Đừng mua rét về mà run!

05/04/2013 - 19:11

PNO - PN - Không phải bây giờ mà từ xa xưa, nhân dân ta không hề tiếc máu xương và của cải để giữ nước và dựng nước. Nhân dân sẵn sàng dỡ nhà làm cầu hay lót đường cho xe ra chiến trường, nhường ruộng đất làm đường, làm ụ pháo...

Dù ruộng đất được Hiến pháp quy định là “sở hữu toàn dân”, nhưng nhân dân rất có lý khi phản ứng mạnh mẽ trong trường hợp ruộng đất của họ bị thu hồi để phục vụ cho lợi ích một nhóm, thậm chí một vài nhà đầu tư núp dưới cái bóng khá mơ hồ là “thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Thực vậy, nông dân đồng lòng sao được khi các nhà đầu tư thông qua chính quyền thu hồi đất của họ với giá rẻ như bèo, có nơi mỗi mét vuông đất không mua được bát phở, để rồi ngay sau đó, được chia lô bán với giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng. Đa số vụ bùng nổ đất đai trước nay là từ cái bất công ai cũng nhìn thấy nhưng không ai có quyền giải quyết triệt để vì không đủ hành lang pháp lý, và rất nhiều khi, do sự lạm dụng quyền hành để cấu kết trục lợi. Trong trường hợp đó, đất đai gọi là “sở hữu toàn dân”, nhưng trong thực tế lại thuộc quyền sinh sát của cán bộ có quyền. Nếu những vị này - tiếc thay, đây lại là “một số không nhỏ” - thoái hóa biến chất, cấu kết với kẻ đầu tư bất minh, tham ô, tham nhũng thì mặc nhiên hình thành mâu thuẫn đối kháng quyền lợi giữa nông dân và bọn họ. Với “bọn họ” chứ không phải “Nhà nước”, (hầu như rất ít trường hợp nông dân khiếu kiện vì bị thu hồi đất làm công trình công cộng, kể cả vườn hoa).

Dung mua ret ve ma run!

Nếu có dự án phát triển kinh tế - xã hội, các nhà đầu tư phải trực tiếp thương lượng
với dân theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”. Ảnh minh họa: SGGP

Chính vì thế mà không thể không đồng tình với những ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp của cán bộ, chiến sĩ công an TP.HCM được đăng tải lên báo ngành mới đây. Có lẽ từ chiêm nghiệm thực tiễn nhiều khi chua chát và bất đắc dĩ trong các vụ thu hồi đất, chính những người trong cuộc cảnh báo “Cần tránh việc lợi dụng danh nghĩa thu hồi đất để trục lợi”, tránh lạm dụng thu hồi đất để phục vụ lợi ích riêng, lợi ích nhóm, “Vì vậy, tại khoản 1 điều 15, đề nghị bỏ quy định Nhà nước quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. (Báo điện tử CATP.HCM thứ Ba 2/4/2013).

Nếu có dự án phát triển kinh tế - xã hội, các nhà đầu tư phải trực tiếp thương lượng với dân theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”, anh có tiền, tôi có đất, Nhà nước cho phép, tôi phải được sống tốt hơn, có công ăn việc làm mới đàng hoàng sau khi giao đất cho anh, thế mới là “phát triển”, là lẽ công bằng. Đề nghị của công an TP.HCM cũng công nhận: “Đó là một trong những nguyên nhân gây cản trở trong công tác thu hồi, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện đất đai kéo dài làm phức tạp tình hình chính trị địa phương”. Người dân chỉ phản ứng hoặc khiếu kiện vì quyền lợi sống còn bị xâm phạm, giá đền bù quá xa giá thị trường, hoặc bị bỏ mặc tự xoay xở chật vật để sống sau khi mất đất. Bởi vì, nếu nhà đầu tư dùng thủ đoạn, kể cả hối lộ một số quan chức chính quyền để trốn tiền đền bù thu hồi đất mới chính là vi phạm pháp luật, gây ra khiếu kiện.

Mong rằng Hiến pháp mới sẽ được sửa chữa những điều khoản gây khó cho việc thực thi quyền sử dụng đất của nhân dân, không tiếp tục “mua rét về run” trong tương lai nữa. 

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI