Gạo trong kho còn nhiều
Chị Nguyễn Thị Thu (quận 4) cho biết, gần đây, một số người hàng xóm lớn tuổi của chị mua mỗi lần 10 - 15kg gạo thay vì 5kg như trước do lo gạo bị đem xuất khẩu hết. Tuy nhiên, chị Cẩm Linh - chủ đại lý gạo Cẩm Linh lớn nhất nhì quận Bình Tân - khẳng định, sức mua gạo mấy ngày qua không biến động. Trong ngày, thỉnh thoảng, có vài khách đến mua bịch gạo 10kg.
Theo chị Linh, ở các tỉnh, giá gạo khô - loại gạo dùng để làm bún, phục vụ các suất ăn công nghiệp - tăng thêm 1.000-1.500 đồng/kg, còn gạo dẻo thì giá vẫn như cũ. Giá gạo dẻo ổn định là do sức mua người dân ở TPHCM (chỉ ăn gạo dẻo) giảm 50% so với các năm trước, trong khi lượng gạo dự trữ trong kho còn nhiều. Ở vựa Cẩm Linh, giá gạo dẻo thường hiện là 15.000-16.000 đồng/kg, giá gạo hương lài miên và ST25 đều 25.000 đồng/kg, gạo thơm thái 17.000 đồng/kg, bằng với mức giá từ đầu năm 2023 đến nay.
|
Lượng khách mua gạo ở đại lý Cẩm Linh (quận Bình Tân, TPHCM) hiện nay vẫn bình thường, chủ đại lý cho biết lượng gạo trong kho dồi dào |
Cũng theo chị Linh, mấy năm trở lại đây, nông dân Việt Nam ít trồng giống gạo tẻ thường mà chỉ trồng gạo dẻo. Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ, chỉ loại gạo này tăng giá. Sau dịch COVID-19, công nhân về tỉnh nhiều nên lượng gạo dẻo, gạo tẻ bán ra giảm mạnh. Chỉ khi bán hết lượng gạo cũ, đại lý nhập gạo mới về thì giá bán mới có thể tăng. Lượng gạo được dự trữ ở TPHCM rất nhiều nên chắc chắn sẽ không thiếu gạo.
Chị Linh nhận định: “Cũng có một số doanh nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân làm từ thiện mua nhiều để dự trữ phòng trường hợp giá gạo tăng, còn khách mua lẻ vẫn chỉ mua đủ dùng. Tháng Bảy âm lịch, nhiều người mua gạo để làm từ thiện nên giá gạo tẻ tăng nhẹ, hết tháng Bảy thì giá lại ổn định”.
Ngày 8/8, không khí bán mua ở chợ gạo trên đường Trần Chánh Chiếu, quận 5 vẫn như mọi ngày. Thỉnh thoảng, có một vài xe ba gác, xe tải đến chở gạo giao đi các công ty, trường học. Chủ vựa gạo Cúc Tạo cho biết, cách đây vài ngày, các đầu mối cung ứng gạo ở tỉnh thông báo giá gạo tẻ loại thường tăng hơn 1,5 triệu đồng/tấn so với cách đây 1 tháng, lên hơn 14,5 triệu đồng/tấn. Không ai mua gạo để trữ khi giá đang tăng. Vựa Cúc Tạo vẫn đang cố gắng bán hết lượng gạo đã nhập trước đó chứ chưa dám nhập gạo mới. Cũng giống như các đại lý khác, so với cách đây 1-2 năm, lượng gạo mà Cúc Tạo bán ra giảm 40%.
“Cúc Tạo chuyên cung cấp gạo sỉ cho các đại lý, cửa hàng, bếp ăn. Sau các đợt dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc cắt giảm lao động nên lượng gạo bán ra bị giảm” - chủ đại lý Cúc Tạo nói.
Tại các đại lý gạo trên đường Trần Chánh Chiếu, giá bán lẻ gạo ST25 là 30.000 đồng/kg, gạo Đài Loan là 22.000 đồng/kg, gạo hương lài miên 25.000 đồng/kg, gạo nàng hoa 26.000 đồng/kg, gạo nếp cái hoa vàng 30.000 đồng/kg, gạo thơm thái 18.000 đồng/kg. Mức giá này tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng.
Giữ nguyên giá gạo trong chương trình bình ổn
Theo khảo sát của Công ty cổ phần Lương thực Phương Nam (đại diện thương hiệu gạo Ông Cua ST25 ở TPHCM), có một số loại gạo tăng giá 15%. Riêng công ty này vẫn không tăng giá bán gạo Ông Cua ST25. Tuy nhiên, do xuất hiện tin đồn sẽ thiếu gạo và giá gạo sẽ tăng nên lượng gạo bán ra của công ty tăng tới 30%, từ 5 tấn/ngày tăng lên 7 tấn/ngày.
