Đừng ngồi lèm bèm mà hãy rời ghế đi tìm những ca khúc xứng đáng

15/04/2017 - 17:00

PNO - Thay vì ngồi yên trên ghế của mình mà lèm bèm phân bua với dư luận, xin các ngài quan chức hãy rời ghế mà đi tìm những gì xứng đáng được cho phép, được khuyến khích, để đưa vào cuộc sống, cho người dân được hát.

Sau nhiều ồn ào quanh việc một đêm nhạc sinh viên của một trường đại học (ĐH) nổi tiếng và lâu đời - ĐH Y Huế, bị vướng vòng “chưa xin phép”, hôm 12/4, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã công bố: bổn Cục đã cấp giấy phép cho bài hát Nối vòng tay lớn trong chương trình biểu diễn của trường, còn ba bài hát khác (cũng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) thì chưa cấp phép.

Dung ngoi lem bem ma hay roi ghe di tim nhung ca khuc xung dang
 

Vị quan chức của Cục này cho biết một cách rất bài bản theo thể thức hành chính công vụ, rằng “căn cứ theo các quy định của pháp luật và xét đề nghị kèm theo hồ sơ của trường ĐH Y Huế cũng như biên bản thẩm định của Hội đồng nghệ thuật, Cục NTBD cho phép phổ biến trên toàn quốc tác phẩm Nối vòng tay lớn của tác giả Trịnh Công Sơn”.

Bạn bè ở Huế xôn xao chuyện dân trường Y xưa nay “chảnh” nhất trong các trường ĐH ở Huế, hoàng triều cương thổ, lại thêm khoa cử danh môn, nên đi đâu cũng chỉ cần danh tiếng không cần thủ tục, vậy mà nay thầy trò lại “chịu khó” lập hồ sơ xin phép Cục nọ để được hát Nối vòng tay lớn! Làm được việc này thật có ý nghĩa, vì nhờ đó mà từ nay trở đi anh em bà con từ Bắc vô Nam thoát cảnh “hát chui”!

Chỉ tiếc hùi hụi là sao không tiện thể xin phép luôn một lúc năm bảy bài, để giờ ai muốn hát bài nào phải cất công xin phép bài đó. Với đà xã hội hóa karaoke như hiện nay, chỉ cần cái micro không dây rẻ bèo với cái điện thoại cũng… bèo bèo, là có thể biểu diễn cho xóm làng nghe, chắc là cái Cục nọ sẽ nhận được vô vàn hồ sơ xin phép hát xong bài này rồi hát tới bài kia!

Nói chơi vậy thôi chớ không phải đơn giản. Hồ sơ xin phép phải bao gồm các loại giấy tờ như đơn đề nghị cấp phép, bản ghi âm nội dung tác phẩm và chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả... Dễ gì làm đủ hồ sơ! Mà làm rồi thì dễ gì nộp được hồ sơ!

Chỉ một bài Nối vòng tay lớn thôi, mà phải đến hai đơn vị to đùng là trường Y Huế và Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam, cùng nộp hồ sơ xin phép. Thông tin này làm rõ cho dân tình chuyện ai xin thì cho người đó, chứ không phải ngồi đó đợi người ta xin rồi... hát ké đâu!

Chuyện nghe buồn mà vẫn phải chịu, vì thủ tục nó vậy. Xong xuôi, Cục cũng nói vuốt đuôi dư luận: “Thông qua sự việc này, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến để trình lãnh đạo Bộ VHTT-DL xem xét sửa những gì không phù hợp”. Phát biểu đúng quy phạm pháp luật nhưng sao nghe không có chút xíu nào cái “chất” của người làm nghệ thuật, cái bức bối tự thân của người muốn hát mà không được hát.

Chẳng lẽ Cục chỉ có thể tiếp thu ý kiến thôi, chứ không cần biết cái thực tế là bài hát ấy từng được bao nhiêu thế hệ học sinh sinh viên từ Nam ra Bắc đã hát, đã thuộc, đã sống cùng nó? 

Những tác phẩm nghệ thuật đã có sức sống trong lòng người, đã thành một phần máu thịt của cộng đồng, phải được đặt đúng vị trí của nó. Các quy định, văn bản... cứ theo nhau ra hàng loạt, cái sau chồng lấn cái trước, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau, mà chính bản thân cơ quan quản lý cũng thừa nhận “khó đi vào cuộc sống” thì sao cứ để chúng “vô tư làm khó cuộc sống”? Hãy thử đặt hàng đống giấy tờ đó lên bàn cân, mới thấy chúng rất vô nghĩa bên cạnh một tờ giấy mong manh chép mấy khuôn nhạc, ca từ.

Dung ngoi lem bem ma hay roi ghe di tim nhung ca khuc xung dang
Trước nay, ca khúc này được sử dụng rất phổ biến.

Có văn bản, quy định nào so được với sự bất tử của một câu thôi, trong bài ca ấy, đơn giản như: “từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay”? Biết cư xử tôn trọng với di sản văn hóa của giống nòi, là biết gìn giữ sức mạnh của di sản ấy, là biết tự nâng mình lên cho ngang tầm với cái sức lay động mãnh liệt của tác phẩm nghệ thuật ấy. Nghĩ và làm theo kiểu định ra một cái khung nhỏ hẹp, rồi đem di sản, đem người tài đặt vào trong cái khung ấy, tưởng vậy là “quản lý” được - chỉ là cách nghĩ thiển cận, lạc hậu lắm rồi. Đừng ảo tưởng nữa!

Thay vì ngồi yên trên ghế của mình mà lèm bèm phân bua với dư luận theo kiểu nghe qua là bật cười “lâu nay chưa có ai xin nên chưa cho phép”, xin các ngài quan chức hãy rời ghế mà đi tìm những gì xứng đáng được cho phép, được khuyến khích, để đưa vào cuộc sống, cho người dân được hát, được sống với những quà tặng tâm hồn ấy. Làm được vậy may ra việc cho phép của các ngài sẽ mang lại được một chút danh giá cho các ngài.

Ngọc quý không dễ tìm, người hiền tài chẳng bao giờ cầu lụy chốn nha môn. Nếu đã thấy viên ngọc ấy, đã biết người hiền tài ấy, mà còn bảo người ta phải uốn lưng, gọt chân cho vừa giày, thì thái độ ấy, nói nhẹ một chút là còn tồn tại cơ chế xin - cho trong việc cấp phép biểu diễn ca khúc, thể hiện cái tư duy cũ kỹ của các cơ quan quản lý nhà nước; còn nói nặng thì đó là thái độ ứng xử còn chưa đủ tầm văn hóa. Chẳng biết sau những gì đã xảy ra, liệu mọi thứ có được nâng tầm, cho gần hơn, xứng hơn với những di sản văn hóa mình đang có hay không...

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI