Không biết có phải do phụ nữ thường hay “làm ầm lên” khi bị chồng phản bội nên cánh mày râu cho rằng chỉ cần mình chung thủy với vợ là mọi thói tật hay tính xấu khác đều có thể bỏ qua? Chồng tôi cũng có quan điểm ấy. Và lạ lùng là chẳng phải mình chồng tôi mà cả anh trai tôi, các anh rể, lẫn các đồng nghiệp và bạn bè là nam của tôi đều khẳng định rằng, tôi quá cầu toàn và khó tính nên mới chia tay khi chồng cực kỳ chung thủy. Nhưng với riêng tôi, và có lẽ với không ít chị em khác, sự chung thủy hoàn toàn không phải là điều duy nhất chúng tôi cần ở một người chồng.
Tôi và anh quen nhau qua mai mối, hai bên nhìn nhau thấy ưng mắt nên đồng ý tìm hiểu. Dù sống cùng một thành phố nhưng anh lại đi làm ở tỉnh khác, mỗi tháng chỉ về nhà hai lần vào dịp cuối tuần nên suốt thời gian yêu nhau, chúng tôi không gặp nhau thường xuyên như nhiều cặp đôi khác. Thời gian gặp nhau ít, thường chỉ tranh thủ đi ăn với nhau rồi chuyện trò một chút xong ai về nhà nấy, chứ nào có ngày rộng tháng dài mà đi đây đi đó cùng nhau hay ở bên nhau suốt ngày để mà thấy được những điều không phù hợp. Với lại, có nhiều thứ, lúc còn yêu và khi đã cưới về, chồng tôi thể hiện rất khác nhau.
Chẳng hạn, khi còn yêu, mỗi ngày anh đều nhắn tin, gọi điện cho tôi tỏ ra quan tâm chu đáo – và với người con gái đang yêu, chỉ những lời hỏi han từ xa thôi cũng đã đủ ấm lòng. Nhưng khi cưới nhau rồi, anh tỏ rõ mình là một người chồng vô tâm “hết thuốc chữa”. Vô tâm và lười biếng. Lười chia sẻ, phụ giúp việc nhà với vợ đã đành, anh còn lười luôn cả việc yêu thương và quan tâm vợ. Thậm chí, những điều tôi làm cho anh, anh đều mặc nhiên coi đó là bổn phận của người vợ, nên chẳng cần biết ơn hay cảm kích.
|
Chồng tôi không chỉ lười phụ vợ việc nhà, mà cả việc quan tâm và yêu thương vợ, anh cũng lười nốt (ảnh minh họa). |
Tôi nào có cần anh nói lời cảm ơn, nhưng chí ít, anh cũng nên đáp lại bằng chút quan tâm ân cần với vợ. Nhưng không, anh chỉ mặc nhiên đón nhận những thứ tôi làm như một lẽ tất yếu. Ngày tôi quằn quại trong viện vì ca sinh khó, suốt từ sáng đến chiều chưa được vào phòng mổ, chỉ mong anh đến nắm tay động viên tôi một câu, nhưng đáp lại những cuộc gọi của mẹ tôi là tiếng chuông đổ dài. Tối đó, khi đã yên vị trong phòng hồi sức, tôi rơi nước mắt không phải vì đau vết mổ mà bởi nhận ra, hình như trong cuộc hôn nhân này, mình cho đi quá nhiều mà chẳng nhận lại chút gì.
Khuya hôm đó khi tôi được đẩy về phòng gặp con thì thấy chồng đang cười nói giả lả, bảo “anh quên bật chuông điện thoại, cả ngày ngồi làm việc không rờ tới nên không biết em sinh rồi”. Lý do anh nói thật buồn cười và khó tin, khi mà những lúc ở nhà, anh chỉ toàn ôm điện thoại là chính. Và rồi anh cũng phó mặc việc chăm nom tôi cho mẹ vợ, đến bế con anh còn lười, nói gì tới việc hỏi han xem vợ có đau không. Đêm đầu tiên xuất viện về nhà, vết mổ của tôi bị rướm máu do cử động mạnh, tôi đau quá chảy cả nước mắt. Anh nhìn tôi kiểu khinh thường: “Em đúng là chịu đau kém nhỉ. Anh thấy bao người đẻ mổ có sao đâu”.
