đã quyết tâm đồng hành cùng CLB. Ở những “lớp học không vách”, thủy triều Sài Gòn thỉnh thoảng lại “dọa” cả thầy trò lẫn lãnh đạo mấy phen bạt vía khi nước bất thần tràn vào lớp học, phải cuống cuồng khiêng dọn bàn ghế. Nguồn thu có được từ học phí của học viên qua các khóa học đều được dành dụm để cải thiện cơ sở vật chất. Vừa làm vừa xây, trụ sở CLB như “tấm áo vá”.
Suốt những năm đầu, chuyện dạy học ở CLB gắn liền với hình ảnh “dưới học, trên xây”. Có những lớp dạy nấu ăn, khi cô giáo đang say sưa thực hành thì vữa xây ở đâu... rớt vào chảo, có khi đang học thì nước mưa dột từng hột, rồi tràn xuống từ những mái nhà tạm bợ. Sài Gòn độ ấy cúp điện liên tục. Mỗi lần điện cúp, giáo viên lại phải ra sức nói lớn, học viên thì chăm chú ghi chép dù mồ hôi ướt áo, người lả đi dưới cái nóng hầm hập. Dành dụm mãi mới sắm được một cái máy phát điện “kêu to như máy xay lúa”, mỗi lần mở máy là cả khu nhà ồn như... công trường; nhưng cả lãnh đạo lẫn giáo viên đều “mừng muốn chết”.
“Động lực sống” của CLB trong buổi ban đầu đầy thách thức ấy, còn là sự “vượt rào” của một thế hệ học viên tiên phong. Thời đó, “sinh hoạt, học tập, giải trí” vẫn là một khái niệm “lạ đời” khi cả một thế hệ nữ giới đang cắm cúi phục vụ gia đình. “Trót” biết được sức hấp dẫn của CLB qua những lớp học dành cho cán bộ Hội, nhiều chị phải lặng lẽ đăng ký học tiếp, rồi mỗi buổi chiều cách nhật phải kiếm cớ ra đường, mà đều đặn đến lớp. Trong những lớp Múa đôi (khiêu vũ), có chị phải chịu sự “tháp tùng” của chồng đến tận cổng, rồi sau giờ học lại được đón ngay ngoài lớp học - để được tin rằng mình đến CLB “chỉ để học”.
Mỗi lần nhắc đến một sự thiếu thốn, thử thách “không thể tin nổi” giai đoạn ấy, bà Nguyễn Thị Lập Quốc lại bật cười: “Tại vì quyết làm nên cứ khó tới đâu thì tháo gỡ tới đó thôi”. Vượt khó và phát triển không ngừng, năm 1988, CLB Phụ nữ Thành phố được UBND Thành phố nâng cấp thành NVH PN TP.HCM. Nhìn lại bao diễn biến từ tinh thần “quyết làm” ấy, mới thấy khát vọng giản dị mà mãnh liệt với cái đẹp, cái hay của một thế hệ phụ nữ Sài Gòn - ở cả người học lẫn người mang đến những lớp học.
Những nấc thang mới
Những “lớp học không vách” đã dần thay áo dưới hai trụ sở ở hai vùng đông dân cư của thành phố. Nấu ăn, làm đẹp, trang điểm, khiêu vũ không còn là một sự tiên phong lạ lẫm và “đáng ngờ”, mà đã trở thành “thương hiệu”. Nơi sinh hoạt, học tập ngoài giờ dành cho phụ nữ ngày nào vẫn còn nỗ lực để chứng minh cho lý do tồn tại của mình; giờ đã trở thành “ngôi nhà của phái đẹp” - một gia đình thứ hai của học viên, một địa chỉ uy tín trong giới đào tạo kỹ năng, chuyên môn cho phụ nữ.
Những năm đầu tiên của phong trào cổ vũ chị em tự chủ kinh tế; NVH PN đào tạo, trao nghề cho hàng trăm ngàn phụ nữ với những lớp học cắt may, trang điểm, làm tóc, móng... Trong đợt cao trào của làn sóng xuất ngoại những năm 2006 - 2009, rất nhiều chị em đã lên đường với hành trang là tấm chứng chỉ học nghề làm móng, nấu ăn, làm bánh... của NVH PN. Một nơi dạy kỹ năng cho phái đẹp lại trở thành một thương hiệu uy tín với các nhà tuyển dụng; sự phát triển của NVH như vượt khỏi hình dung của những người đã sinh ra và nuôi nấng nó.
Tưởng giấc mộng ngày ấy đã viên thành. Nhưng bao buổi chiều ngồi với chị Phan Thị Bích Hường - Giám đốc NVH PN TP.HCM, chúng tôi mới được dịp hình dung lần nữa về những cung đường đã không ngừng được khai mở, những nấc thang vẫn đang cần bước tới, cùng sức sống của một mái nhà đang vận hành đời sống tinh thần, tư tưởng của phần lớn phụ nữ ở thành phố này.
Giai đoạn “mở đường” hoàn tất. “Con đường mới” lập tức có nhiều người bước vào. Từ uy tín của NVH, khu vực xung quanh cơ sở I ở đường Lý Chính Thắng như trở thành một “khu đào tạo kỹ năng cho nữ giới” với những tấm biển quảng cáo lớp học hấp dẫn, thủ tục đơn giản, học phí thấp của những cơ sở tự phát. “Sự cạnh tranh ấy không chỉ đặt ra vấn đề về kinh tế, tổ chức; mà còn tạo áp lực về lý tưởng phát triển của NVH - khi những lớp học tự phát, chụp giật, vì lợi nhuận có thể tước đi của học viên cơ hội được học tập ở một môi trường chuyên nghiệp, có cam kết về chất lượng”, chị Bích Hường tâm sự. Số lượng học viên của NVH giai đoạn ấy không giảm sút, nhưng chọn cách đối diện với thực trạng ấy như một áp lực cạnh tranh trong việc tiếp cận với phụ nữ, họ quyết định phải thay đổi.
Vốn vẫn cải tiến liên tục về chuyên môn và phương pháp dạy học, NVH PN tăng cường phát triển con người bằng những buổi tập huấn, thao giảng. Mỗi giáo viên đều được lãnh đạo dự giờ hằng tháng. Mỗi quý, các bộ môn lại tổ chức luân phiên thao giảng, cùng nhau làm “học viên”, rồi đặt câu hỏi, góp ý cho đồng nghiệp. Ở cấp độ NVH, Ban giám đốc đặt hộp thư và liên tục mời học viên góp ý, hiến kế rồi mở những cuộc họp bàn về những ý kiến của chính người học.
Mỗi năm, các giáo viên, nhân viên lại có ít nhất một chuyến giao lưu, tập huấn ở các nước tiên tiến trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng cho phái đẹp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Có 18 năm dạy làm móng ở NVH PN, chị Nguyễn Thị Kim Quyên (Trưởng bộ môn Thẩm mỹ) tự hào: “Trên thế giới có gì mới thì ở NVH PN đều có”.
Nghề làm móng mấy mươi năm nay đã bao bận thăng trầm. Theo nghề từ khi xã hội còn xem nhẹ cho đến khi “nail chuyên nghiệp” trở thành một khái niệm sang trọng, đầy tính mỹ thuật; chị Kim Quyên chứng kiến trọn vẹn sự chuyển mình nhịp nhàng của NVH theo những bước phát triển của lĩnh vực này. Hợp tác lâu năm với những nhà cung cấp nguyên liệu, dụng cụ dạy - học chuyên nghiệp trên thế giới; ngoài những lần tập huấn, giao lưu với đồng nghiệp nước ngoài; mỗi lần có trào lưu mới, NVH lại được chính những nhà cung cấp thông tin, hướng dẫn để bắt nhịp.
Nhưng, thu hút được đông đảo học viên cũng chỉ là thành công bước đầu. “Tham vọng” cùng phát triển, cùng mang lại sức mạnh, năng lực tự chủ cho phái đẹp mới là động lực của mọi chuyển động dưới mái nhà này. Năm 2015, sau thành công của lớp học cắt tóc theo phong cách Nhật Bản, “vươn ra nước ngoài” trở thành một giấc mơ có thực với người làm NVH sau một thời gian nỗ lực tìm kiếm, qua lại giữa hai nước để trao đổi, đặt vấn đề hợp tác.
Mỗi bước tiến lại đặt ra những yêu cầu mới. Làm việc với đối tác khó tính nhất khu vực, đối diện với những tiêu chuẩn khắt khe về cả phòng học, tổ chức, lẫn kỷ luật học viên, NVH lần nữa phải hoàn thiện. Phát triển lúc này như đã trở thành một trách nhiệm được cam kết, để rồi, lời mời hợp tác sâu hơn từ phía Nhật Bản như trả lời cho tất cả những nỗ lực ấy.
Năm 2016, giám đốc NVH PN nhận được lời mời hợp tác đào tạo, trao đổi lao động các ngành nghề cắt uốn tóc, làm móng, trang điểm, săn sóc da sang Nhật Bản. Theo đó, NVH PN sẽ trở thành nơi tuyển sinh, tổ chức lớp học, phía Nhật Bản chịu trách nhiệm đào tạo chuyên môn với đội ngũ giáo viên người Nhật trực tiếp đứng lớp, và học viên tốt nghiệp sẽ được tuyển sang Nhật làm việc. Đó như một “chuyện lạ” với một nơi không phải trung tâm dạy nghề, nhưng lại là một tín hiệu lành, thôi thúc những giấc mơ vươn xa của những người phụ nữ vẫn không ngừng ước mơ dưới mái nhà này.
