Đừng ‘lờn mặt’ nhau cho đến ngày cuối cùng

18/12/2014 - 19:44

PNO - PNO - Ngày trước, bà ngoại tôi từng kể cho tôi nghe “câu chuyện con lươn” và dạy rằng cuộc sống vợ chồng cần có sự tôn trọng nhau từ ngày đầu cho đến ngày cuối cùng chứ đừng vì đã tường tận nhau cả về tâm hồn lẫn thể...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày bà ngoại mất, ông ngoại tâm sự: “Cho đến giờ… sau khi sống với nhau gần 60 năm mà ông không hề muốn xa nhau dù chỉ một ngày và không hề chán bà ngoại, vẫn muốn nếu có kiếp sau thì được làm vợ chồng với nhau”. Theo ông, để có được điều đáng quý đó, ông bà đã sống với nhau bằng nguyên tắc “tương kính như tân”.

Cuộc sống thiên hình vạn trạng, nếu cứ nhìn vào những nhà khác thì chẳng biết tính chuyện của nhà mình ra sao. Có những cặp vợ chồng mới cưới đã chán nhau, có những đôi vài ba năm sau thì đưa nhau ra tòa, hay cá biệt có cặp vợ chồng mới vừa tổ chức xong đám cưới đã ly hôn luôn chỉ vì tranh chấp với nhau cái thùng tiền mừng cưới. Một số người đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, nhìn qua ngó lại xung quanh mình, bỗng sợ hãi và không còn tha thiết muốn lấy vợ lấy chồng nữa.

Dung ‘lon mat’ nhau cho den ngay cuoi cung

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Câu chuyện con lươn” của bà ngoại tôi như thế này: Có người chồng được học trò tặng cho một con lươn rất ngon. Hôm đó người chồng hẹn anh bạn thân đã lâu không gặp đến nhà chơi nên quyết định đợi bạn đến rồi cả nhà cùng thưởng thức. Thế nhưng khi người bạn đến, cô vợ bắt con lươn từ chiếc thùng ra thì lỡ tay làm tuột xuống cống thoát nước. Cô vợ hoảng hồn và đinh ninh rằng phen này sẽ bị chồng la cho một trận và thể nào cũng xấu hổ với bạn của chồng. Không thể giấu giếm được, cô vợ rón rén ra phòng khách, ngập ngừng nói với chồng rằng cô đã làm sổng con lươn. Lúc ấy cô đã chuẩn bị sẵn sàng cho một trận mắng. Thế nhưng người chồng chỉ mỉm cười bảo vợ “Không sao… em xem nhà mình còn món gì thì chế biến để cả nhà ăn cũng được!”.

Tình nghĩa vợ chồng chẳng lẽ không bằng một con lươn sao? Hơn nữa, nếu mắng vợ thì con lươn có quay trở lại được không? Và, la mắng vợ trước mặt bạn để vợ mình mất mặt với bạn thì càng tệ hơn nữa - Người chồng đã giải thích như thế khi sau đó người vợ hỏi tại sao anh không la mắng hay trách phiền. Trong cuộc sống vợ chồng, sẽ có hàng trăm hàng ngàn tình huống khiến người ta có thể nóng giận và đổ trút bực tức lên nhau, thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều so với việc vô ý làm mất một con lươn. Điều quan trọng là hãy biết kiềm chế cơn nóng giận để tránh làm tổn thương nhau. Bởi vì, có khi cơn giận qua đi mà hậu quả vẫn còn ở lại, những tổn thương vẫn còn trở mình rất lâu trong lòng một ai đó mà ta yêu quý.

Tại sao cái ngày còn là người yêu, khi một trong hai người gây ra những lỗi lầm nho nhỏ có thể tha thứ được… người kia nhẹ nhàng nói “không sao”, còn khi lấy nhau rồi thì lại “có chuyện”? Tại sao khách đến nhà vô ý làm vỡ cái bát thì có người nói “không sao đâu”, nhưng với vợ hoặc chồng mình thì trừng mắt lên nhìn, hoặc “đá xoáy” một câu gì đó? Có người vợ từng đau đớn thốt lên rằng “Tại sao anh không cứ coi em như là khách để đối xử tử tế với em?!” khi cô lỡ tay làm rơi cái bình hoa, bị chồng mắng là vô ý vô tứ, dù thường ngày cô là người rất đảm đang và cẩn thận.
Cô tự hỏi sao anh không cúi xuống nhặt những mảnh vỡ cùng vợ, hay hỏi vợ chân có bị làm sao không… Lẽ ra, khi đối xử ân cần, tế nhị với khách một… thì nên trọng đãi người bạn đời gấp mười, vì đó mới chính là người xứng đáng nhận những ngọt ngào, đáng yêu từ chúng ta kia mà. Có lẽ chính vì thế nên mới có câu “tương kính như tân”.

Dung ‘lon mat’ nhau cho den ngay cuoi cung

Có lần đến nhà một người bạn, tôi thấy phòng khách treo 2 bức thư pháp, một bức là chữ “nhẫn”, một bức là dòng chữ “tương kính như tân”. Chủ nhà nói rằng bác rất tâm đắc câu nói đó, treo lên để nhắc nhở chính mình và nhắc nhở nhau trong cư xử, sinh hoạt hàng ngày. Vợ chồng, con cái cần nên mềm mỏng, trân trọng nhau trong từng lời nói, từng hành động nhỏ… nhờ vậy mà nhà bác luôn ấm êm, hạnh phúc. Thiết nghĩ, nếu trong mỗi nếp nhà, trong mỗi cơn nóng giận… ai cũng có thể tự nhắc nhớ mình “câu chuyện con lươn” hay câu “tương kính như tân” thì có lẽ nhiều chuyện đáng tiếc đã/sẽ không xảy ra.

Chuyện tương kính như tân là chuyện từ bao đời nay, và rất nhiều người biết câu nói này, nhưng không phải ai cũng làm được. Hầu như người ta chỉ “giữ lễ” với nhau ở buổi đầu, nhưng khi về với nhau rồi thì bắt đầu lơ là hoặc không còn trân quý nữa. Biết rằng, cuộc sống chung có nhiều va chạm và những khuyết điểm sẽ theo thời gian bộc lộ dần, nhưng nếu hiểu rằng “nhân vô thập toàn” và bản thân mình cũng có lúc phạm sai lầm… thì người ta sẽ nhẫn nhịn và hòa nhã trong cư xử với nhau, để cuộc trăm năm không đằng đẵng những trông mong, hay có những “giá như…” sau cơn nông nổi.

HẢI THƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI