Dừng lễ hội để chống virus corona không làm đứt gãy sợi dây liên kết cộng đồng

02/02/2020 - 11:20

PNO - Có những thời điểm 30 năm không tổ chức lễ hội, người ta vẫn tái lập được tốt. Không đặt vấn đề quá nghiêm trọng về đứt gãy văn hóa.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ trước yêu cầu dừng các lễ hội ở nước ta vì dịch virus corona.

Lễ hội cũng cần “tùy cơ ứng biến”

Sau Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch viêm phổi Vũ Hán, sẽ không có địa phương nào khai hội và tổ chức lễ hội.

Nhiều lễ hội lớn của nước ta như ở chùa Yên Tử (Quảng Ninh), Tam Chúc (Hà Nam), lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), khai ấn đền Trần (Nam Định)… đã dừng khai mạc.

Phủ Tây Hồ (Hà Nội) đông... bất chấp virus corona - Ảnh: An Vũ
Phủ Tây Hồ (Hà Nội) đông... bất chấp virus corona - Ảnh: An Vũ

Trải qua hàng nghìn năm, lễ hội được duy trì thường xuyên vào dịp nhất định trong năm, không chỉ hình thành các ý niệm chung của cộng đồng mà còn làm tươi mới các mối quan hệ trong xã hội. Có một số ý kiến cho rằng, dừng các lễ hội sẽ làm cho sợi dây cố kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc có nguy cơ bị đứt gãy. Trong khi đó, bất chấp đại dịch virus corona đang diễn biến hết sức phức tạp, người dân vẫn đổ xô về các lễ hội để cầu an, cầu phúc đầu năm mới.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, đây là câu chuyện liên quan đến “tình thế” và sức khỏe của cả cộng đồng, hết sức cấp bách. Cần ủng hộ ưu tiên chống dịch, tránh tụ tập ở nơi đông người, đặc biệt những sinh hoạt hội hè, hội làng… Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các thông báo từ những kênh thông tin chính thống, các cơ quan của nhà nước để có những quyết đáp cho phù hợp. Dừng lễ hội không làm ảnh hưởng đến sợi dây cố kết cộng đồng hay truyền thống dân tộc.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ gọi cuộc chống lại virus corona lần này là “một cuộc chiến đấu”, tất cả vì sự an toàn sức khỏe của người dân.  “Yêu cầu tạm dừng những lễ hội chưa khai mạc là một phương sách nằm trong tổng thể của việc dập dịch lần này. Thánh thần nào đi chăng nữa cũng mong muốn nhân dân an lành, mạnh khỏe. Thánh thần cũng rộng lượng và thông cảm với chúng ta thôi”, ông Vĩ nói.

Ông cũng nhấn mạnh: “Đây không chỉ là một trận dịch bình thường mà là một tai họa. Trước đây, có những thời điểm như chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, 30 năm không tổ chức lễ hội, người ta vẫn tái lập được tốt. Ta không đặt vấn đề quá nghiêm trọng về đứt gãy văn hóa, vì văn hóa không phải là một thứ có thể nói mất là mất ngay được”.

Hội quán Ôn Lăng (TP.HCM) vẫn nhộn nhịp người ngày mồng 6 Tết Nguyên đán bất chấp đại dịch - Ảnh: Đậu Dung
Hội quán Ôn Lăng (TPHCM) vẫn nhộn nhịp người ngày mồng 6 Tết Nguyên đán - Ảnh: Đậu Dung

PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói thêm, chính quyền địa phương và ban tổ chức lễ hội ở các địa phương cần phải cân nhắc tình hình cụ thể để có những quyết định cho đúng. Trong hoàn cảnh mới nhiều thách thức như hiện nay, tổ chức lễ hội cũng phải “tùy cơ mà ứng biến”.

Thu hẹp quy mô lễ hội

Trước gợi ý có thể lùi lại việc triển khai lễ hội, PGS.TS Nguyễn Văn Huy không cho rằng đó là phương án hợp lí, vì “lễ hội phải làm đúng ngày, đúng giờ”. Theo ông, trong hoàn cảnh dịch virus này, lễ hội vẫn diễn ra nhưng quy mô, phạm vi lễ hội nên thu hẹp lại, nhỏ nhất có thể. Không tổ chức đám rước, các hoạt động vui chơi, văn nghệ, thể thao tụ tập đông người. Chỉ nên cử hành các nghi thức thiêng, các lễ tế, lễ cúng bên trong đình, đền,… với vài chục người. Không nên lùi, vì nếu lùi, cũng chẳng biết bao giờ mới cử hành lại được.

Trong lịch sử, đất nước từng trải qua nhiều đại dịch. Khi đó, thông tin, sự chỉ đạo từ trên xuống không được thuận lợi như ngày nay. Khả năng lây lan cũng không phức tạp như ngày nay. Bây giờ, với sự thuận lợi của hạ tầng giao thông, giao thông, sự giao lưu trên toàn thế giới, sự lây lan diễn ra nhanh chóng hơn, phức tạp, thách thức hơn bao giờ hết.

Lễ hội vật cầu Thúy Lĩnh (Hà Nội) - Ảnh: An Vũ
Lễ hội vật cầu Thúy Lĩnh (Hà Nội) - Ảnh: An Vũ

Ngày xưa, do sự hiểu biết hạn chế, ở những vùng hay bị dịch bệnh, người dân sống ở đó còn bị cô lập, thành những truyền thuyết, thành những mặc cảm. Họ thường chịu những kì thị, đánh giá từ bên ngoài. Trẻ con không đến chơi ở đó, người lớn đi chợ mà gặp thì tránh đi.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, ngày nay, chúng ta có một thể chế, một chính thể hiện đại, ta có thể điều chỉnh những điều đó bằng các biện pháp hành chính lẫn tuyên truyền. Mục tiêu cao nhất vẫn là dập dịch, đem lại sức khỏe của toàn hệ thống, cho cộng đồng.

Với lễ hội, phần lễ nghi để cúng tế; phần hội để trình diễn, giao lưu. Trong hoàn cảnh mới, những lễ hội chuyển được thì có thể chuyển được sau khi đã an bình. Những lễ hội định kì có thể tổ chức một lễ cúng đơn giản.

Đậu Dung

 
TIN MỚI