PNO - PNO - Con số các vụ ly hôn sau 40 năm chung sống đang tăng cao và làm đau đầu các nhà xã hội học.
edf40wrjww2tblPage:Content
Nicola Ellis tưởng chừng như mình đang bước gần đến những năm tháng vàng son sắp được hưởng thụ của tuổi già. Ở tuổi 60, bà có sáu người con và đã gần nghỉ hưu, sống trong ngôi nhà cùng xây dựng và vun đắp với người chồng gắn bó suốt 40 năm. Nhưng một buổi sáng, tất cả như sụp đổ khi chồng bà tuyên bố: “Anh không còn yêu em nữa, anh muốn đi xa trong một năm và xem xét lại tình cảm của mình khi trở về”.
Nicola, hiện ở tuổi 77, nhớ lại: “Tim tôi tan vỡ, nỗi đau này sẽ khắc dấu trong tôi suốt những tháng ngày còn lại. Tôi không thấy một dấu hiệu nhỏ nào cho thấy hôn nhân của chúng tôi đang bên bờ đổ vỡ. Cuối cùng, tôi mắc chứng lo âu suốt từ đó đến nay và phải uống thuốc điều trị trong 18 tháng”.
Đổ vỡ trong hôn nhân là một tin buồn, càng buồn và sốc hơn khi nghe tin này từ những cặp vợ chồng đã gắn bó với nhau trong nhiều thập kỷ. Năm 2010, tin cặp vợ chồng cựu phó tổng thống Mỹ Al và Tipper Gore ly hôn chỉ sau vài tuần kỷ niệm 40 năm ngày cưới và mua nhà mới, làm cả nước Mỹ sửng sốt.
Dư luận tại đây không thể quên nụ hôn nồng thắm họ trao nhau tại lễ tuyên thệ nhậm chức vào năm 2000. Họ đã trải qua nhiều gian khó cùng nhau: Al tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, con trai cận kề cái chết trong một tai nạn giao thông, Tipper trải qua cuộc phẫu thuật tuyến giáp. Bạn bè thân thiết của cả hai tiết lộ, cuộc đổ vỡ không có sự góp mặt của “người thứ ba”, cả hai chỉ cảm thấy càng ngày càng xa cách.
Những cuộc ly hôn như gia đình Gore và Ellis không còn hiếm nữa. Con số ly hôn tại Anh vào những năm gần đây có giảm, nhưng tỉ lệ của những người hơn 60 tuổi lại tăng cao một cách đáng ngại. Năm 2013, có 15.678 cặp vợ chồng ở độ tuổi 60 ly hôn tại Anh, so với con số 9.052 trong năm 1997. Năm 2009, cặp vợ chồng Bertie và Lessie Woods đã lập kỷ lục ly hôn sau 36 năm chung sống khi cả hai ở tuổi 98.
Tại sao những cặp vợ chồng này, đáng lý sẽ cùng nhau hưởng tuổi già với tiền hưu trí và đã bước vào thời kỳ mãn kinh lại quyết định chia tay?
Margaret Hatwood, một luật sư chuyên về gia đình khẳng định, càng ngày cô càng thấy nhiều khách hàng lớn tuổi tìm đến để ly dị: “Sự thay đổi trong cuộc sống có lẽ là một phần trong những lý do dẫn đến hội chứng này. Tuổi thọ và sức khỏe của con người ngày càng cao hơn, đơn giản là không thực tế để hai người sống cùng nhau đến 40 hay 50 năm”.
Trong khi đó, David Pinless, giám đốc trang mạng FiftyAlready.com, trang tìm bạn trên mạng dành cho những người trên 50 tiết lộ số khách hàng tham gia đã tăng đáng kể trong những năm gần đây: “Khi con cái khôn lớn và rời khỏi gia đình, ở nhà chung với bạn đời đã về hưu chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống, và mối quan hệ sẽ trở nên hoặc tốt hơn hoặc xấu đi”.
Christine Northam, chuyên viên tư vấn của hãng Relate cũng có nhiều khách hàng lớn tuổi đến hỏi về việc hàn gắn hôn nhân. Cô nhận thấy hầu hết đàn ông ở độ tuổi này bỏ vợ để đến với người đàn bà khác, trong khi đó, 7 trong 10 phụ nữ ly hôn chỉ để tìm kiếm sự độc lập. Nhiều người trong số họ đi làm trở lại và mở rộng tầm nhìn của họ vào nhiều khía cạnh khác. Họ nghĩ, cuộc hôn nhân có lẽ là điều họ cần ở tuổi 25, nhưng không phải là điều quan trọng vào lúc này nữa. Sự tự tin của họ cũng được tiếp sức do ngày càng có nhiều phụ nữ độc lập về tài chính.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chọn giải pháp ly hôn một cách khó khăn. Sau khi chồng tuyên bố ly dị, Nicola đã năn nỉ ông ở lại. Họ sống cùng nhau thêm 10 năm nữa, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề nên cuối cùng đã ly hôn. Dù trước đó chồng bà thề thốt rằng không có “người thứ ba”, tuy nhiên, khi bà vừa dọn ra khỏi nhà bốn ngày, bạn gái mới của ông đã dọn vào nhà.
Sau 37 năm chung sống, Sue Plumtree đã ly dị chồng. Ngày dọn đồ đạc để rời khỏi nhà, bà tìm thấy cuốn nhật ký viết hồi năm 1982, ghi lại những lý do bà muốn bỏ chồng đặc kín đến 5 trang. Bà tự nhủ bà biết trước kết cục của cuộc hôn nhân này nhưng ráng chối bỏ nó trong nhiều năm tháng. Có lẽ những lo sợ như phải sống một mình làm bà sợ hãi, nhưng hiện nay bà cho biết đây là khoảng thời gian bà cảm thấy hạnh phúc nhất.
Sự đổ vỡ trong hôn nhân cũng mang lại đau đớn sâu sắc cho con cái, dù cho chúng đã trưởng thành. Các con của gia đình Ellis nói họ cố gắng hiểu bố mẹ, nhưng mất đi sự kết nối bền vững trong gia đình mà bố mẹ đã gây dựng trong nhiều thập kỷ làm họ cảm thấy mất đi sự an toàn và không khác gì trẻ mồ côi.
Nicola hiện nay đã tái hôn và sống hạnh phúc, kết luận: “Tôi rất coi trọng hôn nhân, nhưng nếu tình yêu không còn giữa hai người, thì không nên phí hoài những năm tháng ít ỏi còn lại của cuộc đời. Nếu bạn sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bạn sẽ trở nên vô ích đối với mọi người xung quanh”.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.