Lần khác, tôi bị đau bụng dữ dội, phải đi cấp cứu. Hôm ấy chồng ở nhà nên tôi nhờ anh đưa đi. Nằm trên giường cấp cứu, tôi nghe loáng thoáng nhân viên ghi hồ sơ hỏi anh về chiều cao, cân nặng của tôi. Anh gãi đầu gãi tai bảo: “Tôi cũng không nhớ lắm”. Cô y tá bảo anh cứ ước lượng cũng được. Anh nghĩ một lát rồi bảo: “Nặng đâu tầm 57kg. Cao thì tôi chịu”. Tôi suýt nữa bật cười giữa cơn đau. Ai gặp tôi thời gian ấy cũng bảo tôi sao dạo này gầy quá. Lúc ấy, tôi nặng 46kg. Mà nào phải chồng tôi ước lượng kém. Chẳng phải anh vẫn thường xuýt xoa rằng cô diễn viên này cô ca sỹ nọ trên ti vi dáng đẹp, rồi phán mấy cổ nặng bằng này cao chừng ấy chuẩn như google đó hay sao?
|
"Bạn thân" của chồng tôi mỗi khi ở nhà không phải vợ hay con mà là chiếc điện thoại (ảnh minh họa). |
Đúng, chồng tôi không ngoại tình. Chí ít, tôi chưa từng tận tay bắt được anh à ơi ai khác. Ngày tôi đưa cho anh tờ đơn đã ký sẵn, anh bàng hoàng, rồi chuyển sang phẫn nộ. Anh hét lên: “Em điên à? Anh làm gì mà em đòi ly hôn? Em nhìn xem bao nhiêu nhà chồng đi ngoại tình vợ còn phải cắn răng chịu đựng, đây anh một lòng một dạ với vợ con mà em còn yêu sách cái gì nữa?”. Tôi không trả lời.
Tôi đã quá chán cái cảnh, một tay dỗ đứa nhỏ khóc oằn oại, tay kia đút cơm cho đứa lớn trong khi chồng khểnh chân nằm xem clip hài trên ghế sofa. Nhờ chồng trông hộ đứa nhỏ, anh bảo nó có theo anh đâu. Bảo anh đút cơm cho đứa lớn hộ, anh nhăn mặt: “Có mỗi việc cho con ăn em cũng dừa cho anh, anh đi làm cả ngày mệt lắm rồi nghỉ một tý cũng không yên”. Nói xong, anh xách điện thoại vào phòng ngủ. Anh quên mất rằng, tôi cũng đi làm như anh, mỗi ngày 8 tiếng.
Tôi cũng đã quá mệt mỏi với việc giục giã chồng đón hộ con sau giờ làm, bởi anh luôn có hàng tá lý do để từ chối, dù cơ quan anh chỉ cách trường con có 2 cây số. Tôi kiệt sức khi quay cuồng với đi chợ, dọn nhà, rửa bát, đổ rác, giặt đồ, phơi đồ, gấp đồ, ủi đồ… đến nửa đêm trong khi chồng nằm trên giường và quay lưng vào tường với cái điện thoại. Và còn thiết tha gì với hôn nhân được nữa, khi tôi bảo anh, nếu anh không thể san sẻ cùng tôi việc nhà, hãy tìm cho tôi một người giúp việc, theo giờ cũng được, và anh trả lời rằng: lương anh chỉ chừng đó, em nhắm xài sao cho được thì cứ làm. Và rồi, tôi lại phải thức thêm hai tiếng mỗi đêm sau khi các con đã ngủ và việc nhà đã xong, để làm thêm sao cho đủ tiền thuê người giúp việc.
|
Anh quát vào mặt tôi ngày tôi đưa cho anh tờ đơn ly hôn đã ký sẵn, rằng tôi yêu sách và đòi hỏi quá nhiều, tôi không biết trân trọng người chồng chung thủy như anh (ảnh minh họa). |
Và tôi quyết định ly hôn, khi anh có thể nhăn mặt trước chiếc áo sơ mi chưa kịp ủi, mà không nhìn thấy bàn tay phải của tôi đang quấn băng trắng toát vì vừa bị bỏng nước sôi. Tôi chọn cách ly hôn để 24 tiếng mỗi ngày của tôi chỉ dành để kiếm tiền, chăm con và nếu có thể, cả một vài giờ ngơi nghỉ cho mình – chứ không phải để làm một người vợ “siêu nhân” như anh mong muốn.
B. Phượng