Vẫn “hỏi” không ngừng
Mỗi lần biết thêm về những bước đi, hay quan sát sự vận hành sinh động của NVH PN, tôi hay liên tưởng đến hành trình trưởng thành của một người đàn bà tài giỏi, dẻo dai, mà... nặng nợ - cứ mỗi bước đi là vài lần ngoái nhìn để sửa mình, để tiên phong mà vẫn hòa vào dòng chảy của cuộc sống đương đại.
Đối diện với nguy cơ “lạc lõng” của những điều mình đang trao truyền khi xã hội đang chủ trương “giải phóng phụ nữ”, tạo điều kiện để phụ nữ được tự chủ, hóa giải “định mệnh quán xuyến gia đình”; chị Phan Thị Bích Hường khẳng định: “Chúng tôi đang nỗ lực vì chính sự tự chủ ấy của phụ nữ”.
Những lớp làm đẹp, nữ công gia chánh không dạy người phụ nữ về một vai trò, một nghĩa vụ - rằng họ “phải đảm đang”, “phải đẹp” - mà dạy cho họ một năng lực, một kỹ năng sống để bắt nhịp khi có nhu cầu. Gắn bó với NVH PN gần 10 năm với lớp học Chăm sóc da, ở những năm sau này, khi phong trào yêu bản thân rộ lên trong phái đẹp, chị Lê Thị Thu Hằng (giáo viên bộ môn Thẩm mỹ) được chứng kiến những người phụ nữ 50 tuổi mới “vỡ lòng” trong buổi học đầu tiên đã rưng rưng nói với giáo viên: “Tôi hối hận vì đến 50 tuổi vẫn phải học về cách rửa mặt”.
Câu chuyện của những người đàn bà cút cun phục vụ chồng con “sực tỉnh” trong chính những lớp học nấu ăn lại nhiều vô kể trong 35 năm gắn bó với NVH PN của chị Nguyễn Thị Phụng (giáo viên bộ môn Gia chánh). Ví như, một lần, sau buổi học, chị Phụng tiếp một nữ học viên đến bắt chuyện, xin cô đổi buổi học làm cơm tấm sườn bì của khóa học sau lên trước, vì... không đủ tiền học khóa tiếp theo.
Ngồi nghe chuyện chị - một người phụ nữ hơn 40 tuổi, vừa mất chồng, muốn mở tiệm cơm tấm bán nuôi ba đứa con - chị Phụng quyết định “phá lệ”, dạy trước món cơm tấm. Hoàn tất khóa học, “cô giáo” lại lặng lẽ tìm mặt bằng, hỗ trợ “học trò” mở tiệm, để bây giờ, mỗi lần đi ngang đường Hồ Thị Kỷ lại hãnh diện nhìn vào tiệm cơm tấp nập khách khứa cùng cô học trò đang tất bật quán xuyến, bán mua.
Nhưng, khả năng “mưu sinh” không phải là mục đích cao nhất của mọi sự trao truyền này. Những kỹ năng mềm, kỹ năng bếp núc, cắm hoa, làm đẹp, hay thành tựu của những lớp dạy khiêu vũ, thể dục thẩm mỹ... đều hướng tới một sự tự chủ tự nhiên nhất trong cuộc sống của những người phụ nữ độc lập. Chị Bích Hường tâm sự: “Ước nguyện của chúng tôi là làm sao để khi có nhu cầu, người phụ nữ có thể xinh đẹp, tháo vát, linh hoạt vì những nhu cầu và ý muốn của chính họ”.
Vậy nên, khi thế hệ những bà mẹ đa năng trong vòng 20 năm nay đang tạo ra “những đứa trẻ thành thị chỉ biết học và chơi”, NVH PN lại mở những lớp dạy làm việc nhà dành cho trẻ em. Xếp đặt lớp học như những căn hộ mẫu, giáo viên dạy trẻ từng cách quét nhà, nấu cơm, rửa chén. “Biến lớp học thành sân chơi” vốn là thế mạnh của giáo viên NVH PN, với đối tượng trẻ, bí quyết ấy càng được phát huy. Những đứa trẻ còn uể oải ngày đầu chỉ sau một buổi học đã hòa vào dòng học viên vẫn vui vẻ, háo hức vào ra NVH mỗi ngày.
Nói đến tương lai của NVH PN, chị Bích Hường nửa đùa nửa thật: “Với những gì đang có hôm nay, tôi còn muốn phát triển NVH thành một học viện phụ nữ, phục vụ nhu cầu cho chị em ở khắp xứ Nam bộ này”.
Rồi chị bật cười. Mấy mươi năm nay, từng mốc đáng nhớ của NVH PN đều được đánh dấu bằng một “giấc mộng viển vông” kiểu như thế. Và những ngày phía sau mỗi cột mốc, đều là những ngày hóa giải hai chữ
“viển vông”.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".