Không để xảy ra tình trạng đầu cơ gạo Ngày 6/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành chỉ thị về đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương, các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực, thế giới cũng như tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh gạo, xuất khẩu gạo, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi từ giá gạo. |
Ông Đinh Ngọc Tâm - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May - cho biết, từ ngày Chính phủ Ấn Độ công bố dừng xuất khẩu gạo tẻ thường (20/7), giá loại gạo này ở thị trường Việt Nam tăng 27 - 30%, kéo theo giá gạo dẻo thông dụng cũng tăng, từ 12.800 đồng/kg lên 16.200 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu (để làm bún, làm bột) tăng từ 11.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg.
“Khi gạo tăng giá thì các doanh nghiệp chế biến sản phẩm cũng phải tăng giá sản phẩm đầu ra tương đương 27 - 30%. Riêng gạo phân phối cho hệ thống siêu thị vẫn không tăng giá do hợp đồng ký kết với các siêu thị là dài hạn, thời gian tăng giá chưa đủ dài. Nếu tới đây, giá gạo tiếp tục tăng cao thì doanh nghiệp buộc phải đề nghị điều chỉnh giá” - ông Đinh Ngọc Tâm nói.
Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - giá gạo đã tăng từ năm 2022 chứ không phải mới đây, do ảnh hưởng của giá gạo thế giới, tình hình khan hiếm nguồn cung lương thực, thực phẩm trên toàn cầu. Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ chỉ là một minh chứng cho sự khan hiếm này chứ không phải là quyết định đột ngột.
Việt Nam là quốc gia có sản lượng gạo lớn trên thế giới, xuất khẩu từ 6-7 triệu tấn gạo/năm liên tục trong 25 năm qua. Từ đây đến cuối năm, Việt Nam sẽ tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng tổng lượng gạo xuất khẩu cả năm cũng chỉ ngang bằng các năm trước, an ninh lương thực vẫn bảo đảm nên sẽ không có chuyện khan hiếm gạo trên thị trường. “Hiện nay, do cuối mùa vụ, lượng gạo ít hơn, mối lái nghe thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nên đã mua gạo “găm hàng” khiến thị trường có biến động giá, tăng nhẹ” - ông Phạm Thái Bình phân tích.
Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM chiều 8/8, ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Thương mại, Sở Công Thương TPHCM - khẳng định, giá gạo tiêu dùng ở TPHCM vẫn ổn định, giá gạo của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2023 vẫn giữ nguyên. Theo đó, trong tháng 7/2023, giá bán lẻ gạo tẻ thường ở mức 15.900-16.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon từ 19.500-20.900 đồng/kg, gạo nếp thường 22.600 đồng/kg, gạo nếp ngon 27.500 đồng/kg…
“Từ đây đến cuối năm, ngành công thương TPHCM xác định, nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo nguồn cung gạo ra thị trường đầy đủ, ổn định. Theo kế hoạch đề ra, lượng gạo thuộc chương trình bình ổn giá cung ứng ra thị trường là 3.311 tấn/tháng, riêng tháng tết Giáp Thìn 2024 là 4.525 tấn. Nếu có sốt giá cục bộ, ngành sẽ tổ chức bán hàng lưu động với giá ổn định cho người dân” - ông Ngô Hồng Y khẳng định.
Đảm bảo nguồn gạo trên địa bàn TPHCM Chiều 8/8, Sở Công Thương TPHCM có văn bản đề nghị các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mặt hàng gạo chủ động thu mua, dự trữ, đảm bảo nguồn hàng; cung ứng đủ, vượt số lượng gạo đã đăng ký trong mọi tình huống; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký bình ổn. Các hệ thống phân phối hiện đại dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch thu mua, dự trữ và kịp thời cung ứng mặt hàng gạo cho thị trường trong mọi tình huống. Song song đó, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bình ổn thị trường, doanh nghiệp cung ứng gạo; chủ động đàm phán hợp đồng phân phối các mặt hàng gạo trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ, hợp tác bền vững và có kế hoạch giao nhận hàng dài hạn, ổn định. UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng gạo trên địa bàn, báo cáo về Sở Công Thương, Sở Tài chính và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa trên địa bàn. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về giá gạo tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn; chỉ đạo ban quản lý các chợ trên địa bàn tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa; việc cân, đong hàng hóa, niêm yết giá trong phạm vi quản lý của chợ. Nguyễn Cẩm |
Thanh Hoa