Đừng ném đi "viên ngọc quý"

14/10/2015 - 08:08

PNO -  Người phụ nữ phải khéo léo tìm hiểu tường tận để không phải hối tiếc vì “viên ngọc ném đi, viên đá nhặt lại”.

Mỗi lần anh chở vợ đi đâu, chị cũng nhận những lời xầm xì: “Sao chồng em giống Võ Đại Lang vậy?”. Đó là một nhân vật trong phim Võ Tòng, đã lùn tịt lại xấu trai. Mà quả thật, anh vừa ít... đẹp, vừa ít nói, cục mịch lại còn nghèo.

Trong khi đó, chị xinh đẹp, cao ráo, da trắng như sứ, lại ăn nói nhỏ nhẹ. Không ít người xuýt xoa: “Em lấy anh ta phí đời quá”. Lần đầu tiên nghe câu nói ấy, chị đã chực khóc. Chị sống trong nước mắt và không biết bao nhiêu lần có ý nghĩ ly hôn.

Chị thừa nhận lấy chồng theo kiểu “không yêu mà cưới”. Thời chị 20 tuổi, trai tráng đến nhà tấp nập. Sau nhiều lần kén cá chọn canh, cuối cùng chị cũng chọn được một anh ưng ý, đẹp trai, nhà khá giả lại tốt tính.

Nhưng, anh người yêu của chị lại có tính hay tự ái, giận hờn. Một lần anh ta giận chị hơn tháng, chị bực bội nhận lời lấy người chồng hiện thời chỉ sau một câu tỏ tình vu vơ. 

Hôn nhân không có tình yêu nên những ngày đầu, hai vợ chồng không hiểu nhau, cứ cãi nhau từ những chuyện rất nhỏ nhặt. Anh ít nói nên mỗi khi chị giận điều gì, anh không bao giờ giải thích mà bỏ đi một nước khiến chị càng tức hơn.

Chị càng cằn nhằn, càng la hét, anh lại càng không về nhà. Anh đi ăn nhậu đến khuya, bỏ mặc chị ở nhà vất vả trăm công ngàn việc. Khi ấy, anh còn ở với ba mẹ và hai người chị gái, chị khổ sở, áp lực vì mẹ chồng và chị chồng luôn kiếm chuyện bắt lỗi từng chút một.

Thời gian này, anh chưa có việc làm, chị cũng thất nghiệp. Cả gia đình anh sống nhờ vào tiền trợ cấp của người chị ở nước ngoài. Mẹ chồng và chị chồng quán xuyến việc chi tiêu trong gia đình.

Có khi tới tháng, chị không có tiền mua gói băng vệ sinh. Càng khó khăn tiền bạc, vợ chồng càng cắn đắng nhau. Có khi cả tháng trời, anh chị không nhìn mặt nhau. Đỉnh điểm của sự căng thẳng là khi chị có thai đứa con trai đầu lòng.

Anh không làm ra tiền nên mỗi lần đi khám thai, chị phải muối mặt ngửa tay xin tiền mẹ chồng. Chị không nhớ đã bao nhiêu lần chị vào nhà vệ sinh khóc thầm khi nghe những lời đay nghiến, xỉa xói của mẹ và chị chồng.

Dung nem di
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Ngày chị nằm trên bàn sinh, anh vẫn dán mắt vào màn hình ti vi xem bóng đá ở những quán cà phê cóc. Chị định bụng sinh con xong sẽ gửi con về ngoại, còn mình xin làm công nhân, chính thức ly hôn, thoát khỏi người chồng vô trách nhiệm.

Không ngờ, anh thay đổi rất nhanh khi cậu con trai bé bỏng chào đời. Từ khi làm cha, anh dần có trách nhiệm với vợ con hơn. Một lần, anh bàn với vợ: “Hay vợ chồng mình làm bánh bán? Mấy lần sang nhà thằng bạn chơi, anh có học được chút nghề. Thấy vợ chồng nó làm bánh cũng được lắm”.

Sau khi mua khuôn, dụng cụ, bột đường về, hai vợ chồng mày mò làm mẻ bánh đầu tiên, dù chưa được khéo, cái méo, cái tròn nhưng cũng có vài người bà con ủng hộ. Sau nhiều lần thực hành, cuối cùng, anh chị cũng cho ra lò được những mẻ bánh như ý.

Từ khi có việc làm, anh không còn cà kê quán xá, tụ tập bạn bè nữa. Sáng 4g là anh thức dậy nhồi bột, nướng bánh, khoảng 6g, hai vợ chồng bưng bánh ra trước trường học bán.

Khi con trai cứng cáp hơn, chị gửi con nhờ ba mẹ chồng trông, hai vợ chồng mỗi người một góc đứng bán bánh. Tự túc về kinh tế, mẹ và chị chồng cũng nể chị hơn, không còn cằn nhằn, trách mắng chị chuyện tiền bạc nữa.

Thấy việc làm bánh cũng khấm khá, chị bàn với chồng dọn ra ở riêng. Khác với trước đây hay lớn tiếng để uy hiếp, dằn mặt chồng, nay chị đã hiểu tính anh thích nhỏ nhẹ. Chị tỉ tê mãi, cuối cùng anh cũng chấp thuận.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI