|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 |
Sáng 14/5, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình bày sự cần thiết xây dựng, dành nguồn lực đầu tư cho chương trình này bởi văn hóa chính là động lực tinh thần của xã hội. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu quan tâm, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa.
Theo ông, trên thế giới, công nghiệp văn hóa là ngành rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành này. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016) nêu rõ: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”.
Ông nói: “Lâu nay ta cứ hiểu văn hóa là lĩnh vực tiêu tiền nhưng trên thế giới, đây là lĩnh vực tạo ra rất nhiều tiền. Ví dụ như, một nhóm nhạc của Hàn Quốc sang Việt Nam biểu diễn vài ngày đã có doanh thu bằng một doanh nghiệp khác làm trong nhiều tháng. Một ca sĩ Hàn Quốc với “điệu nhảy ngựa” trong Gangnam Style cũng giúp quảng bá văn hóa Hàn ra thế giới. Đấy chính là công nghiệp văn hóa, ngành đem lại lợi nhuận lớn, tạo điều kiện cho xã hội phát triển mà Nhà nước không phải đầu tư nhiều”.
Trong nội dung tờ trình chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, ngành công nghiệp văn hóa được xác định đóng góp vào GDP cả nước 7% năm 2030 và 8% năm 2035. Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng, con số này là thấp so với những tiềm năng của ngành này. Ông dẫn các số liệu đã công bố, trong đó, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 5,82% GDP năm 2018 và 6,02% năm 2019. Trong năm 2020 và năm 2021, con số này có giảm do chịu tác động của dịch COVID-19. Do đó, ông đề nghị tính lại những con số trên cho phù hợp.
Ông cũng khẳng định, nếu phát triển được ngành công nghiệp văn hóa thì Việt Nam sẽ có nguồn thu lớn để phát triển văn hóa, đầu tư tôn tạo lại những di tích, thực hiện những chương trình không có nguồn cấp vốn.
Trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chính phủ đề xuất xin ý kiến Quốc hội về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định của Luật Đầu tư công.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - việc nghiên cứu, đánh giá nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta và yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, hiện có 2 luồng ý kiến về vấn đề này. Ý kiến thứ nhất (chiếm đa số) ủng hộ việc Quốc hội cho phép thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công. Ý kiến thứ hai đề nghị đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết của việc đầu tư trong điều kiện hiện nay. Trong trường hợp thật cần thiết, đề nghị Chính phủ sử dụng nguồn vốn khác ngoài chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án này theo các quy định có liên quan của pháp luật về đầu tư công.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, việc xây dựng trung tâm văn hóa quốc gia ở nước ngoài là vấn đề mới nhưng đúng đắn về mặt chủ trương. Các trung tâm này hướng tới việc giúp đồng bào ta ở nước ngoài được hưởng thụ văn hóa trong nước. Ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm, trong đó nhất quán về tên gọi, sao cho ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu.
Tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 gồm 10 nội dung thành phần. Đó là: phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình, nâng cao năng lực thực hiện chương trình, truyền thông, tuyên truyền về chương trình. Về mục tiêu, đến năm 2035, chương trình sẽ đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã. Thứ hai, 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện. Thứ ba, 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật. Thứ tư, 100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Thứ năm, có ít nhất 10 tác giả đoạt giải thưởng văn học ASEAN. Thứ sáu, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước, có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%. Thứ bảy, hoàn thiện thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế. Thứ tám, 100% công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn. Thứ chín, hằng năm, có ít nhất 4-6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật ở nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam. |
Minh Quang