Đến chùa thành tâm đảnh lễ, cúng dường Tam Bảo, người ta quỳ dưới chân tượng Phật để cầu cho gia đình được bình an. Đối với nhiều người có biết ít nhiều về Phật pháp hiểu rằng khi niệm Phật cầu an có nghĩa là tự hứa sẽ làm nhiều việc tốt để tích đức, để được bình an.
|
Hàng ngàn người đi lễ chùa Tam Chúc (Hà Nam) đầu năm mới 2023 |
Nhưng nhiều năm gần đây, đâu đó ở các cơ sở thờ Phật người ta tổ chức dịch vụ tâm linh như cúng sao giải hạn, cắt tiền duyên… có niêm yết giá, để ai có nhu cầu phải chi trả. Hóa ra hễ có tiền là có thể mua được mọi thứ, kể cả bình an từ cửa Phật hay sao? Núp dưới áo cà sa, lừa lọc để làm giàu hiện ra rõ ràng mà sao vẫn có nhiều người mê muội theo đuổi!
Mồng Một tết tôi cùng ba tôi đến chúc tết sư cụ trụ trì ngôi chùa, nơi mà gia đình gửi tro cốt của người thân. Trong lúc hầu chuyện thầy thì có một thanh niên hỏi thầy chỗ nào trong chùa cậu có thể xin xăm. Tất nhiên thầy trả lời trong chùa không có chuyện đó. Nhìn tôi thầy mỉm cười, tôi cũng cười theo. Nhiều năm được hầu chuyện với thầy tôi cũng học được thế nào là Phật giáo chân chính, thế nào là pha trộn tín ngưỡng khác, và thế nào núp dưới áo cà sa, làm các việc mê tín để thủ lợi.
Không phải vô duyên vô cớ mà Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi ban trị sự giáo hội các tỉnh, thành phố, tăng ni các chùa về việc tổ chức lễ cầu an đầu năm, trong đó yêu cầu phải tránh các yếu tố mang tính hình thức dịch vụ tâm linh. Nhưng có cầu ắt có cung. Dù đã có hướng dẫn nhưng đâu đó vẫn có, công khai hay lén lút, thực hiện các hình thức mê tín đội lốt Phật pháp.
Bản thân mỗi người cần phải hiểu đúng về Phật pháp để không bị lợi dụng, bị mất tiền, mất của vô ích. Không ai, kể cả đức Phật có khả năng cho mình bình an nếu bản thân mình cứ làm điều ác, cứ chăm chăm mưu lợi bất chấp có thể gây hại cho người, cho vật, cho môi trường. Tiền không thể mua được duyên lành nếu tiền ấy có được từ những hành động xấu xa.
Phật đã dạy nhân nào quả nấy. Nhân ác sao có được quả lành?
Nguyễn Huỳnh Đạt